Điểm danh chủ đầu tư, địa phương có số nợ đọng xây dựng cơ bản lớn
(QNO) - Báo cáo thẩm tra tình hình đầu tư xây dựng cơ bản tại Kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khóa X, Ban Kinh tế - ngân sách kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo rà soát, đôn đốc các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm việc thu hồi vốn tạm ứng để phát huy hiệu quả vốn ngân sách nhà nước…
Báo cáo của Ban Kinh tế - ngân sách cho rằng, tình hình nợ đọng xây dựng cơ bản vẫn ở mức cao, tính đến hết quý I.2022 là 1.034,7 tỷ đồng. Trong đó, một số chủ đầu tư qua các năm vẫn có số nợ đọng xây dựng cơ bản lớn chưa được khắc phục như: Ban Quản lý các Khu kinh tế và khu công nghiệp (239,9 tỷ đồng); Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông (31,7 tỷ đồng); Sở GTVT (19,6 tỷ đồng); Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh (16 tỷ đồng). Một số địa phương có nợ xây dựng cơ bản lớn như: Thăng Bình, Đại Lộc, Tam Kỳ, Nam Giang, Tây Giang, Duy Xuyên...
Về giải ngân vốn đầu tư, thẩm tra của Ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh đánh giá, dù UBND tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo quyết liệt, xác định các giải pháp cụ thể nhằm đẩy nhanh tiến độ hoàn thành thủ tục đầu tư, giải ngân vốn nhưng nhìn chung công tác giải ngân vẫn chưa được cải thiện đáng kể.
Tỷ lệ giải ngân 6 tháng đầu năm đạt thấp, nhất là nguồn vốn ngân sách trung ương và vốn nước ngoài tỉnh vay lại. Đáng chú ý, kế hoạch vốn năm 2021 kéo dài sang năm 2022 thuộc ngân sách địa phương (cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã) tỷ lệ giải ngân đạt rất thấp (15,2%).
Đối với kế hoạch vốn năm 2022, nhiều dự án của tỉnh do các ban quản lý chuyên ngành, các sở, ngành làm chủ đầu tư tỷ lệ giải ngân đạt rất thấp (theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước tỉnh, tính đến ngày 10.6.2022 có 41 dự án tỷ lệ giải ngân 0% và 19 dự án tỷ lệ giải ngân dưới 15% trong tổng số 124 dự án).
Theo ông Nguyễn Đức – Trưởng ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh, công tác hoàn thiện thủ tục đầu tư của các dự án khởi công mới năm 2022 vẫn còn chậm. Đến nay, có 27/83 dự án chưa phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án. Trong đó, có một số dự án dự kiến đến hết năm 2022 sẽ không thể hoàn thiện thủ tục đầu tư.
Từ kết quả thẩm tra, Trưởng ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh Nguyễn Đức đề nghị UBND tỉnh tiếp tục tập trung chỉ đạo tháo gỡ các điểm nghẽn của từng dự án nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân vốn đầu tư công; tiếp tục hoàn thiện các thủ tục đầu tư đối với các dự án khởi công mới năm 2022 chưa đảm bảo thủ tục và giai đoạn 2023 - 2025. Xem đây là nhiệm vụ quan trọng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong những tháng còn lại của năm 2022.
Đồng thời chỉ đạo kiểm tra, làm rõ các nguyên nhân gây chậm tiến độ giải ngân, nhất là liên quan đến công tác lập, thẩm định chủ trương, dự án, thiết kế dự toán, đấu thầu... Trên cơ sở đó, làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm đối với các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan.
“Khẩn trương phân bổ kế hoạch vốn 2022 còn lại chưa phân bổ và kiên quyết điều chuyển vốn đối với những dự án có tỷ lệ giải ngân thấp hoặc không có khả năng giải ngân sang những dự án đã quyết toán, nợ khối lượng hoàn thành, dự án có khả năng giải ngân hết nguồn vốn trong năm…” – ông Đức kiến nghị.