"Điểm nghẽn" đường bộ chiến lược

NGỌC BÍCH 03/08/2022 09:31

Hạ tầng giao thông đường bộ, đặc biệt là nhiều trục huyết mạch được đầu tư nhưng làm không tới nơi tới chốn, chất lượng thiếu đảm bảo hoặc chưa nâng cấp, mở rộng đã trở thành “điểm nghẽn” lưu thông, kìm hãm phát triển kinh tế - xã hội, mất an toàn giao thông.

QL1 qua Thăng Bình không có làn đường dành riêng cho xe thô sơ. Ảnh: NB
QL1 qua Thăng Bình không có làn đường dành riêng cho xe thô sơ. Ảnh: NB

“Nghẽn” nhiều tuyến

Mặt đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi được thiết kế với tiêu chuẩn loại A, thế nhưng vị trí mặt cầu Kỳ Lam (vượt sông Thu Bồn, thuộc địa phận Điện Bàn) không bằng phẳng gây xóc liên tục cho người tham gia giao thông. Lưu hành tại các vị trí khác, phương tiện không được êm thuận khi phải vượt trên “miếng vá” do mặt đường bị hư hỏng, nền sụt lún..

“Mặt đường cao tốc vốn có độ ma sát cao, mà lại thường xuyên bị xóc như thế sẽ nhanh hao mòn lốp xe, nguy cơ mất tay lái dẫn tới tai nạn giao thông. Chạy trên quốc lộ 1 hoặc đường ven biển Võ Chí Công sẽ thấy sự khác biệt, người ngồi trên xe có cảm giác dễ chịu hơn nhiều” - một tài xế chia sẻ.

Quốc lộ (QL) 1 qua địa phận Quảng Nam đã được nâng cấp, mở rộng theo hình thức BOT (xây dựng, khai thác, chuyển giao). Tuy nhiên, trục dọc chiến lược này vẫn bộc lộ nhiều hạn chế. Đơn cử, đoạn ngoài đô thị từ Duy Xuyên tới Phú Ninh hiện mỗi bên chỉ 2 làn xe, không có làn đường dành riêng cho xe thô sơ và người đi bộ, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông (ATGT).

Vào giờ cao điểm, ô tô chạy cả 2 làn đường, “đẩy” người điều khiển xe máy vào sát lề, đối mặt với nguy cơ va vào tường hộ lan. Thực tế, tuyến đường này xảy ra không ít vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng.

Tỉnh từng kiến nghị Bộ GTVT mở rộng thêm làn, trước mắt triển khai tại chỗ không phải giải phóng mặt bằng để đảm bảo ATGT. Nhưng qua hơn 7 năm QL1 hoàn thành mở rộng, đề nghị này chưa được giải quyết.

Hạ tầng giao thông là “huyết mạch” của nền kinh tế. Muốn ATGT được đảm bảo thì hạ tầng giao thông, nhất là đường bộ phải rộng rãi, thông suốt, êm thuận. Tuy nhiên, nhiều trục ngang có vai trò đặc biệt quan trọng trong khơi thông, thúc đẩy kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh khu vực miền núi đang bị “nghẽn” do quá chật hẹp, cong cua, chất lượng nền, mặt đường kém.

Điển hình ở phía tây nam có QL40B (đoạn Tiên Phước - Nam Trà My), phía tây bắc là QL14G thuộc địa phận Đông Giang, ở giữa có QL14D kết nối từ đường Hồ Chí Minh lên cửa khẩu Nam Giang.

Cần tiếp tục đầu tư

Chung thực trạng với các trục ngang khác, QL14E (Thăng Bình - Phước Sơn) hiện thuộc giai đoạn chuẩn bị đầu tư nâng cấp, mở rộng, tương lai sẽ khơi thông “điểm nghẽn” kết nối từ đồng bằng ven biển tới miền núi. Thuộc trách nhiệm của Trung ương, song do tình trạng mất ATGT diễn tiến rất nghiêm trọng, Quảng Nam đã bố trí nguồn lực đầu tư nâng cấp, mở rộng QL40B thông suốt đoạn bắt đầu từ nút giao cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi lên tới thị trấn Tiên Kỳ (Tiên Phước).

Hiện một dự án riêng với nguồn lực khác cũng có liên quan đến mở rộng trục tuyến này, đoạn Tiên Phước - Bắc Trà My chuẩn bị được triển khai. Tuy nhiên, đoạn Bắc Trà My lên Nam Trà My với hàng loạt vị trí cong cua “cùi chỏ”, mặt cắt nhỏ hơn đường làng chưa được khắc phục.

“Tỉnh sẽ tiếp tục kiến nghị với Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương quan tâm đưa vào danh mục đầu tư công và huy động các nguồn lực khác để mở rộng QL14G, QL14D, QL40B” - Giám đốc Sở GTVT, Phó Trưởng ban ATGT tỉnh Văn Anh Tuấn nói.

Ngoài yêu cầu hoàn trả các tuyến đường địa phương mà chủ đầu tư và nhà thầu mượn làm đường công vụ để tiếp cận thi công cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, cử tri còn kiến nghị cơ quan chủ quản của tuyến cao tốc này phải làm tại những vị trí ra - vào trạm, giao với QL14E (qua Thăng Bình), QL40B (thuộc Phú Ninh) để đảm bảo ATGT.

Hiện nay, điện chiếu sáng mới được lắp đặt tại nơi ra - vào cao tốc và đoạn qua hầm chui, chính vì vậy cần phải thiết lập hệ thống điện trên toàn tuyến. Bố trí cân tải trọng tự động để kiểm soát xe quá tải. Không chỉ mở rộng thêm làn QL1, cử tri kiến nghị Bộ GTVT chỉ đạo các đơn vị BOT lắp đặt tấm chắn sáng trên dải phân cách đang bị trống rất nhiều chỗ, ảnh hưởng đến tầm quan sát của người điều khiển xe đi ngược chiều nhau.

Về lâu dài, lãnh đạo Sở GTVT cho rằng việc phát triển kết cấu hạ tầng phải bảo đảm hiện đại và đồng bộ, làm đến đâu chắc đến đó; kết hợp chặt chẽ giữa đầu tư xây dựng và quản lý, vận hành khai thác công trình.

Sau khi quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh được phê duyệt cần triển khai quy hoạch xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng trên các tuyến đường trọng yếu, nhất là các tuyến, đoạn tuyến đi qua khu đô thị, làm cơ sở đầu tư xây dựng hạ tầng hai bên tuyến, bảo đảm tính đồng bộ và khai thác có hiệu quả quỹ đất.

Huy động mọi nguồn vốn, bố trí ngân sách để xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông theo quy hoạch; giữ vững các mục tiêu, định hướng phát triển nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm.

NGỌC BÍCH