Gian nan “sửa lỗi” quy hoạch xây dựng đô thị - Bài 1: Hệ lụy từ các đồ án quy hoạch
Quy hoạch kém chất lượng, thiếu đồng bộ cùng với quá trình triển khai thực hiện quy hoạch gặp vô vàn khó khăn, thách thức khiến bức tranh đô thị nhiều nơi manh mún, chắp vá, lãng phí nguồn lực đất đai và đẩy không ít hộ dân tại các dự án quy hoạch vào thế khó. Trong khi đó, việc “sửa lỗi” quy hoạch cũng gặp không ít thách thức.
BÀI 1: HỆ LỤY TỪ CÁC ĐỒ ÁN QUY HOẠCH
Công tác quy hoạch quyết định đến sự phát triển đô thị, và dĩ nhiên quy hoạch thiếu bài bản sẽ để lại nhiều di chứng cho cả quá trình về sau.
Tủn mủn, ì ạch
Từ năm 1999, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 124 phê duyệt quy hoạch chung đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc. Sau hơn 20 năm, bức tranh đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc nói riêng và đô thị Điện Bàn nói chung vẫn tủn mủn và không như kỳ vọng.
Giai đoạn 2015 - 2020, Điện Bàn có 114 dự án phát triển đô thị được giao với diện tích hơn 1.493ha. Tuy nhiên, đến nay chỉ có 13 dự án hoàn thành và cơ bản hoàn thành, chuẩn bị bàn giao đưa vào khai thác. Điện Bàn hiện có tổng cộng 118 đồ án quy hoạch chi tiết với tổng diện tích 1.643ha với tỷ lệ lấp đầy khoảng gần 40%.
Theo Sở Tài nguyên - môi trường, cần có sự rà soát, đánh giá tổng thể về thực trạng phát triển các khu đô thị, khu dân cư để dự báo về nhu cầu đất ở, nhà ở theo tốc độ tăng dân số (tự nhiên lẫn cơ học), từ đó định hướng quy hoạch phát triển các khu dân cư, khu đô thị cho từng giai đoạn phù hợp, tránh việc quy hoạch, xây dựng quá nhiều khu dân cư gây lãng phí đất đai, nguồn lực xã hội.
Hàng trăm dự án chen chúc nhau trên phạm vi nhỏ, nhiều nhà đầu tư không có năng lực vẫn “xí phần” với mục đích “phân lô bán nền”. Có dự án chưa đủ điều kiện giao dịch vẫn tranh thủ “bán lúa non”... để lại một bức tranh đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc manh mún, còi cọc.
Ông Hà Đức Tiến - Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh nói: “Điện Bàn đã lập quá nhiều quy hoạch cho các khu đô thị, nhưng nhiều chưa chắc là tốt. Nhiều khu đô thị đã được phê duyệt từ rất lâu nhưng chuyển động rất chậm. Một số khu đô thị có tỷ lệ lấp đầy chưa đến 20%, rất thấp”.
Nhiều dự án phát triển đô thị cũng đang “sa lầy” ở dải cắt trắng ven biển nam Hội An. Quy hoạch chung đô thị Duy Hải - Duy Nghĩa được lập từ năm 2017, đến nay vẫn chưa được phê duyệt.
Tiến độ phê duyệt chậm gây khó khăn, cản trở việc thu hút các dự án đầu tư xây dựng, phát triển đô thị và các công trình, dự án trọng điểm vùng Đông của huyện Duy Xuyên.
Hàng trăm hộ dân vẫn sinh sống tạm bợ, xen kẽ trong khu vực quy hoạch dự án đô thị trong khi một số dự án khu tái định cư tại 2 xã Duy Hải, Duy Nghĩa triển khai từ năm 2016 đến nay vẫn ì ạch, khiến UBND tỉnh phải giãn tiến độ nhưng chưa hẹn ngày hoàn thành.
Nỗi buồn nơi đô thị
Nhiều hộ dân từ Điện Bàn đến Tam Kỳ, Núi Thành… đã quá ngán ngẩm với những lần “chạy ngập” mỗi khi mưa lớn. Chỗ trước kia ít ngập thì nay ngập triền miên, nơi cao ráo họa hoằn lắm mới đọng nước thì nay cũng “nếm mùi” ngập úng.
Bà Đặng Thị H. (tổ 4, phường Tân Thạnh, TP.Tam Kỳ) nói, con gái bà nay đã 14 tuổi, trong khi nghe thông tin về dự án từ lúc con chưa chào đời. “Mấy năm nay, trong nhà có người già bị đau nặng không đi lại được, mỗi mùa mưa phải kê giường lên thật cao, khổ không thể kể hết. Đường nối bao nhiêu năm vẫn vậy, vẫn chừa cái tổ 4 này ra, vướng quy hoạch thì dân đâu có dám sửa sang cơi nới gì. Cứ nói chờ, mà không biết là chờ đến bao giờ?” - bà H. than phiền.
