"Huyết mạch" của phố

QUỐC TUẤN 05/03/2023 08:34

Giao thông là một trong những đòn bẩy cho sự phát triển của đô thị. Hạ tầng giao thông không chỉ tương thích, theo kịp đà chuyển mình của phố hiện tại mà còn cần phải bắt nhịp được xu hướng   tương lai.

Cầu Nguyễn Duy Hiệu bắc qua sông Cổ Cò chưa có nhiều phương tiện lưu thông vì tuyến đường nối từ ĐT603B vào cầu chưa được nâng cấp, mở rộng. Ảnh: Q.T
Cầu Nguyễn Duy Hiệu bắc qua sông Cổ Cò chưa có nhiều phương tiện lưu thông vì tuyến đường nối từ ĐT603B vào cầu chưa được nâng cấp, mở rộng. Ảnh: Q.T

Muôn kiểu “tắc mạch”

Thấm thoát đã 5 năm từ thời điểm tuyến ĐT608 nối thị xã Điện Bàn với TP.Hội An rục rịch “thay áo mới” nhưng cuối cùng dự án vẫn chưa thể hoàn thành do ách tắc mặt bằng.

Sự lỗi hẹn này góp phần khiến dự án “Phát triển môi trường, hạ tầng đô thị để ứng phó biến đổi khí hậu thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam” phải xin gia hạn thêm một năm. Một “huyết mạch” giao thông khác nối liền hai địa phương này ở loại hình đường thủy là sông Cổ Cò cũng đã nhiều lần lỗi hẹn trong việc thông dòng. 

Giao thông không đồng bộ cũng là bài toán loay hoay tìm lời giải lâu nay ở phố thị. Cầu Nguyễn Duy Hiệu bắc qua sông Cổ Cò đã thông xe kỹ thuật từ lâu nhưng lưu lượng xe cộ ở đây vẫn lác đác. Phương tiện trọng tải lớn hầu như không qua lại được vì tuyến đường Nguyễn Chí Thanh nối cầu với ĐT603B vẫn như đường làng.

Những năm đầu thế kỷ 21, tuyến ĐT603B dài hơn 15km chạy ven biển nối từ TP.Đà Nẵng vào TP.Hội An được xem là cung đường đẹp và thông thoáng bậc nhất trên địa bàn tỉnh với quy mô 4 làn xe cơ giới, có dải phân cách giữa. Tuy nhiên chỉ chưa đến 20 năm, ở nhiều khoảng thời gian cao điểm trong ngày, tuyến đường có dấu hiệu quá tải do mật độ lưu lượng phương tiện giao thông đông đúc. 

Theo ghi nhận của cơ quan chức năng, đoạn đường này có lưu lượng rất lớn vào giờ cao điểm, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Do đó, UBND tỉnh đã ban hành giải pháp giao thông, trong đó trước mắt cấm xe có trọng tải từ 5 tấn trở lên lưu thông nhằm ưu tiên phát triển du lịch và dân sinh.

Có thể thấy đây là giải pháp tình thế trước khi tính phương án mở rộng hoặc phân luồng căn cơ hơn trong tương lai. Nhưng “cơi nới” đường sá ở phố không bao giờ là dễ dàng, khi thị dân qua từng ngày “nêm chặt” mọi ngõ ngách…

Cần tầm nhìn xa

Những bí bách của cung đường ĐT603B là minh chứng rõ nét cho dư âm của làng khi những vùng quê chuyển mình thành phố. Dù đã dự lường phần nào sự trỗi dậy của vùng đất này nhưng có lẽ một tầm nhìn bao quát, dài hơi hơn vẫn nằm ngoài hoạch định cho phố lúc đó.

Xuôi về phía Tam Kỳ, đường Hùng Vương sau chặng đường phát triển cùng đô thị tỉnh lỵ đã phần nào lạc hậu. Mở rộng là chuyện dĩ nhiên và tỉnh đã có chủ trương đầu tư cho dự án. Điều đáng nói ở đây là đường sẽ được mở rộng bằng cách… thu hẹp dải phân cách.

Điều này rõ ràng “dễ thở” hơn rất nhiều thay vì phải mở về hai phía vỉa hè với bao nhiêu khê, rào cản. Và dải phân cách đường Hùng Vương đủ thênh thang để thu hẹp cũng là một dấu ấn đáng kể về tầm nhìn của thế hệ lãnh đạo thời điểm mới tái lập tỉnh. 

Tại một cuộc họp bàn xây dựng, phát triển đô thị loại I trên cơ sở sáp nhập 3 địa phương Tam Kỳ - Núi Thành - Phú Ninh, lãnh đạo huyện Phú Ninh đã chia sẻ băn khoăn, hiện nay các xã của Phú Ninh vẫn đang trên đà xây dựng, nâng cấp nông thôn mới trong đó có việc nâng cấp hạ tầng đường sá.

Tuy nhiên, nếu các khu vực này trở thành đô thị trong tương lai thì tiêu chuẩn đường sá sẽ có nguy cơ lạc hậu. Do vậy cần tính toán ngay từ bây giờ để tránh lãng phí nguồn lực đầu tư cũng như vướng mắc cho hạ tầng của phố ngày sau.

Ở khía cạnh khác, trong hành trình nâng cấp hạ tầng cho phố, không cứ phải mở rộng thênh thang là tốt cho phố. Khi làm việc về công tác quy hoạch các địa phương, nhất là thành phố và thị xã trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh lưu ý, cần phải có định lượng cụ thể về thông số mật độ giao thông.

Từ đó tính toán quy hoạch quy mô đường phù hợp, sẵn sàng giảm quy mô nếu không cần thiết. Quan trọng là phải định vị cho được các trục giao thông trọng điểm sẽ phát triển mạnh trong tương lai để tập trung nguồn lực đầu tư tương xứng không chỉ đường bình thường mà còn nhiều loại hình như hầm chui, cầu vượt. Điều này cần tầm nhìn xa.   

Theo đà đô thị hóa sẽ còn nhiều miền quê khác ở xứ Quảng “thay áo” phố. Câu chuyện tương lai luôn là những biến số khôn lường. Để giảm thiểu lãng phí nguồn lực chỉnh trang phố thị đến mức thấp nhất, không gì quan trọng bằng một tầm nhìn xa…

QUỐC TUẤN