Gian nan bình ổn thị trường khoáng sản

TRỊNH DŨNG 13/03/2023 07:49

Chính quyền tìm phương thức để chấm dứt tình trạng tăng giá đột biến vật liệu xây dựng, nhưng xem ra việc bình ổn thị trường khá gian nan khi chỉ trông chờ vào thiện ý của doanh nghiệp.

Các bến bãi kết cát vẫn đang vận hành, hoàn tất lắp đặt camera, trạm cân, nhưng chưa thể biết được khi nào sẽ bán cát ra thị trường. Ảnh T.D
Các bến bãi kết cát vẫn đang vận hành, hoàn tất lắp đặt camera, trạm cân, nhưng chưa thể biết được khi nào sẽ bán cát ra thị trường. Ảnh T.D

Nhiều chi phí

Giá vật liệu bất ngờ tăng đột biến và khan hiếm, gây sốt thị trường vật liệu suốt 2 tháng qua. Chính quyền đã mở nhiều cuộc họp bàn, phân tích, tìm mọi cách để hạ nhiệt, bình ổn thị trường, “cứu” các công trình đầu tư công, tư. Cuộc gặp gỡ giữa lãnh đạo tỉnh với doanh nghiệp mới đây, vấn đề này lại được đem ra mổ xẻ.

Ông Trần Thanh Hà - Giám đốc Sở TN-MT cho hay, nhiều đơn vị thi công than phiền về chuyện khan hiếm vật liệu và chủ mỏ bán không đúng giá công bố, giá niêm yết, bán hàng không xuất hóa đơn hoặc xuất hóa đơn với giá trị thấp hơn thực tế thanh toán. Cần chấn chỉnh tình trạng này để ổn định thị trường

Mối quan tâm của 50 doanh nghiệp tham dự cuộc gặp này là chuyện khó có được giấy phép khai thác, tiếp quá nhiều cuộc thanh tra, khó giải phóng mặt bằng. Mỗi mét vuông đất khai thác tốn quá nhiều chi phí.

Ông Cao Ngọc Tích - Giám đốc Công ty CP Đầu tư và phát triển Kỳ Hà - Chu Lai nói doanh nghiệp luôn bán đúng giá niêm yết, nhưng khó nhất vẫn là chuyện tốn quá nhiều thời gian vẫn không có được một giấy phép khai thác.

Ông Nguyễn Minh Tuấn (Công ty CP Sơn Hiệp Phú - Quế Hiệp, Quế Sơn) - đơn vị chuyên khai thác đá, đất san lấp nói không giải phóng mặt bằng được thì không thể nào lập thủ tục đưa mỏ vào khai thác.

Thiếu nguồn cung nên thị trường trở nên khan hiếm và tăng giá vật liệu là điều không tránh khỏi. Ngoài đóng thuế, chỉ riêng các khoản đóng góp (ngân sách xã, giao thông nông thôn, nông thôn mới...) đã tiêu tốn của doanh nghiệp từ 150 - 200 triệu đồng/năm. Chính quyền cần có cách gì để gỡ bỏ các khoản này, giúp doanh nghiệp “khỏe mạnh”, nuôi dưỡng nguồn thu cho ngân sách.

Đại diện Công ty CP Đầu tư và xây dựng Thiên An Khương (Quế Sơn) cho biết, việc công khai, bán đúng giá niêm yết hay lắp đặt camera, trạm cân kiểm soát khối lượng là điều doanh nghiệp phải, đã thực hiện. Tuy nhiên, không biết có căn cứ nào để địa phương áp giá “nghĩa vụ” doanh nghiệp phải đóng cho địa phương một số tiền/m3 đá khai thác (ngoài thuế phải đóng cho Nhà nước)?

Bình ổn thị trường

Ông Nguyễn Hồng Quang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng sẽ kiểm tra việc huy động đóng góp không đúng thẩm quyền của các địa phương. Trật tự sẽ được thiết lập, không thể để vật liệu đất, đá, cát phải gánh thêm các chi phí không chính thức này, đẩy thêm gánh nặng cho doanh nghiệp.

