Bao giờ rộng mở bầu trời Chu Lai?

TRỊNH DŨNG 25/03/2022 11:14

Sau 17 năm có tên trên bản đồ hàng không dân dụng, sân bay Chu Lai vẫn chưa được đầu tư phát triển tương xứng với vị trí, tiềm năng...

 

Cửa mở còn hẹp!

Đúng 11 giờ ngày 22.3.2005, chiếc máy bay ATR 72 mang số hiệu VN 4000 của Vietnam Airlines từ TP.Hồ Chí Minh đã hạ cánh xuống sân bay Chu Lai và 40 phút sau đó lại rời Chu Lai bay thẳng về TP.Hồ Chí Minh, mở đầu khai thác chuyến bay thương mại của Cảng hàng không Chu Lai.

Năm năm sau (14 giờ ngày 2.6.2010), chuyến bay Fokker 70 mang số hiệu VN A504 của Vietnam Airlines đưa 40 hành khách từ sân bay Nội Bài (TP.Hà Nội) an toàn đáp xuống sân bay Chu Lai và 16 giờ cùng ngày, 50 hành khách khác đã từ sân bay Chu Lai ra Hà Nội.

Bầu trời Chu Lai chính thức mở về hai phía. Mỗi tuần chỉ 15 chuyến bay đi - đến sân bay này bằng máy bay ATR 72 và Fokker 70 (khoảng 50 hành khách/chuyến) đã thay bằng Airbus A320/A321 sau 10 năm khai thác.

Có đến 4 hãng (Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacific và Bamboo Airway) khai thác các đường bay này; trung bình 16 - 20 chuyến/ngày. Cảng hàng không Chu Lai nâng cấp công suất khai thác từ 1,7 - 2 triệu lượt khách/năm với hệ thống dẫn đường máy bay hạ cánh chính xác (kể cả khi thời tiết xấu).

Xây dựng sân bay Chu Lai trở thành cảng hàng không quốc tế được xác lập tại Quyết định điều chỉnh quy hoạch một số hạng mục công trình tại cảng hàng không này của Bộ Giao thông vận tải.

Theo quy hoạch, Chu Lai là sân bay quốc tế cấp 4E và sân bay quân sự cấp I vào năm 2030 với công suất 5 triệu lượt hành khách và 1,5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Năm 2050 sẽ thành cấp 4F, công suất 40 triệu lượt khách/năm.

Theo ông Lê Minh Triều - Giám đốc Cảng hàng không Chu Lai, một khi được nâng cấp, sân bay này sẽ đón được các loại máy bay thân rộng như Airbus A380 hay Boeing 747-8.

Theo nhiều phân tích, với diện tích hiện có, sân bay Chu Lai sẽ vận hành dịch vụ liên tục 24/24 giờ, có thể tiếp nhận bất kỳ loại máy bay nào. Hiệu quả của Chu Lai sẽ được phát huy khi cảng hàng không này trở thành một trung tâm vận chuyển hàng hóa quốc tế của khu vực Bắc Á - Thái Bình Dương.

Một cửa ngõ xuất khẩu không chỉ Việt Nam mà của cả Đông Nam Á. Với tiềm lực này, việc các nhà đầu tư trên thế giới sẽ đổ tiền vào xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư phương tiện cần thiết để “chiếm thế thượng phong” trong cạnh tranh quyền hạ cánh và sử dụng kho bãi khu vực này chỉ còn là thời gian.

Nếu đúng như lộ trình và kêu gọi được đầu tư, sân bay Chu Lai có đủ quỹ đất mở rộng khi có nhu cầu, sẽ trở thành cảng hàng không quốc tế và đầu mối trung chuyển hàng hóa lớn trong khu vực.

