Nhìn ra phía biển

PHƯƠNG GIANG 26/02/2023 07:51

Không khó để nghe được những phàn nàn từ phía du khách về câu chuyện mất hút tầm nhìn phía biển, khi quy hoạch không theo kịp đà phát triển của hạ tầng đô thị. Gìn giữ bản sắc, tạo sức hút du lịch, đảm bảo không gian cho dân số và cả du khách đòi hỏi toan tính dài và xa, cho tham vọng hình thành chuỗi đô thị ven biển mà Quảng Nam đang theo đuổi.

Dải bờ biển phía nam, kể cả Tam Thanh (đô thị Tam Kỳ) cũng chỉ mới ở giai đoạn đầu, chưa khởi sắc.Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Dải bờ biển phía nam, kể cả Tam Thanh (đô thị Tam Kỳ) cũng chỉ mới ở giai đoạn đầu, chưa khởi sắc.Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Chậm mà chắc

Đã một thời rộ lên câu chuyện con đường ra biển của người dân bị chặn bởi một loạt khách sạn sang trọng. Họ không còn thấy biển, từ phía làng chài nhỏ bé của mình. Con đường dọc biển trở thành một nhát chém đau đớn giữa dịch vụ du lịch, vốn đang là mảng kinh tế béo bở và đời sống thị dân.

Thị dân phải chật vật mưu sinh, không ít trong số đó buộc phải rời bỏ biển, rời bỏ những nghề truyền đời của gia đình mình. Những dự án chiếm lấy phần lớn diện tích lẽ ra thuộc về cộng đồng và chỉ nhượng bộ khi sức ép từ phía người dân, chính quyền đủ mạnh. Một cuộc tranh đấu không hồi kết, mà nguồn cơn bắt đầu từ quy hoạch.

May mắn, tốc độ đô thị hóa và quy mô phát triển của chuỗi đô thị ven biển Quảng Nam chưa chạm đến những ồn ào như câu chuyện đã xảy ra ở nhiều nơi. Theo thống kê, đến năm 2020, Quảng Nam có 18 đô thị, tỷ lệ đô thị hóa đạt hơn 26% và đến 2025, như dự kiến, tỷ lệ đô thị hóa sẽ ở con số hơn 45% với 20 đô thị.

Trong 4 đô thị loại 5 hình thành mới, chỉ có thêm 2 đô thị ven biển bao gồm đô thị Duy Hải - Duy Nghĩa (Duy Xuyên) và Bình Minh (Thăng Bình). Nếu tính riêng ở vùng Đông, tỷ lệ đô thị hóa xấp xỉ 31%, tập trung nhất tại 3 đơn vị hành chính: TP.Tam Kỳ, TP.Hội An và thị xã Điện Bàn. Đây đều là các đô thị  phát triển nhất của tỉnh.

Tam Kỳ là trung tâm hành chính chính trị của tỉnh, Hội An là trung tâm dịch vụ du lịch cấp vùng, Điện Bàn là đô thị cửa ngõ phía bắc của tỉnh, có sự ảnh hưởng lớn từ đô thị hóa của Đà Nẵng, tuy nhiên chất lượng đô thị còn khiêm tốn.

Phần lớn đô thị được hình thành và phát triển chủ yếu trên sự đảm nhiệm chức năng là đô thị hành chính, thiếu yếu tố động lực phát triển quan trọng như sản xuất công nghiệp, dịch vụ thương mại, du lịch, do đó tốc độ đô thị hóa và quy mô phát triển đô thị chậm và yếu.

Không quá trễ để bắt đầu và quan trọng hơn, sự “lùi lại” của đô thị ven biển Quảng Nam là điều kiện tốt để toan tính cho một quy hoạch bài bản, dài hạn. Những hội thảo quy hoạch lớn, thu hút sự góp mặt của nhiều chuyên gia trong và ngoài nước là minh chứng cho sự cầu thị của chính quyền nhằm chuẩn bị nền tảng quy hoạch, yếu tố tiên quyết cho việc “nhìn ra phía biển”, liên quan đến xây dựng đô thị ven biển.

Theo nhiều chuyên gia, đô thị phát triển không vì sự gia tăng dân số của địa phương. Đặc biệt, với chức năng dịch vụ đô thị, sự phát triển càng phụ thuộc vào sức hút du lịch, cư dân của thành phố còn là lượng du khách đến tham quan, lưu trú.

Vì sự phát triển bền vững

Theo TS. Phùng Phú Phong - Giám đốc Sở Xây dựng, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị TP.Đà Nẵng, đặc thù đó là cơ hội phát triển của đô thị ven biển Quảng Nam, với lợi thế chiến lược trong phát triển du lịch.

Đề cập quy hoạch đô thị ven biển, Tiến sĩ Phùng Phú Phong cho rằng, ngay cả khi du lịch là một phần quan trọng của nền kinh tế địa phương, các dịch vụ đô thị cho người dân địa phương vẫn là yếu tố cần thiết. Do đó, không nên quy hoạch đô thị ven biển theo kiểu đơn chức năng.

Thực tế hiện nay, khá nhiều đô thị ven biển như Tuy Hòa, Nha Trang, Quy Nhơn, Đà Nẵng đang dành nhiều ưu tiên cho phương tiện cá nhân, tạo thành sự ngăn cách giữa thành phố và biển. Đây là điều khá đáng tiếc.

Khuyến nghị được đặt ra, là nên quy hoạch không gian công cộng dọc bờ biển, ưu tiên cho người đi bộ và phương thức giao thông mềm, không đơn thuần là trục giao thông mà phải tạo ra tầm nhìn cho người đi bộ, hình thành thảm thực vật bản địa như một đặc trưng cho đô thị ven biển.

Bên cạnh đó, yêu cầu kiến trúc ven biển cần đảm bảo tính thẩm mỹ, vừa phải có tính bản địa của mỗi vùng, là yêu cầu cần thiết cho nhà cửa, công trình trong khu vực.

Kiến trúc ven biển là một loại hình công trình đặc thù, không giống như các công trình ở trong trung tâm đô thị hoặc các thành phố xa biển, kể cả về hình thức kiến trúc cũng như chức năng không gian sử dụng và giải pháp kỹ thuật.

Kiến trúc khởi tạo từ ưu thế và sự khác biệt của thiên nhiên, môi trường khí hậu, hài hòa mục đích sử dụng công trình sẽ tạo nên sắc thái biển, một kiểu “định danh” về nơi chốn bằng kiến trúc.

“Cho đến nay, còn khá nhiều tỉnh, thành phố vẫn chưa có đủ sự quan tâm trên toàn bộ quỹ tài nguyên ven biển thuộc phạm vi địa phương mình, từ góc nhìn chiến lược về công tác quy hoạch kiến trúc, cũng như có cơ sở cho công tác quản lý.

Chính điều này làm cho quá trình phát triển bị manh mún và kém sức hấp dẫn về thu hút đầu tư. Trong một thời gian dài, du lịch biển mới chỉ tập trung ở khu vực Điện Bàn, Hội An với việc hình thành các khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp. Còn dải bờ biển phía nam, kể cả Tam Thanh (đô thị Tam Kỳ) cũng chỉ mới ở giai đoạn đầu, chưa khởi sắc.

Điều này đòi hỏi khát vọng, tầm nhìn thích hợp. Cùng với chiến lược thu hút đầu tư, định hướng phát triển quy hoạch phải xây dựng được bản sắc riêng cho vùng đất mới tạo dựng tương lai xứng tầm” - TS. Phùng Phú Phong chia sẻ.

PHƯƠNG GIANG