Đầu tư phát triển hạ tầng giao thông ở Hiệp Đức: Động lực phát triển

VINH ANH - HỒ QUÂN 22/04/2022 11:47

Hiệp Đức sau 50 năm giải phóng, xây dựng và phát triển đã thay da đổi thịt từng ngày. Hệ thống kết cấu hạ tầng, nhiều công trình trọng yếu được đầu tư đã tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.

Sau hơn 2 năm xây dựng, cầu Sông Khang hoàn thành đã nối 2 bờ, tạo thuận lợi trong giao thông của người dân địa phương. Ảnh: A.Q
Sau hơn 2 năm xây dựng, cầu Sông Khang hoàn thành đã nối 2 bờ, tạo thuận lợi trong giao thông của người dân địa phương. Ảnh: A.Q

Nhịp cầu nối những bờ vui

Nhắc đến hệ thống kết cấu hạ tầng trên địa bàn huyện Hiệp Đức không thể không nói đến những cây cầu đã được đầu tư xây dựng. Tiếp theo cầu Hiệp Đức được khánh thành năm 2000, cầu Trà Linh khánh thành năm 2020, huyện Hiệp Đức chuẩn bị khánh thành cây cầu mang tên Sông Khang. Càng ý nghĩa hơn khi cây cầu này kịp hoàn thành trước thềm kỷ niệm 50 năm giải phóng Hiệp Đức.

Dẫn chúng tôi ra đứng giữa cầu chìm (ngầm) Sông Khang, ông Nguyễn Văn Bảo (64 tuổi, thôn Phú Toản, xã Thăng Phước) lộ rõ niềm phấn khởi khi hướng tầm mắt về phía thượng nguồn, nơi cách đó không xa là cây cầu Sông Khang sừng sững vừa mới hoàn thành.

Ông Bảo chia sẻ rằng không thể quên những năm tháng người dân phải dò đá, lội bộ qua sông; hay việc ông và một số hộ đứng ra làm cầu tre cho người dân đi lại, và rồi mừng rỡ khi ngầm sông Khang được xây dựng xóa bỏ sự cách trở…

Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Hiệp Đức lần thứ IX (nhiệm kỳ 2020 - 2025) xác định nhiệm vụ, giải pháp trong phát triển hạ tầng thời gian đến là: “Huy động tối đa nội lực và tích cực tranh thủ các nguồn vốn đầu tư để xây dựng kết cấu hạ tầng, gắn với làm tốt công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, giải quyết tái định cư theo quy định; trong đó, chú trọng tập trung đầu tư hệ thống hạ tầng phục vụ cho phát triển nông nghiệp chuyên canh tập trung, liên kết vùng, phát triển đô thị, du lịch, các xã vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các thôn đặc biệt khó khăn”.

Những kỷ niệm đó càng khiến ông Bảo và nhiều người dân địa phương thêm hạnh phúc khi cầu Sông Khang được xây dựng. Đó là niềm mong ước bao đời nay của người dân Quế Thọ, Bình Sơn, Thăng Phước…

Ông Bảo chia sẻ: “Trước đây ngầm sông Khang được xây dựng, tuy người dân không còn cảnh lội sông, nhưng vẫn phải chịu cảnh chia cắt mỗi khi có mưa lớn, nước lũ dâng cao. Bây giờ chẳng phải lo nữa, cầu Sông Khang đã được hoàn thành, đời sống của người dân hẳn sẽ tốt hơn nhiều”.

Công trình cầu Sông Khang và đường từ xã Quế Thọ, Bình Sơn, xã Thăng Phước (Hiệp Đức) đi huyện Tiên Phước được khởi công vào tháng 11.2019 với tổng mức đầu tư 130 tỷ đồng.

Trong đó cầu Sông Khang (chiều dài 174m, bề rộng 8m) nay đã hoàn thành và đang được cơ quan chức năng tiến hành các bước kiểm định để bàn giao. Đáp ứng niềm mong đợi của chính quyền và người dân, hơn 2 năm qua, đơn vị thi công (Công ty TNHH Xây dựng Thái Dương) đã tập trung nhân lực, vật lực thi công cầu Sông Khang.

Kỹ sư Bạch Văn Cường - nhân viên Công ty TNHH Xây dựng Thái Dương cho biết: “Cầu Sông Khang là công trình trọng điểm, có ý nghĩa quan trọng với người dân địa phương. Do đó, đội ngũ nhân viên, công nhân trên công trường luôn nỗ lực vượt khó, thường xuyên tăng ca làm việc để đẩy nhanh tiến độ thi công. Công trình được hoàn thành không chỉ là niềm vui chung của người dân địa phương mà còn là niềm hạnh phúc, tự hào của đơn vị thi công chúng tôi”.

Cầu Sông Khang nhìn từ cầu chìm (ngầm) Sông Khang. Thời điểm chụp, đơn vị chức năng đã thực hiện bước kiểm tra tải trọng cầu. Ảnh: A.Q
Cầu Sông Khang nhìn từ cầu chìm (ngầm) Sông Khang. Thời điểm chụp, đơn vị chức năng đã thực hiện bước kiểm tra tải trọng cầu. Ảnh: A.Q

Hạ tầng đi trước

Bên cạnh cầu Sông Khang, thời gian qua, UBND huyện Hiệp Đức gấp rút hoàn chỉnh thủ tục để khởi công công trình cầu Tân Bình và đường tránh quốc lộ 14E qua nội thị thị trấn Tân Bình, cùng công trình đường bao từ ngã 3 Già Bang, thị trấn Tân Bình đến trung tâm xã Quế Lưu.

Hai công trình này có tổng mức đầu tư hơn 306,7 tỷ đồng; riêng cầu Tân Bình và đường tránh quốc lộ 14E có tổng mức đầu tư 268 tỷ đồng. Đây đều là những dự án có ý nghĩa quan trọng chào mừng kỷ niệm 50 năm giải phóng Hiệp Đức và có sự tác động quan trọng đối với sự phát triển của địa phương những năm đến.

Ông Nguyễn Văn Tỉnh - Bí thư Huyện ủy Hiệp Đức cho biết, những năm qua, cơ sở hạ tầng trên địa bàn huyện được đầu tư xây dựng kiên cố, nhất là các tuyến giao thông được tập trung xây dựng giúp rút ngắn khoảng cách giữa các vùng miền, tạo thuận lợi giao lưu văn hóa, phát triển kinh tế - xã hội, mở rộng giao thương với các địa phương khác trong và ngoài tỉnh.

Ông Tỉnh tự hào nói: “Là huyện miền núi nhưng hiếm có địa phương nào được như Hiệp Đức - đường bê tông được đầu tư, kết nối đến tất cả thôn trên địa bàn”.

 Bên cạnh đó, các công trình thủy lợi, kênh mương nội đồng; trường học, y tế, trụ sở làm việc của huyện và 11/11 xã, thị trấn; các công trình văn hóa thể thao, truyền thanh - truyền hình… được đầu tư xây dựng từng bước khang trang.

Đến nay đã có 5/10 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 6 khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu được công nhận, đô thị Tân Bình, Việt An, Sông Trà được quy hoạch và đầu tư. Tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2015 - 2020 của huyện Hiệp Đức ước đạt 2.645 tỷ đồng, tăng bình quân hằng năm 33,67%.

VINH ANH - HỒ QUÂN