Đến 2025, cả nước sẽ có khoảng 3.000km đường bộ cao tốc

CÔNG TÚ 13/01/2023 20:17

(QNO) - Chiều 13/1/2023, Bộ GTVT tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2022 và triển khai kế hoạch năm 2023. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: N.A.T
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: N.A.T

Báo cáo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GTVT - ông Nguyễn Danh Huy cho biết, giai đoạn 2021 - 2025, Quốc hội, Chính phủ tiếp tục ưu tiên bố trí nguồn lực lớn để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, trong đó ưu tiên các dự án quan trọng có tính chất động lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Mục tiêu đặt ra đến năm 2025, cả nước sẽ có khoảng 3.000km đường bộ cao tốc và cơ bản hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc bắc - nam phía đông từ Lạng Sơn đến Cà Mau.

Triển khai nhiệm vụ năm 2022, Bộ GTVT đã tập trung nguồn lực, chỉ đạo  các cơ quan tham mưu phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, kịp thời trình, phê duyệt chủ trương đầu tư 54 dự án nhóm A, B, C.

Lần đầu tiên trong một năm, bộ đã trình và được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư 6 dự án quan trọng quốc gia, bao gồm cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021 - 2025 cùng các dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh, vành đai 4 vùng thủ đô Hà Nội.

Dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 40B, đoạn Phú Ninh - Tiên Phước do Quảng Nam bỏ vốn đầu tư đã hoàn thành, đưa vào khai thác. Ảnh: CT
Dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 40B, đoạn Phú Ninh - Tiên Phước do Quảng Nam bỏ vốn đầu tư đã hoàn thành, đưa vào khai thác. Ảnh: CT

Trong năm 2022, có 18 dự án đã được khởi công; 22 dự án hoàn thành, đưa vào khai thác. Đáng chú ý, 12 dự án thành phần cao tốc bắc - nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đã được khởi công đồng loạt.

Đối với hàng không, dự án đường cất hạ cánh và đường lăn tại cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất đã hoàn thành đưa vào khai thác trước ngày 30/4/2022; khởi công nhà ga hành khách T3, cảng hành không quốc tế Tân Sơn Nhất.

Hai dự án thuộc nhóm các dự án đường sắt quan trọng, cấp bách trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh cũng đã đưa vào khai thác.

Năm 2022, sản lượng vận tải hàng hóa ước đạt 2.009 triệu tấn, tăng 23,7% so với cùng kỳ; vận chuyển hành khách ước đạt 3.664 triệu lượt khách, tăng 52,8% so với cùng kỳ năm 2021.

Hoạt động vận tải đã phục hồi trên cả 5 lĩnh vực, đáng chú ý là vận tải hành khách ngành hàng không và đường sắt tăng trưởng 3 con số. Vận tải đường sắt bắt đầu có lãi sau 2 năm liên tục thua lỗ do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Khởi công dự án đường nối từ quốc lộ 14H đến tuyến ĐT609C, điểm nhấn là cầu Sông Thu nối liền Duy Xuyên với Đại Lộc. Ảnh: CT
Khởi công dự án đường nối từ quốc lộ 14H đến tuyến ĐT609C, điểm nhấn là cầu Sông Thu nối liền Duy Xuyên với Đại Lộc. Ảnh: CT

Trên cơ sở kế hoạch vốn được Thủ tướng giao, tính đến ngày 31/12/2022, Bộ GTVT đã giải ngân lên đến 47.905 tỷ đồng, đạt khoảng 87% kế hoạch, bao gồm cả phần vốn chỉ mới được giao bổ sung vào tháng 10/2022.

Dự kiến hết năm tài chính, khối lượng giải ngân của Bộ GTVT sẽ đạt 95,7% tổng kế hoạch được giao.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao nỗ lực vượt khó của ngành GTVT cũng như các địa phương. Công tác điều hành, công tác quy hoạch được thực hiện nhanh chóng, quyết liệt, hiệu quả, nhận được sự đồng lòng ủng hộ của người dân. Người đứng đầu Chính phủ cũng đã chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế về triển khai thực hiện nhiệm vụ của ngành trong năm 2022.

Dự án đường 129 (đường Võ Chí Công) giai đoạn 2, kết nối với đường vào sân bay Chu Lai đã hoàn thành.
Dự án đường 129 (đường Võ Chí Công) giai đoạn 2, kết nối với đường vào sân bay Chu Lai đã hoàn thành.

Về nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ GTVT cùng các nhà khoa học, nhà nghiên cứu triển khai hoàn thành sớm quy hoạch hàng không góp phần phục vụ nhu cầu giao thương, đi lại của nhân dân, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Cạnh đó, ngành cần nỗ lực hơn nữa để tiếp tục triển khai, sớm hoàn thành các dự án trọng điểm quốc gia. Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, đơn vị, địa phương cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong thực hiện nhiệm vụ. Nhanh chóng rà soát hành lang pháp lý đảm bảo thông thoáng, tránh sự chồng chéo, khó khăn.          

Đáng chú ý, với những sai phạm, tiêu cực đã xảy ra trong lĩnh vực đăng kiểm, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ GTVT cần nghiêm túc chấn chỉnh, tuyệt đối không để tái diễn nhằm tránh gây thất thoát và làm mất niềm tin ở nhân dân.

Người đứng đầu Chính phủ mong muốn ngành GTVT và các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đoàn kết, nỗ lực, chủ động vượt khó vươn lên hoàn thành thắng lợi các mục tiêu đề ra. Tăng cường triển khai các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông, kiểm soát tải trọng phương tiện; thực hiện các phương án phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân trong dịp lễ, Tết Nguyên đán Quý Mão và mùa lễ hội xuân 2023 an toàn.

CÔNG TÚ