Quản lý, khai thác khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường: Cần biện pháp mạnh
Trước tình hình căng thẳng nguồn cung đất, cát xây dựng, dự kiến chiều nay 27/2, UBND tỉnh mở hội nghị bàn về quản lý, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường. Hy vọng hội nghị sẽ tìm ra giải pháp để bình ổn giá và giải cơn khát khan hiếm cát, đất.
Khan hiếm
Giá cả và nạn khan hiếm đất cát âm ỉ từ năm 2021 & 2022 đã bùng phát mạnh vào đầu năm 2023 khiến nhiều nhà thầu khi nhận được mặt bằng lại đã xin tạm dừng hợp đồng thi công xây lắp (như dự án Trường THPT Trần Đại Nghĩa, Quế Sơn). Trong các báo cáo về giải ngân không đạt kế hoạch năm 2021 & 2022 đều viện dẫn một trong những lý do là khan hiếm và giá vật liệu dần tăng cao.
Ông Nguyễn Văn Thọ - Phó Giám đốc Sở TN-MT cho hay, không chỉ thiếu mỏ, mà ngay cả những mỏ còn giấy phép cũng chỉ khai thác một năm nữa là hết. Còn mỏ mới cấp phép thì phải sau một năm mới có thể khai thác. UBND tỉnh cũng đã ra văn bản chỉ đạo khai thác khoáng sản và công bố giá vật liệu.
“Khi trước, mỏ cát, đất cấp cho nhiều chủ đầu tư, nhiều người khai thác, không quản lý được thì phải gom lại cấp cho doanh nghiệp lớn để khai thác. Chừ giá vật liệu lên, thiếu, dư luận lên án là gom lại để thao túng thị trường. Không biết đâu mà lường!” - ông Thọ nói.
Theo Thông báo số 471, ngày 23/12/2022, của UBND tỉnh, từ năm 2014 đến nay, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh thông qua và phê duyệt bổ sung 715 điểm mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường vào quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản. Trong đó, có 253 điểm cát, sỏi, 238 điểm đất san lấp.
Hiện còn 57 giấy phép khai thác khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường còn hiệu lực (kể cả giấy phép khai thác đá xây dựng, đất sét...), 28 trường hợp đang thực hiện hồ sơ, thủ tục liên quan để trình cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp giấy phép khai thác.
Theo thông báo này, nhiều đơn vị khai thác không đúng thiết kế, khai thác ngoài phạm vi, ranh giới mỏ. Việc quản lý, vận hành trạm cân, hệ thống camera thường xuyên và rất ít doanh nghiệp thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường sau khai thác khoáng sản. Nguồn vật liệu đang khan hiếm.
Để đáp ứng kịp thời vật liệu thi công công trình ngày càng nhiều, UBND tỉnh đã yêu cầu các địa phương cho đấu giá quyền khai thác khoáng sản, đồng thời yêu cầu các sở (TN-MT, Tài chính, Thuế...), địa phương và các cơ quan như công an, quản lý thị trường, thanh tra... tăng cường kiểm tra, yêu cầu doanh nghiệp khai thác phải niêm yết công khai giá bán tại mỏ và bán đúng với giá niêm yết.
Loạn giá
Mỏ đất núi Dàng (thôn Phước Chánh, xã Quế Mỹ, Quế Sơn) như một con voi xám bị xẻ thịt. Nhiều chiếc xe múc như treo trên vực núi đất lẫn đá. Không tưởng tượng nổi sau khi bươi, múc hết trữ lượng đất tại mỏ này thì có thể làm gì được với một “thung lũng” khổng lồ sâu hoắm treo lơ lửng hàng trăm tảng đá lớn nhỏ này?
Sáng 25/2/2023, hàng chục chiếc xe cất thùng lên cao, xuôi dưới lòng chảo công trường đất để cất hàng lên xe và chở đi. Lái xe Nguyễn Ngọc Tuấn nói giá tại mỏ là 70.000 đồng/m3.
