Tập trung gỡ vướng đất thổ cư
Có đến hơn 148.000 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp, ghi gộp đất ở và đất vườn thành “đất thổ cư” (ký hiệu chữ T), không tách riêng diện tích đất ở, là nguồn cơn của hàng loạt vướng mắc dẫn đến khiếu kiện, khiếu nại trên địa bàn tỉnh.
Hạn định đã được UBND tỉnh đặt ra, yêu cầu các địa phương phải tích cực rà soát, tổng hợp, làm cơ sở để Sở TN-MT tổng hợp, báo cáo tham mưu UBND chỉ đạo giải quyết các vướng mắc liên quan đến “đất chữ T”.
Yêu cầu chủ động rà soát
Theo báo cáo của Sở TN-MT, hiện nay có hơn 148.000 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) được cấp ghi mục đích sử dụng đất “thổ cư” tại 13 huyện, thị xã, thành phố (trừ Nam Giang, Đông Giang, Tây Giang, Phước Sơn, Nam Trà My).
Sở TN-MT đã yêu cầu các địa phương khẩn trương chỉ đạo các phòng, ban liên quan thực hiện nghiêm túc việc rà soát, giải quyết tồn tại trong việc cấp GCNQSDĐ thổ cư, trong đó chủ động rà soát các trường hợp đã được UBND các huyện, thị xã, thành phố cấp GCNQSDĐ ghi mục đích sử dụng là đất “thổ cư” hoặc “đất ở + vườn”, “đất ở + vườn tạp”; xác định rõ số lượng GCNQSDĐ đã cấp, các trường hợp đã thực hiện quyền như chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế…
Cùng với đó, rà soát các trường hợp đã được cấp đổi GCNQSDĐ và xác định lại diện tích đất ở theo hạn mức quy định của UBND tỉnh; thống kê các vụ kiện hành chính liên quan đến việc xác định lại diện tích đất ở trên địa bàn và kết quả thi hành án.
Ông Trần Trung Hậu - Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ thông tin, trên địa bàn thành phố hiện có 4.407 GCNQSDĐ ghi đất thổ cư. Trong số đó, đã thực hiện quyền tặng cho, chuyển nhượng 42 GCNQSDĐ và đã thực hiện cấp đổi xong 520 giấy, ghi đúng hạn mức đất ở theo quy định.
“Tình hình liên quan đến đất thổ cư không quá phức tạp, do quan điểm chỉ đạo chung từ thành phố đến các xã, phường đều thống nhất không công nhận toàn bộ số diện tích ghi trong các giấy chứng nhận này là đất ở mà phải thực hiện theo hạn mức quy định. Địa phương đang tiếp tục tuyên truyền ở các địa bàn, cộng đồng dân cư, thực hiện cấp đổi ghi đúng hạn mức” - ông Hậu thông tin.
Thăng Bình là địa phương có số lượng GCNQSDĐ ghi “đất chữ T” tương đối lớn với khoảng 25.000 GCNQSDĐ đã được cấp. Địa phương đã thực hiện cấp đổi hơn 5.700 GCNQSDĐ và đang tiếp tục tổng hợp, cấp đổi lại theo đúng quy định.
Bà Phan Thị Nhi - Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình cho hay, dù có số lượng GCNQSDĐ ghi “đất chữ T” tương đối lớn, song việc khiếu kiện liên quan vấn đề này không quá phức tạp, mới chỉ có một vụ án hành chính đã được TAND tỉnh giải quyết vào tháng 12.2020.
“Đề nghị Sở TN-MT chỉ đạo Văn phòng Đăng ký đất đai huyện tiếp tục rà soát tổng hợp trường hợp đã được cấp đổi cũng như việc thực hiện quyền của người sử dụng đất; đồng thời có hướng dẫn, chỉ đạo cụ thể để địa phương tiếp tục thực hiện đảm bảo quy định của pháp luật” - bà Nhi kiến nghị.
Nhiều địa phương chậm trễ
Tại cuộc họp trực tuyến báo cáo tình hình thực hiện rà soát, giải quyết tồn tại trong việc cấp GCNQSD ghi “đất chữ T” vừa được UBND tỉnh tổ chức, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân phê bình nhiều địa phương về việc chậm tổ chức rà soát, chưa có báo cáo về nội dung trên.
Ngày 15.6 sắp tới là hạn định đặt ra để các địa phương này phải báo cáo, rà soát cụ thể, đầy đủ cho Sở TN-MT để tổng hợp, hướng dẫn giải quyết các nội dung còn vướng mắc và tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện. Địa phương nào tiếp tục chậm trễ, người đứng đầu UBND địa phương đó phải chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh.
Ông Trần Văn Tân cho hay vẫn còn nhiều tồn tại, vướng mắc liên quan về đất thổ cư, trong đó có nhiều trường hợp cấp GCNQSDĐ chưa đúng với quy định về Luật Đất đai qua các thời kỳ. Để xử lý dứt điểm vấn đề này theo kiến nghị của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, ông Tân yêu cầu đối với các trường hợp đã thực hiện quyền đối với toàn bộ thửa đất thì không xem xét, công nhận lại.
“Riêng các thửa đất đã thực hiện quyền một phần thửa đất thì đối với diện tích còn lại tại giấy chứng nhận gốc, sẽ xem xét công nhận lại theo quy định. Đối với các trường hợp chưa thực hiện quyền của người sử dụng đất, UBND tỉnh chỉ đạo xem xét công nhận lại diện tích đất ở theo đúng quy định của Luật Đất đai năm 2013.
Trường hợp có nội dung vướng mắc khác, UBND các huyện, thị xã, thành phố kịp thời báo cáo và đề nghị cụ thể, gửi Sở TN-MT để tổng hợp, nghiên cứu, có văn bản hướng dẫn các địa phương thực hiện” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân nói.