Đầu tư hạ tầng, kết nối giao thương

TRỊNH DŨNG 23/06/2022 06:31

Hạ tầng chiến lược (sân bay, cảng biển, các tuyến giao thông...) đang trên tiến trình nghiên cứu, đầu tư xây dựng, sẽ trở thành sinh lộ mới, kết nối giao thương giữa Quảng Nam với các thị trường nội địa, đồng thời vươn thế giới...

Xây dựng một trung tâm logistics container tại Chu Lai.
Xây dựng một trung tâm logistics container tại Chu Lai.

Sinh lộ mới

Chuyến tàu SITC từ cảng Inchon (Hàn Quốc) cập cảng số 1 Tam Hiệp ngày 5.8.2016. Từ đó, Cảng Chu Lai – Trường Hải chính thức gia nhập “cảng quốc tế” xuất khẩu trực tiếp tại Quảng Nam. Trường Hải đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để xây dựng một trong những cảng năng động bậc nhất miền Trung. Ít nhất có 4 hãng tàu quốc tế cập cảng làm hàng mỗi tuần.

Ngoài hàng “xương sống” ô tô thành phẩm, linh kiện, máy móc, thiết bị và hàng nông nghiệp của chính Thaco, các mặt hàng khác như vật tư nông nghiệp phục vụ cho các nông trường Campuchia, Lào, Tây Nguyên... nhập từ cảng Chu Lai sẽ được vận chuyển ngược lên các nông trường và nhận trái cây từ các nông trường về.

Hệ thống kho, bãi tại cảng hiện có tổng diện tích hơn 167.000m2, xây dựng theo tiêu chuẩn châu Âu, phân chia theo từng khu vực chuyên dụng, phù hợp với điều kiện bảo quản, xếp dỡ, vận chuyển từng loại hàng hóa (bãi container thường, lạnh, kho ngoại quan, kho hàng, kho lạnh...).

Thaco đã xây dựng thành công một trung tâm giao nhận (logistics) hay cảng container, có thể vận chuyển hàng hóa, xuất nhập khẩu quốc tế sản lượng lớn, nhưng chưa thể kết nối liên vùng khi các tuyến giao thông 14D, 14E không đủ công năng sử dụng cho việc vận chuyển hàng hóa.

Cảng biển sẽ được nạo vét luồng lạch đầu tư xây dựng đón tàu 5 vạn tấn cập cảng làm hàng.
Cảng biển sẽ được nạo vét luồng lạch đầu tư xây dựng đón tàu 5 vạn tấn cập cảng làm hàng.

Ngày 22.9.2021, cảng biển đã được phê duyệt cảng loại I, nhưng vẫn “thất bại” khi luồng lạch không đủ độ sâu rộng để đón được tàu 5 vạn tấn cập cảng làm hàng. Quảng Nam đã mất đi cơ hội truyền thông sự kiện lớn khi xuất sơ mi rơ móc sang Mỹ qua cảng Dung Quất (chuyển 870 sơ mi rơ móc ngày 15.12.2021 và hồi đầu năm nay - ngày 7.1 với 1.050 sơ mi rơ móc).

Sân bay Chu Lai sau hơn 10 năm khai thác vẫn chỉ là cảng hàng không vận chuyển khách. Ước mơ trung tâm trung chuyển hàng hóa khu vực Bắc Á – Thái Bình Dương chưa trở thành hiện thực. Cho dù đây chính là hạt nhân để Chính phủ chọn Chu Lai làm khu kinh tế mở đầu tiên của Việt Nam.

Ông Lê Trí Thanh – Chủ tịch UBND tỉnh nói Chính phủ đã trao thẩm quyền cho địa phương, các bộ, ngành nghiên cứu, đề xuất, triển khai tuyến đường mới từ Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Nam Giang đến cảng biển Quảng Nam, xã hội hóa đầu tư sân bay Chu Lai, luồng Cửa Lở cho tàu 5 vạn tấn DWT, quy hoạch trung tâm logistics container..., mở ra cơ hội cho địa phương thực hiện chiến lược phát triển. Hạ tầng chiến lược này Quảng Nam đã từng kiến nghị đầu tư, nhưng thiếu cơ chế, chính sách, nguồn lực nên nhiều năm qua không thể thực hiện được.

Chờ hiện thực hóa

Xin cơ chế, không xin tiền, nhưng sẽ tìm đâu nhà đầu tư thực hiện các dự án này? Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đang đầu tư bằng ngân sách tại cảng hàng không Chu Lai thì làm sao có thể xã hội hóa đầu tư? Ông Lê Trí Thanh nói sẽ đánh giá lại toàn bộ tài sản đầu tư của ACV, chốt lại đấu giá, giành quyền cho tư nhân đầu tư sân bay này.

