[eMagazine] - Đô thị sông, biển Quảng Nam: Lối mở tương lai

T.CÔNG - Q.TUẤN - H.QUÂN - N.TUẤN 05/07/2022 07:55

Khát vọng định vị đặc trưng đô thị dựa trên lợi thế địa lý cùng với sự cầu thị từ phía chính quyền đang mở ra nhiều hứa hẹn về cơ hội phát triển hệ thống đô thị ven sông, ven biển theo hướng sinh thái, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.

 
 

Vùng đông Quảng Nam được xác định là vùng động lực phát triển trong giai đoạn mới. Đây cũng chính là khu vực hội tụ các đô thị ven sông, ven biển. Sự phát triển của chuỗi đô thị này góp phần quyết định sự phát triển của toàn tỉnh Quảng Nam.

Vùng đông Quảng Nam. Ảnh: PV
Vùng đông Quảng Nam. Ảnh: PV

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh xác định, Quảng Nam có khu vực ven biển trải dài qua hơn 100km có thể khai thác được. Từ khu vực tiếp giáp với Đà Nẵng cho đến Quảng Ngãi, Quảng Nam có chuỗi đô thị hiện hữu mang tính chất đặc thù. Đó là các đô thị Điện Bàn với vị trí, tính chất là không gian mở rộng của đô thị Đà Nẵng và mở về phía bắc của đô thị Hội An.

Đô thị cổ Hội An. Ảnh: PV
Đô thị cổ Hội An. Ảnh: P.V

Hội An là đô thị di sản, du lịch. Đô thị Duy Xuyên, Thăng Bình có điều kiện phát triển rất tốt, bám theo sông Thu Bồn, sông Trường Giang, cơ hội khai thác quỹ đất ven biển, ven sông rất lớn.

Đô thị Tam Kỳ. Ảnh: PV
Đô thị Tam Kỳ. Ảnh: PV

Đô thị hành chính Tam Kỳ trong tương lai có thể mở rộng để trở thành không gian mới, đủ tiêu chí trở thành đô thị loại I và đô thị ven biển, ven vịnh. Còn Núi Thành với vùng ven biển, ven vịnh có thể triển khai cơ sở hạ tầng rất đặc biệt, hội tụ nhiều loại hình giao thông lý tưởng để trở thành đô thị lớn trong tương lai.

[VIDEO] - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh phát biểu tại Hội nghị hội thảo khoa học “Quy hoạch xây dựng đô thị ven biển, ven sông theo hướng sinh thái và bền vững”. (HỒ QUÂN)

 

Ngoài giá trị từ biển, Quảng Nam còn sở hữu vài sông chảy ngang theo hướng bắc - nam, dọc theo bờ biển, nhưng rất tiếc đến nay dải đất đầy tiềm năng này vẫn đang ở tình trạng hoang vu cát trắng. Theo các chuyên gia, nếu quy hoach, phát triển đúng hướng, vùng ven sông - biển thành một khu vực năng động, làm động lực cho vùng Đông, khi có quỹ đất xây dựng lớn, hiện trạng nguyên sơ, mức độ ảnh hưởng đến người dân và đền bù, giải phóng mặt bằng tương đối ít, thuận lợi cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng, quy hoạch phát triển các cơ sở kinh tế du lịch, công nghiệp, đô thị.

[VIDEO] - Dòng sông Trường Giang. (HỒ QUÂN)

Quảng Nam đang xác định phát triển công nghiệp ven biển, khu kinh tế gắn với phát triển các khu đô thị - dịch vụ ven biển; phát triển nông - lâm - thủy sản gắn với xây dựng nông thôn mới; phát triển dịch vụ hậu cần, hạ tầng nghề cá và vận tải biển - hàng không; dịch vụ - du lịch biển; kinh tế đảo.

