Đưa vào sử dụng cầu Hội Khách - Tân Đợi: Nối đôi bờ vui

CÔNG TÚ 20/05/2022 07:54

Dự án cầu Hội Khách - Tân Đợi (xã Đại Sơn, Đại Lộc) đã hoàn thành và đưa sử dụng. Nhịp cầu nối đôi bờ sông Vu Gia này là công trình đầy ý nghĩa, thỏa lòng mong chờ bấy lâu nay của nhân dân Đại Lộc.

Cây cầu Hội Khách - Tân Đợi nối liền đôi bờ sông Vu Gia đã hoàn thành. Ảnh: C.T
Cây cầu Hội Khách - Tân Đợi nối liền đôi bờ sông Vu Gia đã hoàn thành. Ảnh: C.T

Đôi bờ cách xa

Sông Vu Gia chảy qua địa bàn Đại Sơn, chia cắt xã miền núi này thành 2 khu vực. Khu vực bờ trái là nơi đặt trung tâm hành chính xã, có tuyến đường ĐH12.ĐL kết nối với tuyến ĐT609 tại Hà Tân (xã Đại Lãnh), trở về trung tâm huyện Đại Lộc và đi Đà Nẵng thông qua tuyến quốc lộ 14B tại địa phận xã Đại Đồng.

Ở khu vực bờ phải, Đại Sơn có tuyến đường xã dài khoảng 1,5km, bề mặt rộng 3,5m kết nối với quốc lộ 14B về trung tâm huyện và đi Đà Nẵng. Trước đây giữa hai khu vực bờ trái và bờ phải chưa có cầu, người dân muốn qua lại phải sử dụng đò ngang.

Tổng chiều dài cầu và đường dẫn 2.372m; trong đó cầu dài 369,7m, khổ cầu rộng 8m (7m phần xe chạy, gờ lan can mỗi bên rộng 0,5m). Đường dẫn có mặt cắt ngang rộng 7,5m (bề mặt rộng 5,5m và lề gia cố có kết cấu giống mặt đường rộng mỗi bên 1m). Nhà thầu thi công là liên danh Công ty TNHH Xây dựng Thái Dương và Công ty TNHH Dịch vụ xây dựng Minh Khang; nhà thầu thiết kế Công ty CP Tư vấn xây dựng Trí Thành; nhà thầu tư vấn giám sát Công ty CP Tư vấn và xây dựng Bách Khoa. Theo hợp đồng, ngày 30.1.2023 công trình phải hoàn thành. Nhưng đến nay, dự án đã về đích, vượt tiến độ hơn 8 tháng.

Bà Hứa Thị Tươi (trú thôn Hội Khách Tây, xã Đại Sơn) cho biết, toàn bộ diện tích ruộng, đất hoa màu của người dân nơi đây đều nằm phía bên bờ phải (phía quốc lộ 14B), nên hằng ngày họ phải đi đò qua bên này sản xuất.

Công nhân đi làm tại thị trấn Thạnh Mỹ (huyện Nam Giang) cũng sử dụng đò ngang, nếu không muốn chạy vòng đường bộ xa mấy chục cây số. Còn phía bờ phải, người dân ở thôn Tân Đợi đi tới Trạm Y tế Đại Sơn, hoặc về giao dịch tại trung tâm hành chính xã cũng phải đi đò...

Tuy nhiên, bến đò ngang mà mỗi ngày có hàng trăm lượt người qua lại nằm tại khu vực hạ lưu hệ thống bậc thang thủy điện Sông Bung (6 thủy điện) và thủy điện sông A Vương.

Khoảng cách từ bến đò bên Tân Đợi đến đập thủy điện gần nhất (sông Bung 6) là 17km. Buổi chiều, thủy điện hoạt động nên nước sông tại khu vực này chảy rất mạnh. Vào mùa mưa, nguy cơ mất an toàn giao thông rất cao, đặc biệt là khi có lũ lớn kết hợp với sự xả lũ đồng loạt của thủy điện.

Nối nhịp cầu vui

Theo ông Lê Văn Quang - Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, nhiều năm qua, cử tri vùng A nói chung, xã Đại Sơn nói riêng kiến nghị về tình trạng giao thông cách trở gây kìm hãm phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, ảnh hưởng công tác cứu hộ, cứu nạn.

Tại các cuộc tiếp xúc với đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp, người dân bày tỏ mong muốn Nhà nước xây cầu bắc qua sông Vu Gia, nối liền hai khu vực của xã Đại Sơn.

Được sự quan tâm hỗ trợ của tỉnh, ngày 8.7.2020, dự án cầu Hội Khách - Tân Đợi chính thức khởi công. Tổng mức đầu tư công trình 140 tỷ đồng; trong đó ngân sách tỉnh 98 tỷ đồng, ngân sách huyện bố trí thực hiện giải phóng mặt bằng và đầu tư phần còn lại của dự án.

Ảnh: C.T
Ảnh: C.T

Cầu Hội Khách - Tân Đợi góp phần hình thành trục giao thông liên vùng, thông suốt từ quốc lộ 14B đến ĐT609, lên đường Hồ Chí Minh đến các tỉnh Tây Nguyên, phục vụ lưu thông hàng hóa quy mô lớn. Công trình còn tạo động lực phát triển kinh tế vùng tây Đại Lộc, nhất là lâm nghiệp, du lịch sinh thái; đảm bảo an ninh - quốc phòng.

“Chúng tôi xin cảm ơn sự quan tâm hỗ trợ rất lớn của tỉnh, sự vào cuộc đầy trách nhiệm của địa phương sở tại, nỗ lực thi công của nhà thầu, đặc biệt là sự đồng lòng trong giải phóng mặt bằng của nhân dân bị ảnh hưởng” - ông Lê Văn Quang nói.

Giám đốc Ban Quản lý dự án và trật tự xây dựng huyện Đại Lộc - ông Lê Phước Huyền cho biết, công trình được triển khai đúng thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát kéo dài đã ảnh hưởng đến việc huy động nhân lực, máy móc, thiết bị và cung ứng vật tư đến công trường của nhà thầu.

Chưa kể, các đợt mưa lũ năm 2020 và 2021 đã làm cuốn trôi đường công vụ, cầu tạm. Nhưng đơn vị thi công, đơn vị tư vấn, giám sát đã nỗ lực khắc phục khó khăn, hoàn thành xong phần thượng bộ, lao dầm trước mùa mưa lũ năm 2021. Do đó, công trình thi công vượt tiến độ đề ra theo hợp đồng hơn 8 tháng.

Nhìn cây cầu vững chãi, bà Hứa Thị Tươi phấn khởi nói: “Chúng tôi rất vui vì từ nay hết cảnh lụy đò. Công trình “nghìn năm có một” này đã thỏa lòng mong ước của nhân dân”. Bà còn cho hay, mặc dù chưa khánh thành, nhưng chủ đầu tư vừa qua đã tạo điều kiện cho người dân lưu thông trên cầu qua bờ bên kia để thu hoạch lúa, nông sản chở về. Bấy nhiêu đó cũng cho thấy, giá trị của cây cầu là không thể đong, đếm được.

CÔNG TÚ