Gỡ khó đầu tư cho doanh nghiệp
UBND tỉnh đã ra Quyết định số 3369 (ngày 9/12/2022) thay thế Quyết định số 2132 (ngày 30/7/2021) về hướng dẫn trình tự, thủ tục lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án đầu tư, nhằm hướng đến hoàn thiện môi trường đầu tư phù hợp giữa các quy định pháp luật và nhu cầu thực tiễn địa phương
Vẫn còn điểm nghẽn
Quyết định hướng dẫn về trình tự, thủ tục, lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án đầu tư công bố hồi tháng 7/2021 (Quyết định số 2132) được đánh giá sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí thời gian, tránh tình trạng dự án đầu tư nhiều năm không thể triển khai trên thực tế... Tuy nhiên, sự vận hành sáng kiến của một trong những địa phương hiếm hoi đưa ra vẫn bộc lộ không ít khuyết điểm cần được điều chỉnh, bổ sung hoặc thay đổi.
Theo khảo sát của Sở KH&ĐT, một số địa phương vẫn thu hút các dự án chưa có trong định hướng bố trí ngành nghề của các cụm công nghiệp (CCN). Không ít CCN chưa lập, phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng nhưng vẫn thu hút đầu tư dẫn đến thiếu cơ sở để xác định sự phù hợp của dự án với quy hoạch xây dựng.
Số đông CCN thiếu hệ thống xử lý nước thải tập trung. Một số CCN vẫn còn quy hoạch đất rừng sản xuất, hiện trạng là rừng trồng nên phải thực hiện thủ tục quyết định chủ trương đầu tư, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác đối với diện tích đất có ảnh hưởng đến tài nguyên rừng trước khi chấp thuận chủ trương đầu tư.
Khá nhiều địa phương chưa thẩm định sơ bộ năng lực tài chính của nhà đầu tư khi xem xét, thỏa thuận nguyên tắc địa điểm đầu tư. Thiếu sự chủ động của các địa phương trong việc xây dựng phương án khả thi trong giải phóng mặt bằng hoặc xác định hiện trạng sử dụng đất của nhà đầu tư chưa sát thực tế.
Có địa phương đề xuất dự án nhưng chưa có trong kế hoạch sử dụng đất. Sự thiếu đồng bộ, chồng chéo, mâu thuẫn giữa các quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch nông thôn mới và các quy hoạch chuyên ngành... dẫn đến khó khăn trong đánh giá sự phù hợp của dự án với quy hoạch.
Việc giải quyết các thủ tục liên quan đến dự án còn khá nhiều hạn chế. Một số cơ quan chậm tham gia ý kiến thẩm định hoặc tham gia không đầy đủ nội dung được gửi xin ý kiến làm kéo dài thời gian, giải quyết thủ tục...
Ông Nguyễn Tấn Văn - Phó Giám đốc Sở KH&ĐT cho hay, tất cả hạn chế trên dẫn đến khó khăn cho các cơ quan quản lý tham mưu UBND tỉnh ra quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc làm chậm tiến độ thực hiện dự án và chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư.
Sở KH&ĐT đã kiến nghị đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư hoặc lựa chọn nhà đầu tư theo tiêu chí để đảm bảo công khai, minh bạch, tìm những nhà đầu tư có năng lực (tài chính, kỹ thuật, kinh nghiệm); xây dựng cơ chế tạo quỹ đất sạch, đấu giá quyền sử dụng đất; tăng cường vai trò của địa phương trong đề xuất dự án đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư theo địa bàn để kịp thời đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền giải quyết khó khăn, vướng mắc liên quan đến dự án hoặc kiến nghị xử lý dự án vi phạm tiến độ, vi phạm quy định pháp luật... Hạn chế thấp nhất việc giải tỏa trắng để giảm thiểu khối lượng giải phóng mặt bằng...