TS. Phạm Trần Hải - Viện Nghiên cứu phát triển TP.Hồ Chí Minh: "Quảng Nam cần nghiên cứu xây dựng hệ thống chỉ số đánh giá hiệu quả sử dụng đất. Tỉnh cũng cần nghiên cứu xây dựng và áp dụng thí điểm các chính sách điều tiết giá trị gia tăng từ đất. Cụ thể ở đây là mô hình mở rộng biên chỉnh trang trong các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng để khai thác giá trị gia tăng khu vực xung quanh dự án, trên cơ sở đồng thuận của người dân; cơ chế chuyển quyền phát triển không gian để huy động nguồn lực từ các thành phần xã hội và tạo sự đồng thuận giữa các thành phần xã hội; mô hình điều chỉnh đất cho phép các chủ sử dụng đất góp khu đất của mình vào dự án tái phát triển để nhận lại thành phẩm là các khu đất có kết cấu hạ tầng hoàn chỉnh".

Quảng Nam có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế biển. Ảnh: PV
Quảng Nam có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế biển. Ảnh: PV
 
 

Quảng Nam nằm trong nhóm các địa phương chịu tổn thương nặng nề của biến đổi khí hậu. Các đô thị sông - biển chính là đối tượng “đứng mũi chịu sào” từ mối nguy này.

Cuối năm 2021, hơn 3.000 ngôi nhà ở TP.Tam Kỳ ngập trong biển nước. Khoảng 7km bờ biển ở TP.Hội An hơn một thập niên qua phải “vật lộn” với xói lở. Nhiều hội thảo, giải pháp thực tế cùng hàng nghìn tỷ đồng đã và đang tiếp tục chi ra để ứng phó với các hình thái thời tiết cực đoan từ tự nhiên nhưng vẫn chưa thể giải quyết triệt để vấn đề. Các chuyên gia về biến đổi khí hậu và giảm thiểu rủi ro thiên tai nhận định, trong khoảng 50 năm nữa mực nước biển vùng đô thị Hội An - Đà Nẵng có thể tăng lên tầm 30cm so với hiện nay, đến cuối thế kỷ thì có thể tăng nhanh đột ngột hơn.

Vùng đông Quảng Nam thường xuyên đối mặt với thiên tai, biến đổi khí hậu. Ảnh: PV
Vùng đông Quảng Nam thường xuyên đối mặt với thiên tai, biến đổi khí hậu. Ảnh: PV
 
PGS-TS. Nguyễn Chu Hồi - nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam: "Vùng bờ biển Quảng Nam khoảng 125km nằm trong khu vực gần như cân bằng về động lực học, thể hiện ở sự có mặt của các phá kiểu cửa sông, trong đó sông Trường Giang là kiểu cửa sông dạng đầm phá. Khi phát triển khu lưu trú ở gần cửa sông thì sẽ tạo ra khả năng xói lở lớn cho khu vực xung quanh, đó là quy luật".

Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam khẳng định quan điểm xây dựng chuỗi đô thị sông - biển ở Quảng Nam phải chọn lối thích ứng thay vì ứng phó với biến đổi khí hậu. Thời tiết khắc nghiệt, các loại hình thiên tai, thiếu nước ngọt… sẽ là những bài toán nan giải của đô thị sông - biển theo thời gian. 

Quảng Nam chọn hướng xây dựng đô thị ven sông - biển theo hướng thích ứng biến đổi khí hậu. Ảnh: PV
Quảng Nam chọn hướng xây dựng đô thị ven sông - biển theo hướng thích ứng biến đổi khí hậu. Trong ảnh: Rừng ngập mặn xã Tam Giang (Núi Thành) Ảnh: PV

Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam:Phân bổ nguồn tài nguyên ven biển Quảng Nam cần đảm bảo tương quan 4 không gian sử dụng, gồm: không gian mở tự nhiên bảo tồn sinh thái, không gian giao lưu văn hóa xã hội cộng đồng, không gian dịch vụ lưu trú du lịch và không gian dự trữ phát triển. 

 

KTS. Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam:

"Phát triển bền vững phải thích ứng thiên nhiên, biến đổi khí hậu, quy hoạch để các đô thị, làng mạc tương lai không nằm trong khu vực xói lở, lũ quét, xem xét vị trí đô thị dọc sông. Quy mô đô thị biển ra sao, xây dựng ở đâu, phân vùng như thế nào đều phải đặt vào tầm nhìn dài hạn để bảo vệ và có hướng tiếp cận thực tiễn, ứng dụng các bài học trong nước và quốc tế. Mục tiêu lớn nhất vẫn là đảm bảo cuộc sống tốt nhất cho cư dân đô thị".

