Chờ mạng lưới đô thị biển thực thụ
Thúc đẩy sự kết nối giữa kinh tế biển với chuỗi đô thị biển ở Quảng Nam nói riêng và cả nước nói chung chính là con đường để hình thành các cực kinh tế mũi nhọn có thể cạnh tranh trong xu thế tiến về phía biển hiện nay.
Ngày 3.8, tại TP.Hội An diễn ra hội thảo “Phát triển bền vững đô thị biển Việt Nam thời kỳ mới” do Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam phối hợp với Viện Nghiên cứu bất động sản Việt Nam tổ chức.
Hội thảo đã gợi mở, đóng góp nhiều ý kiến, giải pháp với mong muốn mạng lưới đô thị biển quốc gia phát triển bền vững và tương xứng với tiềm năng, lợi thế vốn có.
Dấu ấn chưa đậm nét
Với đặc thù có bề ngang dải đất hẹp, các đô thị ven biển miền Trung có sức tác động rất lớn đến việc phát triển của từng địa phương cũng như vùng. Các đô thị biển này cũng thường gần cảng, sân bay, khu nghỉ mát nên càng có nhiều lợi thế để phát triển tổng hợp gắn với kinh tế biển.
Ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh nói, biến các đô thị biển nói riêng và đô thị nói chung thành nơi đáng sống, tạo được nguồn thu lớn, khẳng định vai trò động lực phát triển kinh tế, hạt nhân thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động là những vấn đề cốt lõi, chiến lược trong thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh.
Quảng Nam hầu như chưa có đô thị biển thực thụ. Khu vực tập trung đậm nét hoạt động kinh tế của các đô thị trên địa tỉnh vẫn khá xa trong đất liền, nền kinh tế chưa gắn và chưa tận dụng được nhiều tài nguyên từ biển.
Ông Nguyễn Minh Lý - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An cho hay: “Tới đây, khi Hội An điều chỉnh quy hoạch chung của thành phố đến năm 2035, định hướng đến năm 2050 thì vẫn xem khu vực ven biển là động lực cho vấn đề phát triển. Thông qua động lực này dần kéo giãn không gian phát triển đô thị cổ Hội An ra vùng ven”.
Theo các chuyên gia, khu vực Nam Quảng Nam có thể hình thành một siêu đô thị ven biển, đô thị có thương hiệu quốc tế với động lực là sân bay Chu Lai. Sân bay Chu Lai trong tương lai không chỉ mang tính chất dân dụng mà còn được dự báo sẽ là sân bay hàng hóa lớn bậc nhất Đông Nam Á.
Tuy nhiên, theo KTS. Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, trước đây chúng ta làm quy hoạch thì biển chỉ là biển thôi chứ chưa nghĩ đến đô thị biển thì phải khai thác biển như thế nào.
Tầm nhìn và cách tiếp cận mới
Các chuyên gia đầu ngành về phát triển kinh tế, quy hoạch đô thị đều có chung nhận định việc quy hoạch, phát triển mạng lưới đô thị biển vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề. Trước hết là nằm ở quy hoạch chưa bài bản. Đất công cộng dành cho người dân rất quan trọng. Kiến trúc xây dựng, cấu trúc xây dựng ven biển cũng cần tuân thủ các quy định, quy luật để không phá vỡ không gian ven biển.
KTS. Trần Ngọc Chính cho rằng: “Các tiêu chuẩn, quy phạm, luật quản lý biển của nước ta còn khá sơ sài. Một số khu vực biển khai thác kinh tế không hợp lý dẫn đến suy thoái hệ sinh thái. Việc phát triển ồ ạt bất động sản ven biển cũng dẫn đến tổn hại tài nguyên môi trường, nguồn lực xã hội”.
Xây dựng và phát triển hệ thống đô thị biển là một phương án định cư, cách tích tụ dân số nhanh, dễ quy hoạch, quản lý và góp phần giải quyết bài toán quá tải đô thị trong tương lai.
“Hệ thống đô thị biển phải được nhìn nhận như một không gian quan trọng trong không gian biển quốc gia và phải chiếm xứng đáng trong quy hoạch không gian biển quốc gia thời gian tới. Đô thị biển phải trở thành một lĩnh vực kinh tế quan trọng bên cạnh các ngành/lĩnh vực kinh tế biển truyền thống khác như hàng hải, nghề cá, dầu khí…” - PGS-TS. Nguyễn Chu Hồi, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và hải đảo đề xuất.
Theo PGS-TS. Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, tư duy phát triển đô thị biển ở Việt Nam có vấn đề. Đa số đô thị biển, nhất là tại khu vực miền Trung phát triển đô thị biển theo tỉnh, không dựa trên lợi ích vùng, quốc gia dẫn đến xung đột giữa chính các đô thị biển.
“Đô thị biển là những tọa độ mở cửa quốc gia nên nó phải là tọa độ hội nhập và cạnh tranh quốc tế. Chúng ta cần có tầm nhìn, cách tiếp cận khác về cách phát triển các cụm kinh tế biển và khu kinh tế biển.
Trên nền tảng đó dựng nên tầm nhìn, cách tiếp cận mới về đô thị biển. Điều này phải được thể hiện trong quy hoạch đô thị quốc gia. Chức năng của các khu đô thị, khu kinh tế biển cần được định hình rõ và phải bảo đảm không gây xung đột” - PGS-TS. Trần Đình Thiên nói.