Cầu bộ hành Gami Hội An có đảm bảo an toàn?
(QNO) - Công trình xây dựng cầu bộ hành Gami Hội An, đang gấp rút hoàn thiện những hạng mục cuối cùng để kịp khánh thành vào dịp khai mạc “Năm Du lịch quốc gia 2022: Quảng Nam - điểm đến du lịch xanh” vào gần cuối tháng này. Tuy nhiên, những ngày qua, có một số ý kiến bày tỏ nghi ngại về mức độ an toàn của cây cầu. Để làm rõ hơn vấn đề, Báo Quảng Nam đã có cuộc trao đổi với ông Văn Anh Tuấn - Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) Quảng Nam – cơ quan chủ trì thẩm định hồ sơ thiết kế kỹ thuật công trình.
- Thưa ông, Sở GTVT là cơ quan chủ trì thẩm định hồ sơ thiết kế kỹ thuật công trình xây dựng cầu bộ hành Gami Hội An. Ông có thể thông tin khái quát về dự án này?
- Ông Văn Anh Tuấn:Công trình cầu bộ hành Gami Hội An (còn có tên Trăng thương cảng), thuộc dự án Công viên văn hóa chủ đề “Ấn tượng Hội An”, do Công ty CP phần Gami Hội An làm chủ đầu tư và nguồn vốn đầu tư là của doanh nghiệp. Tư vấn khảo sát, lập thiết kế cơ sở và thiết kế bản vẽ thi công là Công ty CP Tư vấn đầu tư xây dựng công trình giao thông 1 - CIENCO1. Tư vấn thẩm tra thiết kế bản vẽ thi công là Công ty TNHH Tư vấn và xây dựng Đại học GTVT. Sở GTVT Quảng Nam là cơ quan chủ trì thẩm định thiết kế bản vẽ thi công.
Công trình cầu bộ hành Gami Hội An theo thiết kế có quy mô vĩnh cửu, tuổi thọ 100 năm. Cầu có chiều dài 110m, điểm đầu nối với đường Huyền Trân Công Chúa (phường Cẩm Châu, TP.Hội An), vượt nhánh chính sông Hội An đến Công viên văn hóa “Ấn tượng Hội An”. Hồ sơ đầu tư xây dựng công trình này bảo đảm đúng quy định của pháp luật.
- Một số ý kiến bày tỏ lo ngại về an toàn công trình, an toàn giao thông thủy và chưa phù hợp với công tác bảo trì, bảo dưỡng công trình này. Ông nói gì trước những lo ngại này?
- Ông Văn Anh Tuấn:Tôi khẳng định, các nội dung về an toàn công trình, việc tuân thủ quy trình và quy chuẩn kỹ thuật trong thiết kế đã được đơn vị tư vấn thẩm tra thiết kế xem xét, đánh giá là đảm bảo, kết luận hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công đủ điều kiện để trình thẩm định, phê duyệt. Về độ tĩnh không luồng đường thủy và an toàn giao thông đường thủy nội địa, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đã có văn bản thống nhất với hồ sơ thiết kế; đồng thời chấp thuận phương án bảo đảm an toàn giao thông đường thủy phục vụ thi công cầu.
Sở GTVT đã mời PGS.TS Nguyễn Xuân Toản, công tác tại Khoa Xây dựng cầu đường, Trường Đại học bách khoa Đà Nẵng tham gia thẩm định thiết kế bản vẽ thi công. Qua thẩm định, chuyên gia Nguyễn Xuân Toản có góp ý rằng, thiết kế công trình chưa phù hợp với công tác kiểm tra, đánh giá, bảo dưỡng định kỳ. Bản mặt cầu bằng bê tông cốt thép khá dày và nặng, làm tăng tải trọng lên kết cấu chính và kết cấu trụ, dẫn đến tăng chi phí đầu tư. Tuy nhiên, giải trình sau đó, chủ đầu tư khẳng định, họ sẽ có giải pháp phù hợp trong quá trình duy tu, bảo dưỡng sau này.
Với công trình cầu có thiết kế vĩnh cửu, tuổi thọ 100 năm, công tác thẩm định thiết kế bản vẽ thi công đã được Sở GTVT triển khai thực hiện nghiêm túc, cẩn trọng. Kết quả thẩm tra khẳng định, thiết kế công trình đảm bảo các quy định về an toàn, tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật và quy định của pháp luật về tiêu chuẩn thiết kế. Nếu thiết kế không đảm bảo an toàn, dĩ nhiên không được phê duyệt để triển khai thi công.
- Các cơ quan chức năng đánh giá như thế nào về sự phù hợp của công trình đối với quy hoạch và cảnh quan khu vực? Ý kiến chuyên gia góp ý cho rằng thiết kế cầu khó khăn cho duy tu, bảo dưỡng, điều này có ảnh hưởng gì đến tiêu chuẩn kỹ thuật về an toàn công trình hay không? Cũng có ý kiến chê công trình này không đẹp?
