Kiến nghị đầu tư công trình bảo vệ bờ sông Quảng Huế
Tình trạng sạt lở bờ sông Quảng Huế (đoạn qua thôn Phú Nghĩa, xã Đại An, Đại Lộc) và sạt lở bờ kè chỉnh trị sông Quảng Huế thời gian qua ảnh hưởng đến đất sản xuất, sinh hoạt và đời sống nhân dân. Chính quyền địa phương kiến nghị cấp trên sớm hỗ trợ nguồn lực nhằm triển khai phương án khắc phục hậu quả trước mùa mưa bão năm nay.
Sạt lở thời gian dài
Theo báo cáo của UBND xã Đại An, từ cuối tháng 9/2022 đến nay, do ảnh hưởng của các đợt thiên tai nên tình hình sạt lở bờ sông Quảng Huế, đoạn qua thôn Phú Nghĩa tiếp tục diễn ra.
Tình trạng sạt lở đã làm cuốn trôi 3ha đất sản xuất nông nghiệp và có nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt của các hộ dân đang sinh sống tại khu vực. Khu vực sạt lở đã ăn sâu vào sát móng 2 trụ điện đường dây trung thế đến các xã vùng B của huyện và vùng lân cận.
Trước đó, mùa mưa lũ năm 2020 gây sạt lở khoảng 300m bờ kè chỉnh trị sông Quảng Huế; năm 2021 sạt lở tiếp tục gây ảnh hưởng tới 1,5ha đất sản xuất và ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt của 15 hộ dân...
Cuối năm 2022, UBND huyện Đại Lộc đã báo cáo lên Sở NN&PTNT và UBND tỉnh để có hướng chỉ đạo xử lý khắc phục tình trạng sạt lở khu vực nói trên.
UBND huyện Đại Lộc cũng chỉ đạo UBND xã Đại An, UBND thôn Phú Nghĩa thực hiện phương án sơ tán khẩn cấp 11 hộ dân, 33 nhân khẩu và những tài sản có giá trị, có khả năng ảnh hưởng trực tiếp trong đêm 18/10/2022 đến nơi an toàn.
Đồng thời, chính quyền các cấp huy động lực lượng, phương tiện để gia cố khẩn cấp bằng bao cát, đê bao bằng cát chắn sóng, giảm thiểu và hạn chế tình trạng sạt lở ở khu vực này.
Gia cố đoạn kè đập chỉnh trị sông
Mùa mưa lũ năm 2022, UBND tỉnh đã ra Quyết định số 2890 công bố tình huống khẩn cấp về sạt lở bờ sông Quảng Huế đoạn qua thôn Phú Nghĩa, xã Đại An.
UBND tỉnh có công văn gửi Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai cùng Bộ NN&PTNT về việc nghiên cứu, đánh giá biến động dòng chảy, lòng dẫn khu vực công trình chỉnh trị sông Quảng Huế và ảnh hưởng của những phát sinh mới trên lưu vực.
UBND tỉnh đề nghị Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai sớm đầu tư xây dựng kiên cố đoạn kè sông bị sạt lở phía hạ lưu công trình chỉnh trị sông Quảng Huế, chiều dài khoảng 500m, nhằm ổn định cuộc sống và sản xuất của người dân nơi đây; đồng thời khôi phục, cải tạo hơn 3ha đất nông nghiệp bị sạt lở.
Tỉnh đề nghị Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng công trình bảo vệ bờ sông Quảng Huế, đoạn qua thôn Phú Nghĩa với tổng mức đầu tư khoảng 100 tỷ đồng.
UBND tỉnh cũng đề nghị Bộ NN&PTNT sớm tổ chức nghiên cứu, đánh giá biến động dòng chảy, lòng dẫn khu vực công trình chỉnh trị sông Quảng Huế và các ảnh hưởng của những phát sinh mới trên lưu vực một cách tổng thể, từ đó đề xuất các giải pháp công trình phù hợp.
Ông Hồ Ngọc Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, cho hay UBND huyện đã kiến nghị UBND tỉnh và Trung ương có hướng hỗ trợ, phân bổ nguồn lực để sớm triển khai các công trình, hạng mục trước mùa mưa bão năm 2023 nhằm tránh những thiệt hại do mưa lũ, thiên tai gây ra làm ảnh hưởng lớn đến dân sinh.
Qua làm việc với UBND tỉnh được biết sẽ nỗ lực sử dụng nguồn ngân sách của tỉnh để phân bổ cho các hạng mục. Tuy nhiên đến nay nguồn lực chưa được phân bổ cho các đơn vị thực hiện.
Cũng theo ông Mẫn, qua tham vấn ý kiến cộng đồng dân cư cũng như các chuyên gia kỹ thuật, việc khắc phục sạt lở ở khu vực đập chỉnh trị sông Quảng Huế trước hết cần hạ bớt cao trình đập, xây dựng cửa van đóng mở đập theo hướng có thể đóng vào mùa nắng và mở xả tràn vào mùa mưa để giảm bớt áp lực nước gây xói lở cho khu dân cư. Thứ hai là xây dựng công trình gia cố tuyến kè ở hạ lưu để bảo vệ đất sản xuất và khu dân cư.
Tìm kiếm giải pháp hiệu quả bảo vệ bờ sông Quảng Huế
Vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu kiểm tra thực tế tình hình sạt lở bờ sông Quảng Huế, đoạn qua thôn Phú Nghĩa, xã Đại An.
Ông Hồ Quang Bửu yêu cầu UBND huyện Đại Lộc tiếp tục theo dõi diễn biến sạt lở, cắm biển cảnh báo, khoanh vùng nguy hiểm, tăng cường thông tin, truyền thông để người dân biết về nguy cơ diễn biến sạt lở, chủ động các biện pháp phòng tránh, ứng phó.
UBND tỉnh sẽ tham vấn ý kiến các đơn vị tư vấn để có phương án cụ thể khắc phục hậu quả sạt lở, tránh tình trạng kè chống sạt lở chỗ này gây sạt lở chỗ khác.
Về các giải pháp công trình tại khu vực bờ kè sông Quảng Huế, ông Bửu cho biết UBND tỉnh đã kiến nghị Trung ương hỗ trợ tìm giải pháp phù hợp bởi đây là vấn đề nằm ngoài khả năng của tỉnh và mọi việc cần phải chờ đợi Trung ương.
Cùng với đó, UBND tỉnh chỉ đạo Sở NN&PTNT phối hợp với UBND huyện Đại Lộc và UBND xã Đại An tìm kiếm các giải pháp trước mắt, các giải pháp tình thế tại chỗ nhằm hạn chế mức độ sạt lở và bảo vệ đời sống nhân dân trước ảnh hưởng bởi thiên tai gây ra.