Triển khai dự án giảm ngập đô thị Tam Kỳ
Không lâu sau khi phối hợp với Trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng tổ chức tọa đàm đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp chống ngập úng khu vực nội thị, TP.Tam Kỳ đã quyết định bổ sung hai dự án thoát nước đô thị vào kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025. Đây được xem là bước đi đầu tiên trong hành trình thực hiện đồng loạt các giải pháp chống ngập lụt nội đô Tam Kỳ.
Nâng cấp hệ thống thoát nước
HĐND TP.Tam Kỳ cuối tháng 11 vừa qua đã tổ chức kỳ họp đột xuất thông qua chủ trương đầu tư, bổ sung danh mục dự án, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 - 2025.
Thành phố quyết định bổ sung hai danh mục dự án giảm ngập, thoát nước đô thị với tổng vốn đầu tư dự kiến là 370 tỷ đồng, bao gồm tuyến cống ngầm đường Trưng Nữ Vương 250 tỷ đồng và tuyến kênh cắt lũ ngoại lai phía tây đường Nguyễn Hoàng qua cống ông Dung 120 tỷ đồng (bên cạnh chủ trương đầu tư 4 dự án nhóm C về hạ tầng giao thông khởi công từ năm 2023 với tổng vốn đầu tư 157 tỷ đồng).
Theo ông Bùi Ngọc Ảnh - Chủ tịch UBND thành phố, việc bổ sung hai dự án thoát nước đô thị nhằm kịp thời triển khai các giải pháp thoát nước, giảm ngập lụt khu vực nội thị.
Đây cũng là một trong những giải pháp sẽ thực hiện đồng loạt trong thời gian tới nhằm giảm ngập theo khuyến nghị của đề tài nghiên cứu tổng thể về nguyên nhân, đề xuất các giải pháp kỹ thuật khả thi nhằm hạn chế tác động của lũ lụt do thành phố phối hợp với Trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng thực hiện trong hơn 1 năm qua.
PGS-TS.Nguyễn Chí Công - Trưởng khoa Xây dựng công trình thủy Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng (Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu tổng thể về nguyên nhân, đề xuất các giải pháp kỹ thuật khả thi nhằm hạn chế tác động của lũ lụt) nhận định, qua hai trận lũ lụt lớn trong hai năm 2021 và 2022 tại Tam Kỳ có hai nguyên nhân chính: do nước ngoại lai đổ về nhiều, sông Tam Kỳ và Bàn Thạch dâng cao khiến nước nội đô không thoát ra sông được, thậm chí có hiện tượng chảy ngược vào nội đô (trận lũ lụt tháng 10/2021); thứ hai là do hệ thống thoát nước hiện tại không đáp ứng làm nước nội đô không thoát ra sông Bàn Thạch và Tam Kỳ kịp thời (trận lũ lụt tháng 10/2022).
Từ các nguyên nhân này, để nâng cao năng lực thoát lũ nội đô, các nhà khoa học đề nghị Tam Kỳ cần cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước cho nội thị, hạ thấp mực nước sông Bàn Thạch, Tam Kỳ để nước nội đô tiêu thoát nhanh; đồng thời chia bớt lượng nước ngoại lai phía tây đường Nguyễn Hoàng qua cống ông Dung ra sông Tam Kỳ và tuyến cống ngầm đường Trưng Nữ Vương ra sông Bàn Thạch.
Tập trung nguồn lực
Theo Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.Tam Kỳ - ông Trần Nam Hưng, thành phố ưu tiên các dự án tạo nguồn lực mới, tiếp đến là phục vụ dân sinh. Trong đó, giảm ngập lụt khu vực nội thị đang là yêu cầu hết sức bức thiết cần tập trung nguồn lực để sớm khắc phục nhằm hạn chế tác động của lũ lụt, giúp ổn định đời sống của người dân, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Vì vậy, trong khi chờ các giải pháp tổng thể của tỉnh đối với các vùng phụ cận Thăng Bình, Núi Thành, Tam Kỳ, phải chủ động thực hiện để sớm giải quyết bài toán ngập lụt trong khu vực nội đô.
“Hai dự án trên sẽ góp phần giải quyết việc thoát nước nội đô. Tuy nhiên, nguồn lực của thành phố hạn chế nên mỗi năm chọn một dự án tập trung thực hiện. Trong đó, tuyến cống ngầm đường Trưng Nữ Vương phải tính toán thật kỹ để góp phần thoát nước cả lưu vực rộng lớn hơn” - ông Hưng nhấn mạnh.
Theo UBND TP.Tam Kỳ, vốn cho hai dự án thoát nước từ nguồn ngân sách thành phố dự kiến bố trí trong giai đoạn 2021 - 2025, bao gồm tăng nguồn thu sử dụng đất và nguồn tỉnh hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách tỉnh.
Trước mắt, bổ sung kế hoạch vốn trung hạn 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 để thực hiện là 50 tỷ đồng từ nguồn vốn tăng thu sử dụng đất, trong đó 40 tỷ đồng cho dự án tuyến cống ngầm đường Trưng Nữ Vương và 10 tỷ đồng cho dự án tuyến kênh cắt lũ ngoại lai phía tây đường Nguyễn Hoàng qua cống ông Dung.
Cho rằng hai dự án thoát nước đô thị này là rất cần thiết và cấp bách để góp phần chống ngập đô thị khi mùa mưa lũ đến, ông Nguyễn Duy Ân - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Tam Kỳ đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu kỹ trên cơ sở khoa học để đầu tư hợp lý, phát huy hiệu quả dự án. Đối với nguồn vốn cũng cần xác định rõ, nguồn tỉnh hỗ trợ cụ thể bao nhiêu, giai đoạn nào để có cơ sở tính toán đầu tư.