Mở rộng không gian đô thị tỉnh lỵ Tam Kỳ: Sẽ có lộ trình chặt chẽ

N.ĐOAN - T.CÔNG 19/10/2022 07:03

Tại hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 9 (khóa XXII), Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã thống nhất chủ trương xây dựng đề án xây dựng đô thị Tam Kỳ đạt tiêu chuẩn loại I thuộc tỉnh theo hướng sáp nhập ba địa phương Tam Kỳ, Phú Ninh và Núi Thành. Các ý kiến thảo luận đã gợi mở nhiều vấn đề cần quan tâm khi xây dựng đề án, với tinh thần hết sức cẩn trọng trong đánh giá tác động, xây dựng lộ trình chặt chẽ, đảm bảo cơ sở pháp lý và tính khả thi.

Mở rộng đô thị Tam Kỳ được đánh giá là phù hợp với yếu tố lịch sử và nhu cầu phát triển hiện tại. Ảnh: T.C
Mở rộng đô thị Tam Kỳ được đánh giá là phù hợp với yếu tố lịch sử và nhu cầu phát triển hiện tại. Ảnh: T.C

Đánh giá kỹ lưỡng những tác động

Thảo luận về tờ trình xin chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, ông Nguyễn Tri Ấn - Bí thư Huyện ủy Núi Thành nói, không gian đô thị Tam Kỳ được mở rộng theo hướng sáp nhập Núi Thành, Phú Ninh là sát đúng với thực tiễn từ lịch sử đến nhu cầu phát triển hiện tại và tầm nhìn tương lai.

“Tuy nhiên, với một địa bàn rộng lớn sau khi sáp nhập, bên cạnh quản trị kinh tế - xã hội - an ninh quốc phòng, khả năng phục vụ nhân dân sẽ như thế nào, trong bối cảnh cải cách hành chính, giải quyết thủ tục trực tuyến vẫn còn một số hạn chế. Nhiều ngành như tòa án, viện kiểm sát nhân dân, công an sẽ được tổ chức ra sao, việc quản trị về quy hoạch, tài nguyên, dự án đều phải tính toán.

Chỉ tính riêng các trường học từ cấp mẫu giáo đến THCS, sau sáp nhập sẽ có hơn 100 trường, với số lượng lớn như vậy, khả năng quản trị của một phòng GD-ĐT liệu có đáp ứng tốt không? Tôi nghĩ, tất cả phương án khi nghiên cứu cần có sự cẩn trọng, lấy ý kiến các ngành, chuyên gia và nhân dân. Lộ trình đề án phải có tính khoa học, cẩn trọng và phải đúng thời điểm” - ông Ấn nói.

Đề cập đến tình hình triển khai và kết quả thực hiện Nghị quyết 08, ông Nguyễn Hồng Quang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh nói, vẫn còn nhiều tồn tại, khó khăn phát sinh. Công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt và chỉ đạo thực hiện nghị quyết tại một số đơn vị, địa phương thiếu tính chủ động, hạn chế trong tham gia, hiến kế của các tầng lớp trí thức và nhân dân. Một số yếu tố pháp lý chưa hoàn toàn đảm bảo trong bối cảnh hệ thống pháp luật về quy hoạch đang trong quá trình thay đổi, chỉnh sửa bổ sung. Ngoài ra, một số tồn tại về giải quyết hành chính, xã hội cũng được đề cập.

“Nhân dân thông, cái gì cũng có thể làm được” - đó là ý kiến đáng chú ý của Bí thư Thành ủy Tam Kỳ Trần Nam Hưng.

Ông Hưng nói, Nghị quyết 08 ngày 4/5/2021 của Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển đô thị loại I trực thuộc tỉnh đã được cụ thể hóa hơn nhiều, xây dựng mục tiêu lớn hơn, hình thành một đô thị động lực cho tỉnh và cho cả kinh tế vùng.

“Phát triển trong bối cảnh quy mô liên kết lớn hơn, đặt trong quy hoạch chuỗi đô thị quốc gia thì một vài tiêu chí sẽ giảm, nhưng sẽ cần có lộ trình, có cơ chế đặc thù. Trong đó, có cơ chế hành chính, cơ chế đầu tư và cơ chế tổ chức bộ máy đặc thù.

Đây là điều tất yếu, bởi nếu không có cơ chế đặc thù, sẽ không có gì khác biệt so với chưa sáp nhập. Bên cạnh việc lấy ý kiến rộng rãi cử tri, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, tôi cho rằng phải chú trọng tuyên truyền về mục tiêu, lợi ích, kể cả những khó khăn để bà con hiểu, tạo sự đồng thuận. Chúng ta phải tính toán từ đầu, có cơ chế chủ động để không lúng túng trong xử lý” - ông Hưng nhấn mạnh.

Chuẩn bị cho tương lai

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói, không gian hành chính mới bao gồm Tam Kỳ, Phú Ninh và Núi Thành sẽ đáp ứng tiêu chí đô thị loại 3, là tiêu chí tối thiểu xem xét cấp hành chính tương ứng là đô thị trực thuộc tỉnh.

Việc “nâng cấp” các tiêu chí đòi hỏi quyết tâm chính trị, tầm nhìn, khát vọng lớn, không phải chỉ vì Quảng Nam, mà còn vì chiến lược phát triển đô thị quốc gia, phát triển Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

“Nếu làm vội vàng, không chặt chẽ sẽ vô cùng lúng túng, lãng phí nguồn lực, con người. Chúng ta phải làm thận trọng, đảm bảo cơ sở khoa học, xây dựng các tiêu chí trên tinh thần tiết kiệm nhân lực, tài lực. Phát triển đô thị, tính lan tỏa sẽ tốt hơn.

Chúng ta có những công trình như sân bay Chu Lai, cảng biển quốc tế, có đường cao tốc, cận kề Khu kinh tế Dung Quất… Nhiều điều kiện rất ưu thế, nhưng bên cạnh đó vẫn đang còn không ít những yếu kém hạ tầng, nên rất cần tính toán chặt chẽ, cẩn trọng” - ông Thanh nhận định.

Tiếp thu các ý kiến thảo luận về chủ trương sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện được trình tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường giao Ban cán sự Đảng UBND tỉnh, các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng đề án sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định, đảm bảo các quy định của pháp luật.

“Sẽ cần một quyết tâm chính trị cao cho công cuộc phát triển xây dựng đô thị Tam Kỳ. HĐND tỉnh sẽ tính toán, có cơ chế hỗ trợ cho người dân đối với việc thay đổi một số loại giấy tờ sau khi sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện. Chúng ta sẽ giải quyết từng bước, và tin tưởng sẽ có một đội ngũ cán bộ đô thị tỉnh lỵ chất lượng hơn. Tỉnh cũng sẽ tổ chức hội thảo, mời các chuyên gia, nhà quản lý có kinh nghiệm tư vấn, giúp cho tỉnh trong việc xây dựng đề án” - ông Cường nói.

N.ĐOAN - T.CÔNG