Sẽ xã hội hóa đầu tư sân bay Chu Lai thành một trung tâm trung chuyển hàng hóa và sửa chữa máy bay các loại.
Sẽ xã hội hóa đầu tư sân bay Chu Lai thành một trung tâm trung chuyển hàng hóa và sửa chữa máy bay các loại.

Rất khó đoán định những nhà đầu tư như Công ty Parsons Brinckerhoff (Hoa Kỳ) tại Việt Nam, Thiên Tân Group - Quảng Ngãi, Tập đoàn JK & D International, Ltd (Hoa Kỳ), liên danh Tư vấn Tedi (Việt Nam) và OCG (Nhật Bản), Vietjet Air… đã từng đề xuất tìm nguồn đầu tư, nâng cấp mở rộng sân bay quốc tế Chu Lai có trở lại tìm cơ hội nghiên cứu đầu tư hay không?

Ai sẽ đổ tiền vào đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để chiếm thế thượng phong trong việc cạnh tranh quyền quản lý và sử dụng kho bãi của trung tâm vận chuyển hàng hóa quốc tế khu vực Bắc Á – Thái Bình Dương – một cửa ngõ xuất khẩu của cả Đông Nam Á? Nếu sân bay Chu Lai có thể chưa có hay khó có nhà đầu tư thu xếp dự án trong hiện tại thì các hạ tầng chiến lược khác như luồng lạch, cảng biển, tuyến quốc lộ 14D, 14E đã có sẵn nhà đầu tư.

Ở một diễn biến liên quan, tuyến quốc lộ 14E (89km) đã chính thức được Ban Quản lý dự án 4 (thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam) hoàn chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi trình Bộ GTVT phê duyệt. Tổng kinh phí cho dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ này khoảng 1.850 tỷ đồng, sẽ chính thức khởi công năm 2023, có thể hoàn thành vào năm 2024.

Mới đây, ngày 6.6.2022, Văn phòng Chính phủ đã phát đi thông báo của Thủ tướng Chính phủ về thống nhất chủ trương nghiên cứu đầu tư hai tuyến đường: tuyến đường mới từ Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Nam Giang đến cảng biển Quảng Nam và tuyến cao tốc kết nối Kon Tum với Quảng Nam.

Thaco đảm nhận cả hai tuyến này, kể cả mở rộng luồng Cửa Lở, xây dựng cảng 5 vạn tấn. Ông Trần Bá Dương – Chủ tịch HĐQT Thaco cho hay tập đoàn này đã khảo sát sơ bộ về hướng tuyến và phương án đầu tư. Sẽ sẵn sàng bỏ vốn đầu tư hai tuyến đường này trong năm 2024, hoàn thành vào năm 2025.

Tuyến quốc lộ 14D hiện tại chưa đáp ứng nhu cầu kết nối giao thương liên vùng. Ảnh: T.D
Tuyến quốc lộ 14D hiện tại chưa đáp ứng nhu cầu kết nối giao thương liên vùng. Ảnh: T.D

Một thông tin đáng chú ý là Thaco đã tái khởi động các gói thầu dự án mở rộng, đầu tư xây dựng bến cảng 5 vạn tấn, xây dựng nhà ở công nhân và tái định cư cho người dân vùng triển khai các dự án mới tại Khu kinh tế mở Chu Lai (đã khởi công ngày 24.3.2019).

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, chính quyền đã giao cho các sở, ban, ngành liên quan phối hợp với các bộ, ngành trung ương chủ động xây dựng các đề án, dự án, từ hiện trạng sử dụng đất, thủ tục giao, thuê đất phát triển cảng hàng không, kết nối hạ tầng giao thông với Khu phi thuế quan Tam Quang.

Hướng dẫn pháp lý cho Thaco đôn đốc tư vấn hoàn chỉnh các nội dung liên quan đến đề xuất dự án đầu tư luồng Cửa Lở cho tàu 5 vạn tấn, xác định vị trí, diện tích khu vực hậu cần cảng phục vụ xây dựng trung tâm logistics container, tương ứng với quy mô, công suất của cảng, đảm bảo theo tiêu chuẩn cảng loại I, trình cấp thẩm quyền phê duyệt.

Thaco sẽ chủ động đề xuất phương án đầu tư 2 tuyến đường theo hình thức PPP, sau khi phương án tuyến (thẳng, ngắn nhất có thể, hạn chế tối đa việc sử dụng đất rừng tự nhiên, rừng đặc dụng) được thống nhất. Dự kiến trong năm 2023, cơ bản các dự án khả thi sẽ được trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Cảng biển, sân bay, tuyến giao thông kết nối liên vùng Tây Nguyên, Lào, Campuchia, hai miền Nam – Bắc..., mở cửa ngõ ra Biển Đông hay bầu trời của vùng Đông Bắc Á được đầu tư, sẽ mở ra sinh lộ mới không chỉ cho Quảng Nam mà cả miền Trung.

TRỊNH DŨNG