Sông Trường Giang sẽ là hạt nhân quan trọng kết nối sự phát triển của chuỗi đô thị sông - biển của Quảng Nam trong tương lai. Ảnh: PV
Sông Trường Giang sẽ là hạt nhân quan trọng kết nối sự phát triển của chuỗi đô thị sông - biển của Quảng Nam trong tương lai. Ảnh: PV

Với đặc thù về mặt tự nhiên - lịch sử, các chuyên gia nhận định sông Trường Giang sẽ trở thành hạt nhân quan trọng kết nối sự phát triển của chuỗi đô thị sông - biển của Quảng Nam trong tương lai. Ông Nguyễn Huy Dũng - Chuyên gia cao cấp về Quản lý rủi ro thiên tai (Ngân hàng Thế giới) nêu ý tưởng, vùng phía bắc sông Trường Giang trở thành công viên đất ngập nước kết hợp quản lý tổng hợp rủi ro lũ lụt. Vùng giữa phát triển đô thị an toàn trước lũ lụt. Trong đó, một loạt giải pháp công trình và phi công trình có thể xem xét để giảm thiểu thiệt hại do lũ gây ra với khu vực đô thị Tam Kỳ như kênh thoát lũ từ hồ Sông Đầm đến sông Trường Giang, từ sông Trường Giang ra biển; hình thành kênh thoát lũ từ sông Bàn Thạch qua hồ Sông Đầm đến sông Trường Giang; tối ưu hóa hoạt động hồ chứa…

[VIDEO] - KTS. Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam góp ý Quảng Nam quy hoạch đô thị sông – biển ứng phó biến đổi khí hậu. (HỒ QUÂN).

 
Tuyến đường Võ Chí Công giữ vai trò chủ đạo trong việc tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội khu vực phía đông của tỉnh. Ảnh: PV
Tuyến đường Võ Chí Công giữ vai trò chủ đạo trong việc tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội khu vực phía đông của tỉnh. Ảnh: PV
Sau khi cầu Cửa Đại, đường ven biển Võ Chí Công được khánh thành thì chuỗi đô thị ven biển của Quảng Nam giữ vai trò chủ đạo trong việc tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội khu vực phía đông của tỉnh bao gồm các đô thị: Điện Nam - Điện Ngọc, Hội An, Tam Kỳ, Chu Lai - Núi Thành. Từ tuyến ven biển này, tạo hành lang giao thông liên vùng nối liền giữa Đà Nẵng và Khu công nghiệp Dung Quất - Quảng Ngãi phục vụ phát triển đô thị, du lịch, dịch vụ… cho Quảng Nam. 

[VIDEO] – Tuyến đường Võ Chí Công tạo hành lang giao thông liên vùng:

PGS-TS. Nguyễn Hồng Tiến - nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng): "Trong tương lai, Quảng Nam cần thực hiện dự án kết nối tuyến đường ven biển với trục Đông Trường Sơn, kết nối các tuyến giao thông huyết mạch, hình thành hệ thống hạ ̣tầng kết nối đồng bộ với TP.Đà Nẵng để đẩy mạnh phát triển khu kinh tế ven biển phía đông. Đồng thời, nghiên cứu triển khai xây dựng một số tuyến giao thông công cộng như xe buýt nhanh BRT Đà Nẵng - Hội An, tuyến đường sắt đô thị (LRT) Đà Nẵng - Hội An - Tam Kỳ - Chu Lai theo tuyến đường bộ ven biển. Các tuyến giao thông công cộng được đầu tư xây dựng sẽ góp phần thúc đẩy các đô thị ven biển, các khu công nghiệp, khu du lịch, nghỉ dưỡng dọc tuyến ven biển phát triển".