- Ông Văn Anh Tuấn: Trong quá trình thẩm định, Sở GTVT đã lấy kiến góp ý của tất cả sở, ngành chức năng và TP.Hội An. Trong đó, Sở Xây dựng cho rằng, theo hồ sơ quy hoạch chi tiết (1/500) dự án được duyệt, vị trí và thiết kế cây cầu không ảnh hưởng đến các hạ tầng kỹ thuật và tổ chức không gian cảnh quan dự án. Phương án kiến trúc cầu được UBND thành phố Hội An thống nhất với nhận xét: “Cơ bản đáp ứng yêu cầu về kiến trúc, mỹ thuật, qua đó tạo điểm nhấn cho dự án và kiến trúc chung của thành phố”. Sở VH-TT&DL xác định, công trình này không nằm trong phạm vi bảo vệ thuộc vùng I (là vùng bảo vệ đặc biệt, vùng được xác định yếu tố cấu thành di tích, cấu thành đô thị cổ phải được bảo vệ nguyên trạng) và vùng II (là vùng chỉ được xây dựng các công trình nhằm tôn tạo di tích và danh thắng). Ngoài ra, Sở VH-TT&DL cũng ủng hộ chủ trương đầu tư xây dựng công trình này nhằm đáp ứng nhu cầu giao thông của dự án và tạo điểm nhấn để thu hút du khách.
Về các ý kiến khen chê, cá nhân tôi cho rằng đó là điều bình thường. Mỗi người dân có quyền khen chê theo cảm nhận chủ quan của mình. Có lẽ, hiếm công trình nào được tất cả mọi người đồng lòng khen… đẹp. Ngay cả Cầu Vàng, bây giờ là biểu tượng của khu du lịch Bà Nà (TP. Đà Nẵng), khi mới xây dựng đã nhận không ít ý kiến chê bai về mỹ thuật.
Sở GTVT không có chức năng thẩm định thiết kế mỹ thuật, sự phù hợp với quy hoạch, cảnh quan. Vì thế, khi thẩm định, chúng tôi đã xin ý kiến của Sở VH-TT&DL, Sở Xây dựng, UBND thành phố Hội An, và các cơ quan này đều đồng tình, như tôi đã đề cập.
- Kết quả thẩm định có nêu: trong trường hợp không đảm bảo an toàn, sẽ yêu cầu phá dỡ. Điều này được hiểu như thế nào? Đối với các công trình xây dựng khác, kết luận thẩm định có đề ra yêu cầu này không?
- Ông Văn Anh Tuấn: Bất cứ công trình xây dựng nào theo thời gian cũng đều xuống cấp, hư hỏng. Cầu bộ hành Gami Hội An, dù thiết kế với quy mô vĩnh cửu, tuổi thọ 100 năm, cũng không là ngoại lệ, do đó cần quan tâm đến công tác duy tu, bảo dưỡng thường xuyên. Nói thế để đừng nhầm tưởng là thiết kế cầu bộ hành Gami Hội An vì “thiết kế không bảo đảm an toàn nên đứng trước nguy cơ bị tháo dỡ”.
Công trình cầu bộ hành Gami Hội An, do tư nhân đầu tư và họ trực tiếp quản lý, khai thác. Vậy nên, trong kết luận thẩm định, Sở GTVT đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu đơn vị này “phải thường xuyên theo dõi, kiểm tra, bảo dưỡng bảo trì công trình để đảm bảo an toàn giao thông, mỹ quan công trình bằng nguồn vốn của đơn vị. Trường hợp công trình không đảm bảo an toàn và mỹ quan, phải thực hiện theo yêu cầu của cơ quan chức năng liên quan về dừng khai thác; nếu có nguy cơ mất an toàn giao thông đường thủy nội địa thì phải khắc phục ngay hoặc tháo dỡ. Mọi chi phí phát sinh liên quan do Công ty CP Gami Hội An chịu trách nhiệm”.
Bất cứ công trình xây dựng nào theo thời gian cũng đều xuống cấp, hư hỏng. Cầu bộ hành Gami Hội An, dù thiết kế với quy mô vĩnh cửu, tuổi thọ 100 năm, cũng không là ngoại lệ, do đó cần quan tâm đến công tác duy tu, bảo dưỡng thường xuyên. Nói thế để đừng nhầm tưởng rằng, thiết kế cầu bộ hành Gami Hội An vì “thiết kế không bảo đảm an toàn nên đứng trước nguy cơ bị tháo dỡ”. (Giám đốc Sở GTVT Văn Anh Tuấn)
Cần nói thêm, khi hoàn thành, đưa vào hoạt động, dưới cầu luôn có các phương tiện giao thông thủy qua lại, vì vậy luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông đường thủy nội địa (ví dụ như bóng đèn điện bị gãy đổ, biển báo liệu đường thủy trên cầu bị hỏng...). Do đó, một khi công tác quản lý, duy tu, bảo dưỡng không tốt, chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm.
Với các công trình giao thông công cộng do Nhà nước đầu tư, công tác quản lý, duy tu, bảo dưỡng do Nhà nước thực hiện. Riêng cầu bộ hành Gami Hội An, việc đầu tư và bảo trì bằng vốn của doanh nghiệp, nên Sở GTVT phải hướng dẫn và yêu cầu rõ ràng, cụ thể về công tác kiểm tra, bảo trì, bảo dưỡng, bảo đảm an toàn công trình, an toàn giao thông theo đúng theo quy định của Nhà nước.
- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.