Tăng cường quản lý nhà nước về đường thủy nội địa
Theo thông tin mới nhất từ Sở GTVT, đường thủy nội địa (ĐTNĐ) trên địa bàn Quảng Nam có tổng chiều dài khoảng 341,8km; trong đó, ĐTNĐ quốc gia gồm 4 tuyến dài 165,2km và ĐTNĐ địa phương có 13 tuyến dài 176,6km. Tổng số bến đã được quy hoạch gồm 35 bến khách ngang sông, 113 bến hành khách, bến tổng hợp. Không kể bến khách ngang sông, bến thủy nội địa đang hoạt động gồm 22 bến (14 bến hàng hóa, 8 bến hành khách).
Trên các tuyến ĐTNĐ địa phương, Sở GTVT cho biết chủ yếu diễn ra hoạt động dân sinh; còn một số tuyến hoạt động du lịch, vận chuyển khách ngang sông, vận chuyển hàng hóa (cát, sạn…). UBND cấp huyện và cấp xã hiện quản lý theo quy định tại Quyết định số 1229 ngày 10/5/2021 của UBND tỉnh ban hành Quy chế về quản lý phương tiện thủy nội địa thô sơ có trọng tải toàn phần dưới 1 tấn hoặc có sức chở dưới 5 người hoặc bè hoạt động trên địa bàn tỉnh.
Theo thống kê chưa đầy đủ từ địa phương, phương tiện thô sơ có trọng tải toàn phần dưới 1 tấn hoặc sức chở dưới 5 người hoặc bè hiện có 1.354 phương tiện. Cạnh đó, có 809 phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần từ 1 đến 15 tấn hoặc có sức chở từ 5 đến 12 người; phương tiện có động cơ công suất máy chính dưới 5 sức ngựa hoặc có sức chở dưới 5 người; động cơ tổng công suất máy chính từ 5 sức ngựa đến 15 sức ngựa hoặc có sức chở từ 5 người đến 12 người là 247 phương tiện.
Ngành chức năng đã kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND cấp huyện tăng cường công tác quản lý nhà nước về bến khách ngang sông, phương tiện thủy nội địa thuộc phạm vi, thẩm quyền quản lý của địa phương theo quy định pháp luật và phân cấp của UBND tỉnh, nhất là về đăng kiểm, đăng ký, trang bị an toàn kỹ thuật phương tiện hoạt động tại lòng hồ thủy điện, thủy lợi và các sông. Đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại bến khách ngang sông về phương tiện, người điều khiển, trang bị cứu sinh, về chấp hành trọng tải chở khách... vì phần lớn các địa phương chưa quan tâm sâu sát đến công tác này.
Ngành chức năng cũng kiến nghị UBND tỉnh phân cấp nhiệm vụ, quyền hạn để giao cho chính quyền địa phương; cụ thể là phòng quản lý đô thị hoặc phòng kinh tế và hạ tầng thuộc một số huyện, thị xã có bến thủy nội địa để thực hiện công tác quản lý nhà nước chuyên ngành tại cảng, bến thủy nội địa trên địa bàn địa phương mình (trừ bến Đội Quản lý bến thủy nội địa đang quản lý cấp phép)...
UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các phòng chuyên môn, UBND các xã thực hiện quản lý đăng ký phương tiện thủy nội địa đúng phân cấp. Định kỳ thống kê, báo cáo về quản lý phương tiện thủy nội địa về Sở GTVT theo đúng quy định tại Thông tư số 75 ngày 19/12/2014 của Bộ GTVT về đăng ký phương tiện thủy nội địa.