 
Khẳng định vai trò, vị thế “cầu nối” quan trọng của Quảng Nam với hai miền bắc - nam của vùng Duyên hải Trung Bộ và cửa ngõ mới hướng ra Biển Đông của các tỉnh Tây Nguyên, TS-KTS. Trương Văn Quảng - Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, vai trò phân vùng phía đông của Quảng Nam hiện hữu rất rõ trong đô thị, trong đó TP.Đà Nẵng đóng vai trò là đô thị hạt nhân, bao gồm Huế - Đà Nẵng - Chu Lai - Kỳ Hà - Dung Quất (Vạn Tường) - Quy Nhơn. Việc phát triển đô thị biển Quảng Nam theo hướng hiện đại - xanh - thông minh và bền vững với thương hiệu đô thị du lịch biển sẽ tạo ra sự khác biệt trên cơ sở xác định các giá trị cốt lõi, tạo dựng nền móng của thương hiệu đô thị. 

[VIDEO] - Vùng đông Quảng Nam phát triển. (HỒ QUÂN)

 

Trong bối cảnh đô thị chưa bị “khai thác nóng”, dư địa ven sông, ven biển còn khá lớn, nhiều bài học từ các địa phương đang được đúc rút để việc quy hoạch, xây dựng đô thị mang tính bền vững hơn cho Quảng Nam.

Quỹ đất ven sông, ven biển trên địa bàn tỉnh còn khá lớn. Ảnh: PV
Quỹ đất ven sông, ven biển trên địa bàn tỉnh còn khá lớn. Ảnh: PV

Quảng Nam đã thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển ở 29 khu vực với tổng chiều dài hơn 45km. Điều này giúp bảo vệ cảnh quan vùng bờ, giảm thiểu ảnh hưởng do sạt lở, ứng phó với biến đổi khí hậu cũng như đảm bảo quyền tiếp cận của người dân đối với biển. Quảng Nam là tỉnh đầu tiên tổ chức hội thảo để cụ thể hóa Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị về quy hoạch, được xem là một tiền đề tạo đột phá cho địa phương phát triển đô thị ven biển, ven sông trong bối cảnh biến đổi khí hậu, tạo động lực phát triển bền vững. 

 
 
 

Đô thị cần được hưởng thụ tối đa tài nguyên sông - biển

PGS.TS. Hoàng Mạnh Nguyên - Viện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển Đô thị Xanh Việt Nam: "Phát triển bền vững gồm 3 yếu tố: môi trường - kinh tế - xã hội. Yếu tố xã hội vô cùng quan trọng, đóng vai trò quyết định trong việc ổn định, phát triển lâu dài của đô thị. Quảng Nam có khu vực ven biển tiềm năng rất lớn để phát triển đô thị. Bờ biển giống như một “con phố” đối với đô thị. Nếu cứ phân rẻo cho các dự án của các nhà đầu tư, không quan tâm đến cư dân thì chúng ta đã đánh mất đi cơ hội phát triển đô thị". 

 

Quy hoạch phát triển bền vững, đúng hướng thì phải tôn trọng tự nhiên, không tách rời lợi ích của người dân địa phương. Bản thân những người làm chức năng phát triển đô thị phải cảnh giác, thận trọng nếu không sẽ để lại hậu quả lớn. Nếu làm mất đi mối cộng sinh của người dân với tài nguyên tự nhiên, cụ thể ở đây là biển thì sẽ tạo ra phân cách giàu nghèo lớn. Sự hấp dẫn của đô thị ven biển đến từ tài nguyên thiên nhiên và chiến lược phát triển đô thị dựa trên quy hoạch tốt, bố trí nhiều công trình có giá trị về thẩm mỹ, công trình xanh tạo chất lượng sống tốt nhất cho thị dân.

 

Đô thị biển Quảng Nam phát triển theo hướng hiện đại - xanh - thông minh - bền vững

TS.KTS. Trương Văn Quảng - Hội Quy hoạch phát triển Đô thị Việt Nam: "Việc phát triển đô thị biển Quảng Nam theo hướng Hiện đại - xanh - thông minh - bền vững phải xác định vai trò, vị thế và mối quan hệ vùng; tài nguyên tự nhiên và nhân văn; nguồn lực, cơ chế chính sách; chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; hạ tầng khung vùng và đô thị; tổ chức không gian đô thị... Tuy nhiên, cần phải kèm theo các chiến lược về định vị thương hiệu, tuyên truyền quảng bá hình ảnh thương hiệu của đô thị..."

 

 

T.CÔNG - Q.TUẤN - H.QUÂN - N.TUẤN