Mỏ đất núi Dàng không có tên trong danh mục báo giá quý IV của Sở Xây dựng. Ông Huỳnh Ngọc Bá - Phó Giám đốc Sở Xây dựng thừa nhận giá nguyên liệu đất đắp công trình và cát xây dựng trên thị trường cao hơn rất nhiều so với giá báo liên sở, không đủ nguồn cung.
Theo ông Bá, khi xây dựng báo giá, sở đã kiểm tra các địa phương, doanh nghiệp. Họ đã ký biên bản, cam kết bán đúng giá. Nhưng khi doanh nghiệp đến mua thì họ bán giá khác, lại không xuất hóa đơn, chỉ nói miệng với nhau và doanh nghiệp cần vật liệu thi công nên phải bấm bụng mua.
“Cam kết một giá, bán một giá khác cao hơn. Chỉ còn cách giao cho thuế, quản lý thị trường, thanh tra, công an... căn cứ vào quy định nào đó để chấn chỉnh, xử phạt, chứ cơ quan quản lý cũng bó tay, không thể làm gì được” - ông Bá nói
Quyết liệt kiểm soát
Chấn chỉnh, lập lại trật tự khai thác khoáng sản, bình ổn giá, chấm dứt sự khan hiếm trên thị trường là điều đương nhiên phải làm, nhưng làm thế nào hiệu quả, thực sự vẫn là câu hỏi không dễ tìm thấy câu trả lời.
Ngành thuế đã từng than phiền là cho dù có đặt camera hay trạm cân cũng không thể nào kiểm soát nổi trữ lượng khai thác hay vận chuyển của chủ các mỏ khoáng sản này. Một phương thức có vẻ dễ chấp nhận là cho đấu giá mỏ khoáng sản, đánh thuế trên trữ lượng thăm dò ấy để khỏi thất thoát ngân sách nhà nước.
Mới đây, một mỏ cát tại thôn 2, xã Phước Kim (Phước Sơn) đã đấu giá trúng thầu gấp 50 lần so với giá khởi điểm (17,3 tỷ đồng/341 triệu đồng). Liệu có phải doanh nghiệp thực sự nhìn thấy “tương lai” gì từ mỏ cát này hay thao túng thị trường để độc quyền khai thác và bán buôn?
UBND tỉnh đã quyết định cho đấu giá các mỏ khoáng sản. Nhưng có ai đủ năng lực để kiểm soát việc thăm dò, xác định trữ lượng và khai thác đúng cam kết của doanh nghiệp để không gây thất thoát tài nguyên, bình ổn giá thị trường, không gây sốt như vừa qua và bao giờ có thể ngăn chận được chuyện “công bố giá một đường bán một nẻo”.
Ông Nguyễn Hồng Quang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho hay, tỉnh đã yêu cầu các chủ mỏ phải khai thác, bán khoáng sản theo trữ lượng giấy phép được cấp. Trữ lượng bao nhiêu khai thác bấy nhiêu. Tránh tình trạng không khai thác để tạo sự khan hiếm giả nhằm đẩy giá gia tăng.
UBND tỉnh đã yêu cầu liên sở, liên ngành, thường xuyên kiểm tra doanh nghiệp. Nếu không thực hiện công khai giá bán và bán không đúng giá niêm yết sẽ xử lý, đình chỉ hoạt động, không xem xét việc gia hạn hoặc sẽ thu hồi giấy phép khai thác đã cấp.
Cơ quan thuế đã đưa vào kế hoạch thanh tra 2023 việc chấp hành quy định pháp luật về kê khai thuế, xuất hóa đơn, chứng từ liên quan đến việc mua bán, xuất nhập, vận chuyển khoáng sản với các doanh nghiệp. Xử lý nghiêm, kịp thời các vi phạm. Liên sở sẽ phải cập nhật thường xuyên mọi biến động giá, báo giá từng tuần, tháng, quý... Không để thất thoát tài nguyên, có đủ nguồn nguyên liệu cung ứng và giá hợp lý cho các dự án đầu tư công, tư.