An toàn giao thông đường sắt: Song hành tuyên truyền và tuần tra kiểm soát
Để đảm bảo an toàn giao thông đường sắt, cần song hành hai nhiệm vụ là đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm hành vi vi phạm.
Đẩy mạnh tuyên truyền
Trước năm 2010, các hoạt động tuyên truyền đảm bảo trật tự an toàn giao thông (ATGT) “nở rộ” tại địa phương có đường sắt đi qua trên địa bàn tỉnh. Điển hình ở trường học, ngành GD-ĐT đã phối hợp với Ban ATGT tỉnh, đơn vị quản lý đường sắt phát động phong trào “Em yêu đường sắt quê em”, “Thiếu nhi bảo vệ đường sắt”.
Theo đó, giáo viên và học sinh ký cam kết chấp hành quy định về ATGT đường sắt, không xả rác lên đường sắt, thi tìm hiểu các quy định của pháp luật về đường sắt, không trộm phụ kiện trên đường sắt...
Tại sân trường, các tấm pa-nô, hình ảnh tuyên truyền trực quan có liên quan để học sinh cùng hội đồng sư phạm ghi nhớ sâu nội dung được thiết lập. Từ đó, các em trở thành tuyên truyền viên tích cực để các bậc làm cha, làm mẹ và người thân gia đình làm theo.
Vào khu dân cư, các cuộc họp dân diễn ra thường xuyên lồng ghép tuyên truyền ATGT đường sắt, nhờ vậy mà tình trạng ném đá lên tàu, ăn trộm phụ kiện, thả gia súc, tự ý mở đường ngang trái phép băng qua dần được hạn chế.
Bẵng đi một thời gian, những phong trào này dần lắng xuống, vi phạm hành lang an toàn, băng qua đường sắt thiếu quan sát, công trình thu hẹp lối đi tự mở (LĐTM) bị phá dỡ diễn ra, thậm chí tái diễn nhiều lần.
Trước thực trạng trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Quang - Phó Trưởng ban ATGT tỉnh mới đây đã chỉ đạo các cơ quan thành viên, Ban ATGT các huyện, thị xã, thành phố có đường sắt đi qua đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục sâu rộng quy định của pháp luật về trật tự ATGT đường sắt; nâng cao nhận thức của toàn xã hội về tầm quan trọng của hành lang, quản lý hành lang an toàn, từ đó phòng tránh tai nạn.
Đồng thời, địa phương phải có trách nhiệm đề nghị người dân ký cam kết không lấn chiếm, hoặc tái lấn chiếm hành lang an toàn; không đặt chướng ngại vật, chăn thả gia súc, phơi nông sản trên đường sắt; không trộm cắp vật tư phụ kiện; mở đường ngang trái phép băng qua đường sắt. Đáng chú ý, Sở GD-ĐT phải chủ trì, phối hợp thực hiện các phong trào “Em yêu đường sắt quê em”, “Thiếu nhi bảo vệ đường sắt”...
Tăng cường xử lý vi phạm
Công ty CP Đường sắt Quảng Nam - Đà Nẵng (đơn vị quản lý đường sắt qua Quảng Nam) cho biết đã kiểm tra, phát hiện nhiều trường hợp xây dựng công trình vi phạm hành lang an toàn, tháo dỡ rào chắn thu hẹp tại LĐTM và kịp thời báo cáo chính quyền địa phương, cùng các cơ quan chức năng phối hợp giải quyết theo quy định của pháp luật.
Đơn cử, trong năm 2021 và 4 tháng đầu năm 2022, công ty phát hiện 12 vụ vi phạm hành lang an toàn, ngoài ra còn phát sinh mới 2 LĐTM. Hai LĐTM nêu trên thuộc thị trấn Núi Thành (Núi Thành). Trong 12 vụ vi phạm hành lang an toàn thì huyện Núi Thành chiếm tới 11 trường hợp. Tuy nhiên, việc xử lý triệt để trường hợp vi phạm chưa được địa phương thực hiện triệt để, dẫn tới tồn tại kéo dài.
Ông Trần Minh Nghĩa - Giám đốc Công ty CP Đường sắt Quảng Nam - Đà Nẵng chia sẻ, một số vị trí giữa các LĐTM qua địa bàn huyện Núi Thành đã xây dựng được đường gom. Vì vậy, đơn vị này đề nghị thực hiện xóa bỏ, nhằm giảm LĐTM tại các lý trình đường sắt km886+720, km888+080, km889+050.
Qua kiểm tra liên ngành đường ngang năm 2022, công ty tiếp tục đề nghị địa phương tổ chức chốt gác theo Quy chế phối hợp giữa UBND tỉnh Quảng Nam và Bộ GTVT tại 3 LĐTM.
Cụ thể, lý trình kmm845+875 thuộc địa phận xã Bình Chánh (trong khi chờ thành lập đường ngang) và km849+800 qua xã Bình An của huyện Thăng Bình; km872+280 trên địa bàn xã Tam Xuân 2 của huyện Núi Thành.
Đáng quan tâm, quyết định thành lập thành đường ngang ở lý trình km845+875 đã ban hành, do đó, đơn vị quản lý đường sắt kiến nghị UBND huyện Thăng Bình sớm triển khai xây dựng sẽ xóa được LĐTM nguy cơ tai nạn giao thông cao tồn tại dai dẳng.
Để người dân, kể cả tổ chức nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ công trình đường sắt và đảm bảo ATGT đường sắt, chính quyền địa phương, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt Công an tỉnh và công an cấp huyện có đường sắt đi qua cần tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm hành lang an toàn, đường ngang giao cắt với đường sắt, đặc biệt là đường ngang không có gác.
Có như vậy mới mang tính răn đe, nâng cao ý thức chấp hành của người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, góp phần ngăn ngừa và giảm thiểu tai nạn giao thông tại đường ngang. Cùng với đó, việc giải tỏa tầm nhìn chạy tàu, đóng thu hẹp LĐTM cấn thiết phải tiếp tục thực hiện.
Công ty CP Đường sắt Quảng Nam - Đà Nẵng cũng kiến nghị cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí cho Tổ công tác liên ngành cấp tỉnh thực hiện Quyết định 358/QĐ-TTg ngày 10.3.2020 của Thủ tướng Chính phủ nhằm sớm chỉ đạo triển khai rà soát chi tiết vị trí vi phạm hành lang ATGT đường sắt để tiến hành giải tỏa, cắm mốc chỉ giới theo lộ trình quy định.