Thăng Bình kiên cố hóa đường huyện
Gần 10 năm huy động các nguồn lực đầu tư, Thăng Bình đã kiên cố hàng trăm ki lô mét đường huyện, khơi thông “điểm nghẽn” trong hệ thống giao thông. Tuy vậy, chiều dài đường huyện chưa được đầu tư vẫn còn khá nhiều, cần thêm nguồn lực để kiên cố hóa.
Đột phá
Trưởng phòng Kinh tế & hạ tầng Thăng Bình - ông Phạm Phú Hòe nhớ lại, khoảng năm 2012 trở về trước, mỗi lần ông về công tác ở các xã Bình Quế, Bình Phú bao giờ cũng là chuyến đi nhọc nhằn.
Bởi lẽ, tuyến đường huyện ĐH4.TB kết nối từ quốc lộ 1, qua địa phận các xã Bình An, Bình Quế khi đó là đường đất, đầy rẫy “ổ voi”, sống trâu. Mùa nắng bụi bặm bay tứ tung, mùa mưa mặt đường bị băm nát, lầy lội, xe cộ rất khó lưu thông.
“Chúng tôi còn nhớ, gần tết rồi mà xe chở gạo cứu trợ không tài nào di chuyển được. Đến nỗi, một người dân địa phương bức xúc kêu lên chúng tôi cần đường, chứ không cần gạo!” - ông Hòe kể.
Ông Nguyễn Văn Ngữ - nguyên Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình chia sẻ, địa phương thấu hiểu nỗi khổ của nhân dân song “lực bất tòng tâm”, vì không có kinh phí đầu tư nâng cấp, làm mới.
Thời bấy giờ, huyện có 17 tuyến ĐH với tổng chiều dài 178,5km, nhưng chỉ 96km mặt đường được thâm nhập nhựa hoặc bê tông xi măng, còn 82,5km là cấp phối đá dăm hư hỏng, thậm chí là đất sình lầy.
Trước khó khăn của Thăng Bình, tháng 3.2012, UBND tỉnh thống nhất chủ trương cho huyện làm chủ đầu tư tuyến ĐH4.TB; khuyến khích làm theo quy mô tiêu chuẩn đường cấp V đồng bằng, mặt đường bê tông xi măng. Đồng thời, giao cho Thăng Bình bê tông hóa một số tuyến ĐH thật sự bức xúc với cơ chế tự xây dựng, ngân sách tỉnh hỗ trợ 50%, ngân sách huyện bố trí 50%.
Với cơ chế đặc biệt này, chỉ sau 3 năm (2012 - 2014), huyện đã bê tông hóa hơn 53km, kinh phí đầu tư gần 100 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ hơn 45,9 tỷ đồng, ngân sách huyện bố trí hơn 45,8 tỷ đồng, huy động xã và nhân dân đóng góp hơn 8,1 tỷ đồng.
Trên cơ sở hiện trạng, nhu cầu và kết quả thí điểm tại Thăng Bình, Sở GTVT lập đề án kiên cố hóa mặt đường các tuyến ĐH, tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh. Và ngày 11.12.2014, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 134 về kiên cố hóa mặt đường các tuyến ĐH trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015 - 2020 (Đề án 134), được xem là một cơ chế đột phá.
Cần thêm nguồn lực
Thực hiện Đề án 134, giai đoạn 2015 - 2020, UBND tỉnh phân bổ kinh phí cho Thăng Bình thực hiện kiên cố hóa hơn 57,6km bằng mặt đường bê tông xi măng với quy mô rộng 5,5m (51,15km) và rộng 3,5m (6,48km). Trong đó, tổng chiều dài nâng cấp, cải tạo chiếm hơn 37,3km và xây mới hơn 20,2km; tổng mức đầu tư 185,3 tỷ đồng.
Ông Phạm Phú Hòe cho biết, các công trình kiên cố hóa ĐH này được UBND huyện giao cho các xã có tuyến đường đi qua làm chủ đầu tư, Phòng Kinh tế & hạ tầng huyện hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ. UBND cấp xã đã thành lập tổ giám sát của chủ đầu tư, cử cán bộ có năng lực chuyên môn và kinh nghiệm tham gia để thực hiện giám sát khối lượng, chất lượng và tiến độ thi công công trình.
Cạnh đó, Mặt trận xã còn thành lập Tổ giám sát cộng đồng để phối hợp giám sát công trình. Do vậy, chất lượng kiên cố hóa ĐH giai đoạn này đảm bảo, nhân dân đi lại thuận lợi; lưu thông hàng hóa từ đường xã, ra ĐH, tỉnh lộ, quốc lộ và ngược lại dễ dàng, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Giai đoạn 2021 - 2025, Thăng Bình tiếp tục được hỗ trợ nguồn lực để thực hiện đề án kiên cố hóa ĐH, với nhiều hạng mục bổ sung, đáng chú ý là xây dựng mới cầu trên tuyến để mở “nút thắt cổ chai”.
Theo ông Trương Hồng Quang - Phó Trưởng phòng Kinh tế & hạ tầng Thăng Bình, năm 2021, UBND huyện phê duyệt 16 công trình và giao nhiệm vụ chủ đầu tư cho Ban Quản lý dự án - đô thị huyện (hạng mục cống hộp, sửa chữa, xây dựng cầu) và các xã Bình Định Bắc, Bình Phục, Bình Trị, Bình Định Nam, Bình Giang, Bình Triều, Bình Đào (các hạng mục còn lại).
Tổng kinh phí thực hiện hơn 38,9 tỷ đồng; trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ hơn 15,9 tỷ đồng. Riêng 6 tháng đầu năm 2022, UBND huyện tiếp tục phê duyệt chủ trương đầu tư 18 công trình kiên cố ĐH, tổng kinh phí 45 tỷ đồng (tỉnh hỗ trợ hơn 18,3 tỷ đồng).
Theo Phòng Kinh tế & hạ tầng Thăng Bình, tổng chiều dài ĐH trên địa bàn theo quy hoạch hơn 265km. Bằng nhiều nguồn lực khác nhau, địa phương đã huy động đầu tư cải tạo, kiên cố hóa khoảng 196km.
Như vậy, huyện còn gần 70km ĐH chưa kiên cố hóa. Chính vì thế, Thăng Bình rất mong tỉnh tiếp tục quan tâm hỗ trợ nguồn lực đầu tư, cấp thiết nhất là các tuyến ĐH1.TB, ĐH2.TB và ĐH24.TB. Trong đó, tuyến ĐH24.TB từ xã Bình Nguyên lên xã Bình Trị dài 15km bề mặt chật hẹp, là “điểm nghẽn” phát triển kinh tế - xã hội.
Chủ tịch UBND xã Bình Trị - ông Lê Viết Mãnh chia sẻ, tuyến ĐH24.TB qua địa bàn xã dài khoảng 5km, trong đó nhiều đoạn là đường đất “nắng bụi, mưa lầy”, bề mặt rộng chừng 3m.
Muốn phát triển vùng tây của huyện, tuyến đường được xem là vành đai này cần sớm đầu tư mở rộng nhằm khai phá tiềm năng công nghiệp, du lịch, thương mại dịch vụ, đảm bảo an toàn giao thông; là yếu tố cần thiết để xây dựng thành công “Xã nông thôn mới nâng cao”, đưa Thăng Bình đạt chuẩn “Huyện nông thôn mới” thời gian tới.