Mắc kẹt trong những vùng lõm đô thị, nên “làng trong phố” chẳng còn là chuyện hiếm. Tại thôn Vân Thạch (xã Tam Hiệp, Núi Thành), bước qua con đường trước Trường THPT Nguyễn Huệ, một “bức tranh làng quê” hiện ra, tương phản và đứt gãy rõ rệt với khu dân cư bề thế đối diện.
Ông Trà Minh Thể - Bí thư Chi bộ thôn Vân Thạch nói, khu vực này nằm trong dự án xây dựng khu dân cư, tái định cư chợ Trạm, nhưng đã nhiều năm hiện trạng không thay đổi, người dân vẫn phải sống trong cảnh ngập úng cục bộ mỗi mùa mưa do không có hệ thống thoát nước để đấu nối.
“Bà con đã phản ánh rất nhiều ở các cuộc tiếp xúc cử tri, nhưng lâu rồi chưa thấy động tĩnh gì. Chỉ cách một con đường, nhưng lại là hai thế giới, một bên đủ đầy, một bên quá thiếu” - ông Thể nói.
Ông Lê Văn Sinh - Chủ tịch UBND huyện Núi Thành nói: “Nhiều khu vực quá đông dân cư, khó có thể “xóa trắng” để làm lại theo quy hoạch bài bản. Muốn điều chỉnh một quy hoạch, địa phương phải mất ít nhất 15 tháng để hoàn thiện các khâu lựa chọn nhà thầu tư vấn, nghiên cứu…”.
Năng lực, tầm nhìn
Đơn vị lập quy hoạch có năng lực hạn chế cộng với nguồn kinh phí eo hẹp dẫn đến tình trạng quy hoạch ì ạch. Đơn cử, quy hoạch vùng huyện Thăng Bình có đề cương nhiệm vụ từ năm 2016 - 2017, giai đoạn đó vùng Đông Thăng Bình rất sôi động nhưng đến cuối năm 2021 khi trình quy hoạch thì nhiều dự án trong số đó đã bị thu hồi, trong khi số liệu vẫn còn nằm trong quy hoạch.
Ông Trương Công Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình nhìn nhận, quy hoạch chung đô thị Bình Minh được lập cho toàn bộ ranh giới hành chính, tuy nhiên tỷ lệ phủ kín quy hoạch chi tiết thấp.
Nguồn lực để thực hiện quy hoạch phát triển đô thị hạn chế do số thu cân đối của ngân sách địa phương quá thấp; công tác quy hoạch do đó chưa được đồng bộ, điều chỉnh nên chắp nối.
Một số đồ án quy hoạch chất lượng không cao do đơn vị thực hiện ôm đồm nhiều đồ án khác. Nhiều điểm trong quy hoạch đô thị không phù hợp với thực tế phải điều chỉnh liên tục.
Tại Duy Xuyên, ông Nguyễn Thế Đức - Phó Chủ tịch UBND huyện chia sẻ, thị trấn Nam Phước đã đến thời kỳ phải “quy hoạch lại” sau 10 năm. Cái khó là đơn vị tư vấn lập quy hoạch khá ít.
Các quy hoạch đến thời kỳ, hoặc định hướng quy hoạch hầu như chỉ có 2 đơn vị ở trong khu vực thực hiện. Thời gian ít cộng khối lượng công việc lớn, do đó đội ngũ nhân sự của hai đơn vị này khó đáp ứng yêu cầu về tiến độ lẫn chất lượng quy hoạch.
“Về chất lượng quy hoạch, chúng ta đang quá thiếu nguồn ý tưởng, đa số vẫn chỉ thiết kế theo kiểu ô bàn cờ, không phù hợp địa hình. Như kiểu đặt miếng vải gấm vào tay một thợ may quá bình thường, nên không thể trông chờ sản phẩm xứng tầm” - ông Đức nói.
Ông Trần Xuân Vinh - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cho rằng, có tình trạng điều chỉnh quy hoạch chi tiết (1/500) theo hướng có lợi cho nhà đầu tư, giảm dần diện tích các thiết chế văn hóa, công trình công cộng để tăng diện tích đất nền phân lô.
Còn theo ông Nguyễn Đức - Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh, việc điều chỉnh quy hoạch chi tiết liên tục có phần trách nhiệm từ việc chỉ đạo, lập tư vấn quy hoạch với tầm nhìn chưa dài hạn.
Trước khi đề xuất danh mục đầu tư cần xem xét đã có quy hoạch hay chưa, nếu chưa thì dừng lại. Việc phá vỡ quy hoạch sẽ dẫn đến lãng phí nguồn lực nhà nước rất lớn.
Công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, nhất là ở khu vực đô thị gần đây rất khó khăn với chi phí bồi thường lớn, điều này đặt ra dấu hỏi về công tác quản lý hiện trạng quy hoạch.
------------------------
Bài cuối: “Sửa lỗi” ra sao?