Thực hiện Quyết định số 42 về bồi thường, hỗ trợ tái định cư: Còn vướng mắc khi áp dụng thực tế
Ngày 21.12.2021 UBND tỉnh ban hành Quyết định số 42 về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh với nhiều chính sách được đánh giá có nhiều ưu điểm so với các tỉnh thành có điều kiện tương đồng trong khu vực duyên hải miền Trung. Tuy nhiên, qua triển khai trong thực tế đã bộc lộ nhiều vướng mắc cần có sự điều chỉnh phù hợp.
Nhiều ưu điểm
Nói về các chính sách tại Quyết định số 42, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân cho hay, qua nghiên cứu, so sánh với các địa phương có điều kiện tương đồng như Thừa Thiên Huế, Bình Định, Thanh Hóa,... chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (TĐC) của Quảng Nam có nhiều ưu điểm về mức bồi thường hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất.
Theo phân tích, đối với chính sách bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp, Quyết định số 42 quy định, ngoài bồi thường bằng tiền thì Nhà nước hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề với mức hỗ trợ bằng 3 - 4,5 lần giá đất nông nghiệp cùng loại trong bảng giá đất. Đây là mức hỗ trợ áp dụng cao gần bằng mức hỗ trợ tối đa theo quy định của Chính phủ tại Nghị định số 47/2014/NĐ-CP (mức tối đa là 5 lần).
Trong khi đó, các tỉnh như Thanh Hóa, Bình Định, Thừa Thiên Huế chỉ quy định mức hỗ trợ từ 1,5 - 3 lần, riêng hỗ trợ khi thu hồi đất lúa ở Thừa Thiên Huế là 5 lần. Chính sách hỗ trợ của tỉnh có sự thay đổi rất lớn, đã tạo sự đồng thuận và góp phần hỗ trợ người dân bị thu hồi đất có điều kiện chuyên đổi nghề, ổn định cuộc sống.
Quảng Nam cũng có nhiều chính sách vượt trội trong bố trí TĐC về số lô, diện tích, cũng như hỗ trợ 100% tiền chênh lệch tái định cư. Trong khi Bình Định, Thừa Thiên Huế khống chế không quá 3 lô đất, Thanh Hóa khống chế diện tích TĐC ở đô thị không quá 60m2, ở xã không quá 70m2, ở đồng bằng không quá 80m2, thì Quảng Nam áp dụng bố trí tối đa 4 lô với diện tích tối đa đô thị 200m2, nông thôn 300m2. Việc này vừa đảm bảo nguyên tắc đất đổi đất theo quy định của Luật Đất đai, vừa đảm bảo sự công bằng giữa những người thu hồi đất ở nhiều so với những người thu hồi ít.
“Chính sách TĐC có sự thu hẹp về đối tượng được hưởng, khắc phục tình trạng bất bình đẳng giữa hộ bị thu hồi đất diện tích lớn nhưng ít nhân khẩu, hộ khẩu (trước đây chỉ được bố trí 1 - 2 lô) với hộ chỉ thu hồi ít nhưng nhiều nhân khẩu (được bố trí 3, 4 lô TĐC). Đồng thời tránh được nguy cơ chạy hộ khẩu để hưởng lô TĐC.
Ngoài ra, chính sách hỗ trợ đất vườn ao của tỉnh theo Quyết định 42 là phù hợp và cao hơn so với trường hợp người dân đang sử dụng đất vườn ao khi chuyển mục đích sử dụng đất” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân nói.
Vẫn vướng khi triển khai
Tuy có nhiều chính sách thay đổi theo hướng tích cực so với trước đây, nhưng khi các địa phương áp dụng Quyết định số 42 triển khai vào thực tế lại nảy sinh vướng mắc.
Ông Nguyễn Minh Lý - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An cho biết, trực tiếp làm công tác bồi thường, thường xuyên gặp và đối thoại với dân, điều người dân đề cập nhiều nhất liên quan đến bồi thường, hỗ trợ, TĐC chỉ tóm gọn trong hai vấn đề: giá thấp, đất TĐC ít.
“Đơn thư liên quan bồi thường giải tỏa chiếm tỷ lệ lớn trong đơn thư công dân. Quá trình triển khai thực tiễn ở Hội An vướng mắc rất nhiều. Nếu phục vụ dự án công cộng, người dân không có ý kiến. Nhưng nếu phát triển đô thị, các dự án kinh tế, rất xót cho người dân, dân lo ngại sau này họ không được hưởng lợi. Nhiều nội dung hỗ trợ, nên tách ra thành chính sách xã hội hơn là chính sách bồi thường.
Nhiều trường hợp xuất hiện sự không công bằng, mâu thuẫn trong thực hiện chính sách, dù tỉnh đã từng bước khắc phục. Địa phương vẫn đang tập trung giải quyết, tháo gỡ, những gì có lợi cho dân vẫn ưu tiên, nhưng về lâu dài cũng cần có điều chỉnh kịp thời, thống nhất” - ông Lý chia sẻ.
Ông Nguyễn Minh Nam - Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ cho hay, các dự án đang triển khai công tác bồi thường trên địa bàn thành phố gần như đều có liên quan đất vườn, ao. Sự chênh lệch về đơn giá qua cách tính mới sẽ khó triển khai.
Ngoài ra, trên thực tế nhiều trường hợp có đất ở nhưng chưa xây dựng nhà ở trên đất do vướng quy hoạch dự án, nên chưa thể lập thủ tục nhập khẩu. Quy định của Luật Đất đai hiện hành không hạn chế số thửa đất mà người dân có quyền sử dụng.
Vì vậy, khi thực hiện theo quy định tại Quyết định số 42, những trường hợp này phải nộp 100% tiền sử dụng đất theo đơn giá tái định cư mà không được hưởng chính sách đất đổi đất là điều bất hợp lý.
Ông Nguyễn Trường Sơn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường cho biết, nhiều nội dung trong Quyết định 42 đang được sở lấy ý kiến từ các địa phương, xem xét đề xuất điều chỉnh mức hỗ trợ để hoàn thiện báo cáo, trước khi tham mưu UBND tỉnh sửa đổi chính sách, đảm bảo giải quyết vướng mắc. Tuy nhiên, phải đồng thời đảm bảo không trái, vượt quy định pháp luật đất đai hiện hành.
“Tỉnh rất chia sẻ với những vướng mắc, khó khăn của các địa phương trong công tác thực hiện chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Những vướng mắc nảy sinh, tỉnh sẽ nỗ lực tiếp thu, trên cơ sở lấy ý kiến của địa phương và các ngành chuyên môn, sẽ có những điều chỉnh, vận dụng phù hợp thực tiễn và đáp ứng yêu cầu của quy định về mặt pháp luật.
Đề nghị các địa phương khi triển khai tích cực nghiên cứu, thực hiện theo hướng đảm bảo quyền lợi hợp pháp, tốt nhất cho dân. Đối với các kiến nghị điều chỉnh về chính sách, luật, tỉnh sẽ tổng hợp để báo cáo tham mưu với các cơ quan Trung ương xem xét giải quyết” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân nói.