Đô thị vùng đông Điện Bàn: Từng bước gỡ vướng

QUỐC TUẤN 24/11/2022 06:05

Đô thị hóa dở dang khiến đời sống bộ phận cư dân vùng Đông Điện Bàn rơi vào tình cảnh chật vật. Đó là trăn trở của cử tri địa phương trong buổi tiếp xúc với đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh mới đây.

Nhiều dự án đô thị ở phường Điện Ngọc rơi vào tình trạng vắng bóng cư dân, hạ tầng dang dở. Ảnh: Q.T
Nhiều dự án đô thị ở phường Điện Ngọc rơi vào tình trạng vắng bóng cư dân, hạ tầng dang dở. Ảnh: Q.T

Những hệ lụy

Ngoài 190ha thuộc dự án Làng Đại học Đà Nẵng bị treo đã 25 năm, trên địa bàn phường Điện Ngọc còn hàng chục dự án phát triển đô thị triển khai cầm chừng, ì ạch khiến đời sống người dân gặp nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Minh Hội - Trưởng khối phố Ngọc Vinh (phường Điện Ngọc) chia sẻ, do nằm trong khu vực quy hoạch dự án đô thị nhưng hạ tầng dang dở nên có nơi người dân phải tự vận động nhau đốn tre kéo điện về sinh hoạt. Có trường hợp đến nơi tái định cư sau khi nhường chỗ cho dự án thì điều kiện còn không bằng nơi ở cũ vì cái gì cũng thiếu trước hụt sau.

Còn cử tri Nguyễn Cư (phường Điện Ngọc) nêu thực trạng, có dự án đô thị kéo dài cả chục năm vẫn không bàn giao. Người dân nằm trong khu vực hứng chịu ô nhiễm từ rác thải, tệ nạn xã hội rình rập.

“Cơ quan chức năng cần nghiêm túc trong đánh giá năng lực nhà đầu tư. Thực sự năng lực của nhiều chủ đầu tư rất có vấn đề, chủ yếu vào với mục đích phân lô bán nền” - ông Cư nói.

Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp xúc cử tri vùng Đông Điện Bàn vào sáng 21/11. Ảnh: Q.T
Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp xúc cử tri vùng Đông Điện Bàn vào sáng 21/11. Ảnh: Q.T

Đại diện cử tri khối phố 2A (phường Điện Nam Bắc) kiến nghị, nhiều hộ dân trên địa bàn đang thấp thỏm với tình trạng úng thủy từ lúc nâng cấp tuyến ĐT607 và mở rộng Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc.

Có thời điểm chỉ cần mưa to 2 - 3 tiếng đồng hồ là ngập, nước tràn vào nhà do mương, cống thoát nước bị thu hẹp; nguồn nước do hoạt động sản xuất không đảm bảo từ một số nhà máy tại Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc.

Tình trạng ngập cục bộ hiện nay còn xảy ra ở nhiều khu vực khác ở vùng Đông Điện Bàn như Điện Dương, Điện Nam Đông… mà trước kia rất hiếm khi hứng chịu.

Kiên trì tháo gỡ

Theo ông Nguyễn Xuân Hà - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn, những năm trước đây, trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư đã làm mất cân đối một số quỹ đất công cộng, kết nối hạ tầng khung gặp nhiều vướng mắc khi vượt khỏi quy hoạch được duyệt.

Do đó thị xã đã đề xuất tạm dừng tất cả dự án tại Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc để rà soát, tiến hành điều chỉnh quy hoạch 3 phân khu. Quá trình này mất đến vài năm để hoàn tất việc điều chỉnh các quy hoạch 1/2.000 rồi 1/500 của các dự án.

“Thời gian qua, chính quyền thị xã đã chỉ đạo các nhà đầu tư phối hợp với các phường xây dựng phương án chống ngập úng tại khu dân cư. Tuy nhiên có một số thời điểm mưa quá cực đoan nên tình trạng ngập úng là khó tránh khỏi.

Điện Bàn cũng đã xây dựng dự án đầu tư hệ thống nhà máy xử lý nước thải vùng Đông với kinh phí 450 tỷ đồng. Tuy nhiên do vướng quy định mới về tiêu chuẩn, yêu cầu phải có bể chứa nên cơ quan chức năng đang điều chỉnh” - ông Hà cho biết.

Ông Nguyễn Phú - Giám đốc Sở Xây dựng cho rằng, sắp tới khi 5 đồ án quy hoạch liên quan trên địa bàn tích hợp thành một đồ án quy hoạch chung thị xã Điện Bàn thì việc quản lý đô thị sẽ bài bản hơn. Điện Bàn cũng cần ưu tiên đề xuất các dự án đầu tư công, các dự án hạ tầng khung chính trong Đô thị mới Điện Ngọc và các hệ thống thoát nước mưa, nước thải tại khu vực này.

Theo ông Phan Thái Bình - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, thời gian qua lãnh đạo tỉnh đã dành rất nhiều sự quan tâm để gỡ vướng công tác phát triển đô thị tại Điện Bàn.

Tinh thần chung của tỉnh là kiên quyết thu hồi các dự án của nhà đầu tư có năng lực yếu, các doanh nghiệp sản xuất gây ô nhiễm môi trường nên đề nghị cơ quan chức năng địa phương và cử tri tăng cường giám sát phản ánh, xử lý để đảm bảo cuộc sống ổn định cho người dân.

QUỐC TUẤN