Cảnh báo mất an toàn tại lối đi tự mở
Bộ GTVT vừa yêu cầu Cục Đường sắt và Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam báo cáo nguyên nhân của 2 vụ tai nạn đường sắt liên tiếp, bao gồm vụ xảy ra vào ngày 28/1 trên quốc lộ 1 đoạn qua xã Văn Tự (Thường Tín, Hà Nội) giữa tàu khách với xe đầu kéo chở sắt và vụ xảy ra vào ngày 29/1 đoạn qua thị trấn Văn Điển (Thanh Trì, Hà Nội) giữa ô tô với tàu khách.
Để giảm thiểu nguy cơ tai nạn đường sắt, Bộ GTVT đề nghị Cục Đường sắt Việt Nam có phương án bảo đảm an toàn giao thông (ATGT) tại đường ngang trên toàn mạng lưới đường sắt; kiểm tra quy trình an toàn chạy tàu; chỉ đạo lực lượng thanh tra đường sắt xử lý nghiêm vi phạm.
Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự ATGT đường sắt; tăng cường kiểm tra, rà soát thiết bị cảnh báo an toàn đường sắt; thông tin về lịch chạy tàu với chính quyền địa phương để tổ chức cảnh giới.
Hai vụ tai nạn đều xảy ra nơi đường ngang đường bộ giao nhau với đường sắt. Trong đó, vụ xảy ra vào ngày 28/1 thuộc lối đi tự mở (đường ngang bất hợp pháp) có người gác chắn.
Vì vậy hồi chuông báo động lại gióng lên về sự mất ATGT tại các lối đi tự mở. Quảng Nam cũng không ngoại lệ khi tồn tại 62 lối đi tự mở băng qua đường sắt. Năm 2020, Sở GTVT phối hợp xây dựng hoàn thành 2 đường gom kết hợp hàng rào bảo vệ có tổng chiều dài 0,5km. Do đó, xóa được 2 lối đi tự mở thuộc xã Tam Nghĩa (Núi Thành).
Ngoài rào thu hẹp không cho ô tô đi qua 19 lối đi tự mở khác, trong các năm 2020, 2021 và 2022, Ban ATGT tỉnh đã chủ trì phối hợp với địa phương và đơn vị liên quan thành lập chốt gác tại 9 lối đi tự mở thuộc địa phận các xã Duy Sơn (Duy Xuyên), Bình Trung, Bình An (Thăng Bình), Tam Xuân 2, Tam Nghĩa và thị trấn Núi Thành (Núi Thành), các phường Hòa Thuận, Trường Xuân (Tam Kỳ). Nhờ có chốt gác, người và phương tiện qua lại đường sắt tại 9 lối đi tự mở này được đảm bảo an toàn.
Lối đi tự mở thuộc tuyến ĐH10.TB, vị trí băng qua đường sắt tại xã Bình Chánh (lý trình đường sắt km845+880) cũng chính thức được xóa bỏ, sau khi huyện Thăng Bình xây dựng xong và đưa vào sử dụng đường ngang hợp pháp có cần chắn tự động với kinh phí khoảng 5 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đường sắt qua địa bàn tỉnh còn rất nhiều lối đi tự mở. Để xóa hết lối đi tự mở theo lộ trình vào năm 2025, Quảng Nam còn nhiều việc phải làm. Song trước mắt, việc kiểm tra, rà soát và đưa ra các giải pháp đảm bảo ATGT phù hợp với từng lối đi tự mở có nguy cơ cao xảy ra tai nạn cần tiến hành kịp thời.