Vấn đề hiện thời là doanh nghiệp làm gì để có thể hỗ trợ bình ổn thị trường với chính quyền và cơ quan quản lý? Có phải doanh nghiệp đã bắt tay nhau, không khai thác hay khai thác cầm chừng, không đúng công suất khai thác thiết kế đã quy định để găm hàng, thổi giá, thống trị điều phối thị trường?

Không doanh nghiệp nào trả lời được câu hỏi đầy nghi vấn này. Để chấm dứt tình trạng khan hiếm, bình ổn giá vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn, lãnh đạo tỉnh đề nghị các doanh nghiệp phải niêm yết công khai giá bán tại khu vực khai thác, bán đúng giá niêm yết, xuất đầy đủ hóa đơn; khai thác đúng công suất được cấp phép.

Không được khai thác cầm chừng gây khan hiếm vật liệu xây dựng, nhưng cũng không khai thác vượt công suất đã cho phép. Doanh nghiệp phải gửi thông báo giá niêm yết về cơ quan thuế, Sở TN-MT, UBND các địa phương nơi khai thác khoáng sản và các cơ quan chức năng theo dõi, giám sát.

“Những lỗ hổng về quản lý đã được nhận diện. Sẽ cố gắng chấm dứt việc không khai thác, gom hàng, đẩy giá, thao túng thị trường của một số doanh nghiệp khai thác. Chính quyền không cấm doanh nghiệp xuất vật liệu đi các địa phương khác, chỉ yêu cầu ưu tiên cho các công trình đầu tư tại địa phương. Sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát, bình ổn thị trường” - ông Quang nói.

Ngoài ra, để kiểm soát chặt việc khai thác, vận chuyển, giá cả vật liệu, chính quyền tỉnh khuyến cáo mọi vi phạm (không bán đúng giá niêm yết, khai thác vượt công suất hay cầm chừng, khai thác không đúng phương pháp, hệ thống, trình tự, số lượng thiết bị khai thác, thiếu camera, trạm cân, bổ nhiệm giám đốc điều hành mỏ...) đều sẽ bị chế tài, có thể bị phạt lên đến cả tỷ đồng hay bị tước giấy phép, chấm dứt vĩnh viễn việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản tại địa phương.

Theo ông Lê Đỗ Tuấn Khương - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, giá bán công khai (từ các doanh nghiệp Pha Lê hay Trường Lợi...) cho các địa phương, doanh nghiệp là 150 nghìn đồng/m3 cát (gồm VAT) tại bãi.

“Nếu các mỏ này hoạt động ổn định với tổng sản lượng hàng năm 170.000m3 cát sẽ đáp ứng đủ nhu cầu. Chưa kể vẫn còn lại một lượng cát gần 29.000m3 (giấy phép khai thác hết hiệu lực). Nếu được bán và chính quyền địa phương kiên quyết gia tăng kiểm soát, sẽ hết nạn khan hiếm và giá cả vật liệu sẽ trở lại quỹ đạo trước đây” - ông Tuấn Khương nói.

Các mỏ đã tái khai thác. Vật liệu không còn khan hiếm. Nhưng giá có xuống hay không vẫn khó trả lời. Tài xế Ngô Sơn (ở Duy Xuyên) nói các depot đã công bố giá bán cát san lấp 170.000 đồng/m3 và giá cát, đá xây dựng đã bán giá 350.000 đồng/m3, thay vì 450.000 hay 500.000 đồng như trước đây.

Tuy nhiên, nhiều chủ bến thủy nội địa có tập kết cát về vẫn đóng cửa, chưa có dấu hiệu gì muốn bán ra thị trường. Xem ra “cuộc chiến” bình ổn thị trường cát, đất vẫn còn gian nan khi chỉ trông chờ vào thiện ý của doanh nghiệp.

TRỊNH DŨNG