Tam Kỳ tạo đột phá về hạ tầng đô thị

XUÂN PHÚ 19/06/2022 04:51

TP.Tam Kỳ đang tập trung nhiều nguồn lực để xây dựng đô thị loại 1. Vượt qua nhiều khó khăn trong quá trình phát triển 25 năm qua, thành phố tự tin hiện thực hóa mục tiêu này.

Đô thị Tam Kỳ nhìn từ trên cao. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Đô thị Tam Kỳ nhìn từ trên cao. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Đô thị trở mình

Năm 1997 tỉnh Quảng Nam tái lập, thị xã Tam Kỳ trở thành tỉnh lỵ. Khi chia tay Đà Nẵng vào Tam Kỳ công tác và sinh sống, nhiều người không khỏi chạnh lòng trước sự “hoang sơ” của nơi này.

Còn nhớ hồi đó có câu thơ nhại Chinh phụ ngâm mà không ít người lúc trà dư tửu hậu thường cảm thán: “Đường Đà thành lung linh ánh điện/ Đường Tam Kỳ mờ mịt cát bay”.

Khoác trên mình “danh xưng” thị xã tỉnh lỵ, song kết cấu hạ tầng đô thị Tam Kỳ lúc ấy gần như là con số không. Ngó tới ngó lui chẳng có gì ngoài con đường Phan Châu Trinh - cũng là tuyến quốc lộ 1 chạy vắt theo chiều dài thị xã.

Ngoài ra, còn có thể kể đến hai tuyến phố cụt Trần Cao Vân, Huỳnh Thúc Kháng cùng duy nhất ngã ba Nam Ngãi (nay là ngã tư Phan Châu Trinh - Trần Cao Vân). Ngay trung tâm nội thị nhưng nhà cửa thưa thớt, ruộng xen lẫn trong phố.

Nhưng nhờ lợi thế vị trí, vai trò trung tâm tỉnh lỵ, Tam Kỳ bắt đầu được quy hoạch và đầu tư. Chỉ 7 năm kể từ khi tái lập tỉnh, thị xã Tam Kỳ đã sở hữu hệ thống hạ tầng phát triển, đáp ứng các tiêu chí để được công nhận đô thị loại 3.

Năm 2006, bước ngoặt lịch sử mở ra khi Tam Kỳ “lên đời” thành phố. Cũng nhanh chóng như lộ trình trước đó, tròn 10 năm công nhận thành phố, Tam Kỳ tiếp tục được nâng cấp, trở thành đô thị loại 2 vào năm 2016.

Từ đó đến nay, Tam Kỳ vừa tiếp tục tập trung nhiều nguồn lực đầu tư, vừa vận động người dân thực hiện nếp sống văn minh đô thị nhằm hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại 2.

Nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản trong giai đoạn 2016 - 2020 hơn 1.600 tỷ đồng, xây dựng hơn 100 công trình giao thông, khu dân cư, tái định cư..., đặc biệt là các dự án phát triển đô thị.

Bước vào giai đoạn 2021 - 2025, Tam Kỳ quyết tâm tạo bước đột phá khi xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn với tổng nguồn vốn lên đến hơn 3.500 tỷ đồng cho hàng loạt dự án hạ tầng đô thị quy mô lớn. Từ một thị xã nghèo năm 1997, sau 25 năm, đô thị Tam Kỳ trở mình mạnh mẽ, đang trên đường hướng đến đô thị xanh, thông minh.

Huy động nguồn lực

Một trong những bài toán nan giải đối với Tam Kỳ là nguồn lực đầu tư hạn chế. Để giải quyết vấn đề này, theo ông Bùi Ngọc Ảnh - Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ, thành phố tập trung huy động nguồn lực tổng hợp, bao gồm nguồn vốn từ ngân sách và ngoài ngân sách; trong đó nguồn vốn ngoài ngân sách dự kiến trên 70% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Vì vậy, giải pháp huy động nguồn vốn từ xúc tiến thu hút đầu tư được đặc biệt quan tâm.

Ngã tư Phan Châu Trinh - Nguyễn Tất Thành vừa được cải tạo, lắp đèn tín hiệu giao thông. Ảnh: X.P
Ngã tư Phan Châu Trinh - Nguyễn Tất Thành vừa được cải tạo, lắp đèn tín hiệu giao thông. Ảnh: X.P

“Đối với các khu, cụm công nghiệp, địa phương phối hợp với các ngành của tỉnh thu hút, lựa chọn nhà đầu tư có năng lực, tiềm lực mạnh. Thành phố cũng đề xuất UBND tỉnh danh mục dự án động lực ưu tiên thu hút đầu tư giai đoạn 2022 - 2025 với tổng cộng 25 dự án ở các lĩnh vực nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, dự án thương mại - dịch vụ và dự án lĩnh vực xã hội hóa.