“Xương sống” thu hút đầu tư
Chính quyền Quảng Nam hướng đến xây dựng môi trường đầu tư rõ ràng, minh bạch, linh hoạt, hài hòa giữa các quy định pháp luật và thực tiễn địa phương. Danh mục dự án kêu gọi đầu tư theo thứ tự ưu tiên lần lượt được công bố, tìm kiếm các nhà đầu tư tham gia thực hiện vì tiến trình phát triển của địa phương. Các điểm nghẽn từ cơ chế, chính sách đã ban hành, thực tế từ việc kêu gọi, thu hút đầu tư đã được nhìn thấy.
Ngày 9/12/2022, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành Quyết định số 3369 thay thế các quyết định trước đó trong việc hướng dẫn trình tự, thủ tục lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án đầu tư tại địa phương. Sự thay đổi, điều chỉnh hay bổ sung của quyết định này không ngoài tiết giảm chi phí thời gian cho doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh của địa phương trong thu hút nhiều nguồn lực đầu tư, tái thiết, phát triển kinh tế địa phương.
Các nhà đầu tư dễ dàng tìm thấy quyết định này trên hệ thống văn bản, trên các trang thông tin của chính quyền địa phương, các sở, ban, ngành liên quan. Sẽ có thể nắm rõ các tiêu chí tiên quyết hay thang điểm trong việc thực hiện các loại dự án (dự án nhà nước thu hồi đất, dự án theo luật chuyên ngành, pháp luật về xã hội hóa và các dự án lựa chọn nhà đầu tư theo tiêu chí), thẩm quyền phê duyệt hay ủy quyền của Chủ tịch UBND tỉnh trong lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án đầu tư.
Các quy định đưa ra rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện, từ danh mục dự án, hình thức lựa chọn nhà đầu tư, điều kiện xác định dự án, lập phê duyệt dự án, các trình tự, kế hoạch lựa chọn nhà thầu, thủ tục đấu thầu hoặc các dự án chỉ định nhà đầu tư và bộ tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư...
Các nhà đầu tư có thể biết ngay dự án đầu tư Quảng Nam đang cần có phù hợp với ý định và năng lực đầu tư của mình hay không, thông qua “một cú nhấp chuột” vào bản đồ số hóa thu hút đầu tư của địa phương.
Ông Trần Quốc Bảo - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Quảng Nam nói, quyết định này tạo công bằng, cơ hội cho tất cả nhà đầu tư. Sẽ lựa chọn được những nhà đầu tư đủ năng lực để thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Đây là thành công của cải thiện môi trường đầu tư.
Sức hấp dẫn của cơ chế, chính sách thay đổi này là các dự án đầu tư sẽ phải đáp ứng những điều kiện đưa ra từ phía địa phương. Nhà đầu tư được đánh giá đạt được các tiêu chí (sẽ có bộ tiêu chí cụ thể cho từng dự án, công bằng, minh bạch, không hạn chế nhà đầu tư đăng ký tham gia thực hiện dự án...), thang điểm, thông qua đánh giá của một hội đồng. Nhà đầu tư nào đủ năng lực sẽ được tiếp cận và thực hiện dự án...
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho hay, quy định (đơn giản, dễ hiểu, cụ thể hóa trên từng địa bàn, loại hình dự án) như là một cơ chế đo lường trách nhiệm của cơ quan công quyền và đội ngũ thực thi. Cơ chế này như “xương sống” cho việc thu hút đầu tư, rút ngắn thời gian, tạo điều kiện cho các dự án đầu tư triển khai, quyết định cho sự phát triển của địa phương, không trông chờ vào nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước.
Các danh mục dự án kêu gọi đầu tư sẽ được rà soát, đánh giá phù hợp quy hoạch. Các cơ quan quản lý, địa phương sẽ theo dõi, giám sát quá trình thực hiện dự án, từ hồ sơ, thủ tục, hoạt động và cả vòng đời của một dự án. Sẽ không còn đầu tư theo cảm tính, sẽ đánh giá được năng lực, sàng lọc nhà đầu tư ngay từ ban đầu để hạn chế thấp nhất việc hoãn, giãn, điều chỉnh kéo dài dự án. Không để tình trạng dự án vòng vo, chuyển qua, chuyển lại nhiều lần khiến doanh nghiệp phàn nàn, làm mất hiệu lực của công cuộc cải thiện môi trường đầu tư.