Giải phóng mặt bằng ở Tam Kỳ: Tăng cường kiểm tra, đối thoại
Được xác định là nhiệm vụ đột phá, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư được TP.Tam Kỳ đặc biệt quan tâm nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các dự án trên địa bàn.
Sâu sát cơ sở
Để kịp thời tháo gỡ những điểm nghẽn trong giải phóng mặt bằng (GPMB) nhằm thúc đẩy quá trình phát triển, thời gian qua lãnh đạo TP.Tam Kỳ đã có nhiều cuộc làm việc với các địa phương, đơn vị, chủ đầu tư các dự án và đối thoại với người dân. Chỉ tính riêng trong tháng 8, lãnh đạo thành phố liên tục có các chuyến khảo sát, tìm hiểu, kiểm tra và xử lý các dự án còn vướng GPMB trên địa bàn.
Có thể kể đến như, ngày 1.8 Bí thư Thành ủy - Chủ tịch HĐND thành phố Trần Nam Hưng và Chủ tịch UBND thành phố Bùi Ngọc Ảnh kiểm tra tiến độ GPMB các dự án tại phường Tân Thạnh, An Mỹ. Đến ngày 18.8, ông Trần Nam Hưng tiếp tục đi kiểm tra tại Tân Thạnh, An Mỹ, Phước Hòa, An Xuân.
Cùng với đó, ngày 23.8, ông Trần Nam Hưng chủ trì phiên giải trình về công tác giải quyết những tồn tại, vướng mắc trong thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân tại khu tập thể Xí nghiệp Lâm nghiệp Quảng Nam (phường Hòa Hương) và khu tập thể đường sắt thuộc khối phố 4 (phường An Xuân) và công tác bồi thường khu tập thể 32 căn để xây dựng nhà văn hóa, khu thể thao khối phố Mỹ Hòa (phường An Mỹ).
Chỉ 3 ngày sau, ông Trần Nam Hưng cùng Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Minh Nam chủ trì hội nghị do Thành ủy tổ chức đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền thành phố với nhân dân về công tác quy hoạch, bồi thường, GPMB trên địa bàn thành phố với sự tham gia của hơn 150 hộ dân. Có thể nói, những cuộc làm việc này đã giúp ích rất nhiều cho lãnh đạo thành phố trong việc kịp thời nắm rõ những vướng mắc để có giải pháp tháo gỡ.
Trước đó, ông Bùi Ngọc Ảnh cùng chính quyền xã Tam Thăng và chủ đầu tư có buổi đối thoại với các hộ dân xã Tam Thăng bị ảnh hưởng bởi dự án đầu tư xây dựng, kinh doanh kết cầu hạ tầng Khu công nghiệp Tam Thăng nhằm tìm giải pháp tháo gỡ.
Theo ông Ảnh, pháp luật về đất đai, chính sách bồi thường còn bất cập, thiếu nhất quán, chẳng hạn chính sách bồi thường cho người sau thấp hơn người trước, dẫn đến việc người dân không đồng tình, khiếu nại.
Do đó, việc lãnh đạo thành phố tăng cường tiếp xúc, đối thoại với người dân trong công tác bồi thường, GPMB không chỉ tại các buổi tiếp công dân mà xuống trực tiếp tại địa phương để lắng nghe người dân đã trở thành công việc thường xuyên và mang lại hiệu quả khá tốt, kịp thời giải tỏa những “điểm nóng”.
Quyết liệt để đột phá
Tam Kỳ là một trong những địa phương triển khai thực hiện GPMB nhiều nhất tỉnh vì trên địa bàn đang triển khai nhiều dự án phát triển kinh tế xã hội, hạ tầng đô thị. Vì vậy, dễ hiểu khi địa phương rất quan tâm đến công tác này bởi thực hiện đạt kết quả trong GPMB mới tạo điều kiện thuận lợi cho môi trường đầu tư và thúc đẩy thành phố phát triển.
Đảng bộ TP.Tam Kỳ nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định, công tác bồi thường, GPMB, tái định cư là một trong những giải pháp đột phá, tạo động lực để thành phố phát triển nhanh, bền vững. Thành ủy Tam Kỳ cũng ban hành Nghị quyết 04 (15.4.2021) về nâng cao hiệu quả công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021 - 2025.
Theo Bí thư Thành ủy Trần Nam Hưng, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận và đoàn thể từ thành phố đến cơ sở xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, đột phá, là động lực đặc biệt quan trọng để phát triển thành phố, phấn đấu hoàn thành mục tiêu cơ bản đạt các tiêu chí đô thị loại I vào năm 2025.
Công tác bồi thường, GPMB luôn “nóng” và là điểm nghẽn rất lớn hiện nay tại nhiều địa phương và Tam Kỳ cũng không ngoại lệ khi trên địa bàn vẫn còn một số dự án kéo dài, chậm tiến độ. Song thời gian qua, thành phố đã có sự tập trung chỉ đạo quyết liệt, tạo ra nhiều chuyển biến tích cực.
Từ đầu năm đến nay, nhờ tháo gỡ vướng mắc, tồn tại trong công tác GPMB đã giúp đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình, nhất là các công trình, dự án trọng điểm như đường bao Nguyễn Hoàng, đường N10 và khu dân cư 2 bên đường, đường Bạch Đằng. Đồng thời, phê duyệt 46 phương án bồi thường, tái định cư với kinh phí 107 tỷ đồng.
Trước đó, giai đoạn 2016 - 2021 địa phương đã triển khai thực hiện 367 phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư với diện tích đất thu hồi 846ha, tổng kinh phí bồi thường 1.255 tỷ đồng. Có tổng cộng gần 5.000 hộ dân chịu ảnh hưởng, trong đó 686 hộ bị giải tỏa trắng, bố trí hơn 1.100 lô đất tái định cư để tạo điều kiện cho người dân ổn định cuộc sống.