Trong đó, nhiều dự án tạo động lực có quy mô lớn như khu đô thị hỗn hợp trục Nguyễn Tất Thành (quy mô gần 750ha), khu đô thị hỗn hợp phía đông thành phố (gần 900ha) hay khu đô thị nghỉ dưỡng ven sông Trường Giang, khu đô thị công nghệ ven sông Đầm (quy mô hơn 300ha)” - ông Ảnh cho biết.

Chia sẻ thêm về giải pháp huy động nguồn lực đầu tư, người đứng đầu UBND TP.Tam Kỳ nói sẽ đẩy mạnh đầu tư các dự án sử dụng nguồn ngân sách trung ương, vốn ODA để đầu tư một số dự án hạ tầng khung, dự án chống biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai trên địa bàn thành phố.

Ngân sách tỉnh ưu tiên đầu tư các dự án hạ tầng khung, các dự án có tính chất động lực, dự án hạ tầng xã hội quan trọng nhằm tạo sự đột phá trong phát triển kết cấu hạ tầng, đảm bảo cơ bản đáp ứng các tiêu chí của đô thị loại 1.

Đối với cơ chế ngân sách, phân bổ tập trung, có mục tiêu tiền giao đất có thu tiền sử dụng đất phát sinh trên địa bàn thành phố; hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách tỉnh tối thiểu 100 tỷ đồng/năm để thành phố đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trên địa bàn và tăng dần tỷ lệ 10% trong mỗi năm giai đoạn 2021 - 2030. Thành phố đề xuất tỉnh bổ sung tối thiểu 120 tỷ đồng/năm đối với nguồn kiến thiết thị chính và 20 tỷ đồng/năm đối với công tác vệ sinh môi trường.

“Tỉnh ủy đã thống nhất chủ trương về xây dựng cơ chế chính sách đặc thù đủ mạnh để xây dựng và phát triển đô thị loại 1. Thành phố cũng đang tích cực phối hợp Sở Xây dựng và các sở, ngành liên quan của tỉnh tham mưu UBND tỉnh đề án quy định về cơ chế chính sách đặc thù xây dựng và phát triển đô thị loại 1 để trình HĐND tỉnh quyết định dự kiến trong tháng 9.2022.

Trong đó, đề xuất những cơ chế, chính sách đặc thù trên các lĩnh vực quy hoạch, đầu tư hạ tầng, cơ chế tài chính, cơ chế đầu tư, tổ chức bộ máy” - ông Ảnh nói thêm.

Tập trung phát triển kết cấu hạ tầng đô thị 

Nghị quyết 08 của Tỉnh ủy xác định xây dựng và phát triển, mở rộng không gian đô thị Tam Kỳ, lấy hạt nhân là đô thị tỉnh lỵ, phát triển mở rộng không gian đô thị về phía nam và phía tây, nhằm đáp ứng tiêu chí đô thị loại 1 và đủ sức trở thành vùng động lực trong phát triển của tỉnh và khu vực.

Đô thị Tam Kỳ được xác định trở thành đô thị loại 1 theo hướng xanh, thông minh. Ảnh: X.P
Đô thị Tam Kỳ được xác định trở thành đô thị loại 1 theo hướng xanh, thông minh. Ảnh: X.P

Phát triển thành phố theo hướng đô thị đặc thù, với nền tảng xanh - văn hóa lịch sử - thông minh. Mục tiêu xây dựng Tam Kỳ cơ bản đạt tiêu chí của đô thị loại 1 vào năm 2025 và đạt tiêu chí đô thị loại 2 vào năm 2030; trở thành đô thị trung tâm tổng hợp của tỉnh, đóng vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của một vùng liên tỉnh. Mở rộng không gian nội thị của đô thị, với khả năng quy nạp 170.000 dân.

Xuyên suốt trong nhiều năm qua, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đô thị được Đảng bộ TP.Tam Kỳ xác định là nhiệm vụ đột phá nhằm tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.

Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ - ông Bùi Ngọc Ảnh cho biết, sau khi Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 08 (4.5.2021) về xây dựng và phát triển đô thị loại 1, Thành ủy Tam Kỳ có Nghị quyết số 06 về giải pháp xây dựng và phát triển đô thị loại 1 giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030. Theo đó, trong số 4 nhóm giải pháp, nhóm giải pháp về các dự án quy hoạch, đầu tư và huy động nguồn lực rất quan trọng.

“Thành phố xác định cụ thể danh mục các dự án phục vụ mục tiêu kết nối liên vùng với các địa phương lân cận Núi Thành, Tiên Phước, Phú Ninh, Thăng Bình; các dự án phục vụ mục tiêu xây dựng đô thị xanh, nâng cao chất lượng hạ tầng đô thị, văn minh đô thị; các dự án động lực, khu chức năng thu hút dân cư, lao động” - ông Ảnh nói.

XUÂN PHÚ