Trong một cuộc khảo sát của Tổ tư vấn kinh tế Thủ tướng Chính phủ hồi năm 2018, TS.Trần Du Lịch (thành viên, trưởng Nhóm tư vấn hợp tác phát triển Vùng duyên hải miền Trung) cho rằng, Khu kinh tế mở Chu Lai hội tụ đủ mọi điều kiện trở thành một đặc khu kinh tế nhưng đang bị chững lại, trừ một chữ “mở”. Chủ yếu mới chỉ dựa vào một hoặc hai dự án “xương sống”.

Theo TS.Trần Du Lịch, một trong những vấn đề thuyết phục khi chọn Chu Lai làm khu kinh tế mở là sân bay Chu Lai. Nơi này có sân bay đáng giá nhưng vẫn chưa thể phát huy tác dụng.

Chờ đột phá

Ngày 25.3.2013, Công ty Parsons Brinckerhoff (Hoa Kỳ) tại Việt Nam đã ký kết hợp đồng với Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam về nghiên cứu tính khả thi sân bay Chu Lai từ vốn tài trợ của Chính phủ Hoa Kỳ để hình thành sân bay trung chuyển hàng hóa quốc tế.

Sau 17 năm có tên trên bản đồ hàng không dân dụng, sân bay Chu Lai vẫn chưa được đầu tư phát triển tương xứng với vị trí, tiềm năng...
Sau 17 năm có tên trên bản đồ hàng không dân dụng, sân bay Chu Lai vẫn chưa được đầu tư phát triển tương xứng với vị trí, tiềm năng...

Thiên Tân Group - Quảng Ngãi, Tập đoàn Jk & D Intrernational, Ltd (Hoa Kỳ), liên danh Tư vấn Tedi (Việt Nam) và OCG (Nhật Bản), Vietjet Air… cũng có nhiều đề xuất tìm nguồn đầu tư, nâng cấp mở rộng sân bay quốc tế Chu Lai. Tuy nhiên, đến nay chưa có đề án nào về việc xã hội hóa phát triển sân bay Chu Lai được chấp thuận.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, các hạ tầng chiến lược để tạo sức bật cho Quảng Nam như cảng hàng không, cảng biển chưa được đầu tư, khai thác tương xứng tiềm năng. Có nhiều nhà đầu tư quan tâm đến sân bay Chu Lai, nhưng vướng các quy định pháp lý nên chưa thể thực hiện được chủ trương của Thủ tướng Chính phủ về xã hội hóa đầu tư phát triển sân bay Chu Lai.

Theo UBND tỉnh, Quảng Nam đã gửi công văn đề nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp có chủ trương giao Tổng Công ty Cảng hàng không (ACV) nghiên cứu đầu tư phát triển Cảng hàng không quốc tế Chu Lai theo như đề xuất của ACV.

Quảng Nam đề nghị ACV sớm triển khai xây dựng nhà ga công suất 5 triệu hành khách/năm, cải tạo nhà ga hàng hóa, mở rộng sân đỗ máy bay, các công trình phụ trợ, các hạng mục phục vụ bay ngay từ năm 2022.

Kế hoạch đầu tư này kịp thời hướng đến nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa đang tăng nhanh tại Quảng Nam, Quảng Ngãi và các tỉnh thành lân cận trong khu vực miền Trung.

ACV cần sớm đầu tư xây dựng mới đường cất hạ cánh ở phía tây sân bay Chu Lai và chuyển đường cất hạ cánh hiện hữu thành đường lăn theo đúng Quy hoạch xây dựng cảng hàng không Chu Lai đã được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt (ngày 19.8.2019).

Ngày 21.2.2022, UBND tỉnh Quảng Nam có công văn đề nghị Văn phòng Chính phủ báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện theo hình thức xã hội hóa để đầu tư, cải tạo, nâng cấp và khai thác Cảng hàng không Chu Lai.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, Quảng Nam đề nghị Chính phủ giao UBND tỉnh Quảng Nam chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành Trung ương xây dựng đề án xã hội hóa đầu tư, khai thác Cảng hàng không Chu Lai, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của cảng hàng không này với các chức năng theo quy hoạch được duyệt.

TRỊNH DŨNG