Thi công cầu Hà Tân: Nỗ lực vượt tiến độ
Hạ quyết tâm rút ngắn tiến độ về đích vào giữa năm 2023, liên danh nhà thầu công trình cầu Hà Tân, thuộc tuyến ĐT609, qua xã Đại Lãnh (Đại Lộc) đang thúc đẩy thi công, phấn đấu hoàn thành phần hạ bộ trước mùa mưa năm nay.
Mở “nút thắt cổ chai”
Như Báo Quảng Nam từng thông tin, ngày 22.10.2009, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3566 phê duyệt dự án nâng cấp, mở rộng tuyến ĐT609 (Điện Bàn - Đại Lộc) với tổng mức đầu tư 997,956 tỷ đồng.
Thời điểm đó, tuyến đường dài 46,25km, có điểm đầu thuộc Vĩnh Điện (Điện Bàn) và điểm cuối tại Đại Hưng (Đại Lộc). Ngoài phần đường, trục ngang này có 9 cây cầu, trong đó phần lớn là “nút thắt cổ chai” mất an toàn giao thông, ảnh hưởng đến tốc độ lưu thông của phương tiện.
Từ khi dự án được phê duyệt và giao cho Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng tỉnh làm chủ đầu tư, đến cuối năm 2020, phần đường đã thi công mở rộng, hoặc nâng cấp khẩn cấp xong 42,46/46,25km. Cùng với đó, 4 cây cầu cũng triển khai xây dựng hoàn thành gồm Bình Long, Phương Huệ, Ái Nghĩa, Quan Âm.
Ngày 5.4.2021, UBND tỉnh ban hành quyết định chuyển tuyến ĐH11.ĐG, huyện Đông Giang thành tỉnh lộ và bổ sung vào tuyến ĐT609 theo quy hoạch. Như vậy, ĐT609 sau khi được bổ sung có tổng chiều dài 74,013km với điểm cuối nối đường Hồ Chí Minh tại xã Mà Cooih (Đông Giang). Hiện nay, trừ cầu Hà Tân và cầu Phong Thử (đang chuẩn bị các thủ tục đầu tư xây dựng từ một dự án khác), trên tuyến ĐT609 còn các cây Lộc Mỹ, Ba Khe 1, Ba Khe 2, Ba Khe 3 và phần đường đoạn lý trình km20+960-km24+750 chưa được đầu tư. Trong đó, 3 cầu Ba Khe 1, Ba Khe 2 và Ba Khe 3 đang là “nút thắt cổ chai”, lại nằm vị trí thấp cho nên nước lũ lên báo động 2 đã tràn qua gây chia cắt giao thông. Sau khi HĐND tỉnh có ý kiến, chủ đầu tư và địa phương kiến nghị, UBND tỉnh vừa qua đã thống nhất chủ trương tiếp tục đầu tư, nâng cấp 3 cây cầu này.
Trong 5 cây cầu còn lại, không chỉ là “nút thắt cổ chai”, cầu Hà Tân còn nằm vị trí đường cong khiến người và phương tiện lưu thông không đảm bảo an toàn. Do mặt cắt nhỏ, ô tô, nhất là xe khách, xe tải lớn chỉ có thể chạy cùng một chiều.
Giao thông yếu kém khiến việc thúc đẩy phát triển kinh tế và đảm bảo các điều kiện thiết yếu khác chưa bao giờ dễ dàng đối với vùng đất giàu truyền thống cách mạng, nơi từng làm nên chiến thắng Thượng Đức lẫy lừng.
Chính vì vậy, Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng tỉnh - ông Huỳnh Xuân Sơn cho biết, ngày 22.4.2021, UBND tỉnh đã thống nhất đầu tư xây dựng cầu Hà Tân, tổng trị giá 54,268 tỷ đồng. Trong đó, khổ cầu rộng 11m với quy mô vĩnh cửu, nền đường dẫn hai đầu cầu rộng 7,5m.
Nỗ lực vượt tiến độ
Theo kỹ sư Nguyễn Bảo Trị - cán bộ Phòng Quản lý dự án 2, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh, gói thầu xây lắp cầu Hà Tân do liên danh Công ty TNHH Xây dựng công trình Minh Thành và Công ty TNHH Một thành viên Duy Dũng đảm nhận, triển khai thi công từ ngày 24.3.2022.
Đến gần cuối tháng 8 này, nhà thầu đã hoàn thành toàn bộ phần cọc khoan nhồi, làm xong các trụ T2, T3. Trụ cuối cùng T1 cũng sắp hoàn thiện. Đường dẫn hai đầu cầu triển khai cơ bản đâu vào đấy, chỉ cần chờ các mố M1, M2 khớp nối. Về đúc dầm, nhà thầu hiện đúc xong 8/20 phiến theo thiết kế.
Trên công trường, kỹ sư Phạm Tấn Trung - Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng công trình Minh Thành chia sẻ, ngày 5.9 tới đây, doanh nghiệp sẽ đúc xong thêm 2 phiến dầm.
“Như vậy, chúng tôi đúc trước được 10 phiến dầm, đảm bảo ngày 15.9 tiến hành lao 2 nhịp giữa của cây cầu. Phấn đấu trong tháng 9 sẽ thi công hoàn thành các mố M1, M2” - kỹ sư Phạm Tấn Trung nói.
Nếu đúng lộ trình vạch ra, toàn bộ phần hạ bộ của cây cầu Hà Tân sẽ về đích trước mùa mưa bão năm nay, tránh thiệt hại do lũ lụt gây ra. Đại diện liên danh nhà thầu cho biết thêm, theo hợp đồng, ngày 15.9.2023 phải hoàn thành toàn bộ công trình (540 ngày), song đơn vị thi công phấn đấu sẽ đưa vào sử dụng trong tháng 6.2023, vượt tiến độ trước 3 tháng.
Đến lúc ấy, một “nút thắt cổ chai” thuộc trục ngang ĐT609 tiếp tục được mở ra, kết nối liên vùng đồng bằng - miền núi, đảm bảo an toàn giao thông, phục vụ cứu hộ, cứu nạn. Cầu Hà Tân mới còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo thuận lợi khai thác tiềm năng du lịch vùng tây Quảng Nam, mà điểm nhấn là Khu du lịch sinh thái Cổng trời Đông Giang.