Đông Giang đột phá đầu tư kết cấu hạ tầng

CÔNG TÚ 28/04/2022 09:46

Huyện Đông Giang đã và đang tập trung đầu tư cho khâu đột phá phát triển kết cấu hạ tầng. Tuy nhiên, việc huy động nguồn lực để triển khai theo hoạch định sẽ không đơn giản.

Dự án đường nội thị phía tây thị trấn P’rao đang được triển khai thi công. Ảnh: C.T
Dự án đường nội thị phía tây thị trấn P’rao đang được triển khai thi công. Ảnh: C.T

Tập trung cho giao thông

Ròng rã nhiều năm, người dân ở thôn Ka Đắp (xã A Rooi) phải đi vòng trên đường Hồ Chí Minh qua thị trấn P’rao, xã Zà Hung xa tới 10km rồi mới về được trung tâm hành chính xã A Rooi để giao dịch. Bởi lẽ, Ka Đắp không có đường bộ trực tiếp đến trung tâm của xã. Hiện nay, Đông Giang đang triển khai xây dựng đường nội thị phía tây thị trấn P’rao sẽ tháo gỡ được “điểm nghẽn” vừa nêu.

Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng - phát triển quỹ đất huyện Đông Giang - ông Hồ Hiệp cho hay, công trình này có điểm đầu tại lý trình km444+889, đường Hồ Chí Minh ở phía bờ tây sông A Vương thuộc P’rao, đến tận thôn A Dung (xã A Rooi) dài 7,3km với tổng mức đầu tư 170 tỷ đồng (ngân sách tỉnh 162 tỷ đồng).

Cung đường hoàn thành sẽ rút ngắn cự ly di chuyển từ Ka Đắp về trung tâm A Rooi xuống còn khoảng 3km; thuận lợi cho nhân dân ven tuyến khai phá tiềm năng nông - lâm nghiệp, là điều kiện mở rộng đô thị P’rao, sắp xếp dân cư về phía tây sông A Vương.

Vào năm 2021, đường giao thông P’rao - Tà Lu - Zà Hung với chiều dài 6,7km đã đưa vào sử dụng. Cùng với đó, hàng chục cây số giao thông nông thôn, đường huyện được tiếp tục kiên cố hóa, kết nối liên hoàn giữa thôn với thôn, giữa xã với xã đã giải bài toán lưu thông, mở cơ hội thoát nghèo cho đồng bào vùng cao.

Đáng chú ý, dự án nâng cấp, mở rộng tuyến ĐT609, đoạn xã Kà Dăng - A Sờ (xã Mà Cooih) do tỉnh làm chủ đầu tư được hoàn thành, tạo thuận lợi đi lại từ đường Hồ Chí Minh, qua các khu dân cư, vùng sản xuất, đến Khu du lịch sinh thái Cổng trời Đông Giang.

Năm 2022, tỉnh tiếp tục cho nâng cấp, mở rộng tuyến ĐT609, đoạn An Điềm - Kà Dăng vốn xuống cấp nặng nề, bị sạt lở nền gây cắt đường vào mùa mưa bão. Công trình hoàn thành tạo thuận lợi cho người dân lưu thông theo hướng từ Đà Nẵng, vùng đông Quảng Nam lên Đại Lộc, Đông Giang và ngược lại; góp phần thu hút du khách đặt chân tham quan tại Khu du lịch sinh thái Cổng trời Đông Giang (khai trương vào ngày 29.4 tới).

Chủ tịch UBND huyện Đông Giang - ông A Vô Tô Phương nói, hệ thống đường dân sinh đi vào các khu vực sản xuất ở Đông Giang mới chỉ là đường mòn, đi lại rất khó khăn. Vì vậy, địa phương kiến nghị tỉnh có đề án riêng để bố trí kinh phí đầu tư cho Đông Giang nói riêng, các huyện miền núi nói chung nhằm tạo điều kiện cho nhân dân đi lại sản xuất thuận lợi, nâng cao giá trị sản phẩm làm ra, góp phần giảm nghèo bền vững.

Cần sự trợ lực

Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang - ông Hồ Quang Minh cho hay, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIX (nhiệm kỳ 2020 - 2025), năm 2021 địa phương đã huy động nguồn lực hơn 190 tỷ đồng để đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng với khoảng 115 công trình.

Ngoài giao thông, Đông Giang còn đầu tư các công trình cơ bản khác như sửa chữa, xây dựng mới phòng, lớp học; cải tạo, nâng cấp nhà máy nước P’rao. Huyện tiếp tục triển khai khu liên hợp thể dục thể thao; cụm công nghiệp thôn Bốn (xã Ba); công trình tái định cư khẩn cấp tại thôn Bến Hiên (xã Kà Dăng)...

Năm 2014 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1625/QĐ-TTg phê duyệt đề án kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2014 - 2015 và lộ trình đến năm 2020. Nhờ vậy, cơ sở vật chất trường lớp, nhà công vụ cho giáo viên trên địa bàn được đầu tư, một số trường đáp ứng tiêu chí đạt chuẩn quốc gia.

Tuy nhiên, địa phương vẫn còn nhiều trường của 3 cấp học mầm non, tiểu học, THCS không đảm bảo trường chuẩn theo quy định (mới 10/26 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1), ngược lại nguồn lực của Đông Giang đang rất khó khăn. Tại cuộc tiếp xúc giữa cử tri với Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh vào ngày 19.4 vừa qua, huyện kiến nghị Chính phủ tiếp tục kéo dài đề án này cho giai đoạn hiện nay.

Ông A Vô Tô Phương cho hay, HĐND, UBND tỉnh luôn quan tâm hỗ trợ nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng. Đơn cử, dự án đường nội thị phía đông kết hợp hạ cos nền tránh nguy cơ sạt lở đồi Kiểm Lâm vào khu dân cư thị trấn P’rao với số vốn 249 tỷ đồng (ngân sách tỉnh là 224 tỷ đồng) đã được HĐND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư. Công trình này sẽ đảm bảo an toàn cho hàng trăm hộ dân sinh sống ven đồi Kiểm Lâm; tạo điều kiện mở rộng đô thị P’rao, xây dựng khu dân cư mới.

Ngoài ra, Đông Giang và nhiều địa phương miền núi vốn địa hình đồi dốc lớn, việc bố trí dân cư xen ghép cho hộ có nguy cơ sạt lở khó tiến hành. Bởi vì, khu dân cư hiện hữu bám theo đồi dốc, nhà cửa san sát không còn chỗ xen ghép. Do đó, tỉnh xem xét, có cơ chế hỗ trợ xây dựng khu tái định cư tập trung để đảm bảo an toàn, vừa đáp ứng hạ tầng, ổn định đời sống lâu dài cho nhân dân.

Về phần mình, Đông Giang đã xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, ưu tiên công trình có tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội. Đông Giang cũng đã xây dựng danh mục đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, trình các sở, ngành cho ý kiến, tham mưu bố trí vốn. Trước mắt, huyện chỉ đạo các ngành thiết lập dự án ban đầu, để một khi nguồn lực được phân bổ sẽ chủ động vào cuộc.

CÔNG TÚ