Siết chặt quản lý vận tải khách đường thủy
Để sông nước bình yên, trước mắt là phục vụ Năm du lịch quốc gia - Quảng Nam 2022 diễn ra suôn sẻ, việc siết chặt quản lý hoạt động vận tải hành khách đường thủy nội địa cần kịp thời và liên tục.
Nguy cơ mất an toàn
Trên hành trình từ bến Cù Lao Chàm về bến Cửa Đại thuộc tuyến vận tải đường thủy nội địa (ĐTNĐ) quốc gia Hội An - Cù Lao Chàm, vào lúc 14 giờ 5 phút ngày 26.2 vừa qua, ca nô cao tốc QNa-1152 đã bị sóng đánh chìm khi cách bến Cửa Đại khoảng 4km. Tổng cộng 22 người được cứu sống, nhưng có tới 17 người chết, một con số thương vong quá lớn.
Theo Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh, giấy chứng nhận đăng ký, chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện đều đảm bảo; thuyền trưởng, máy trưởng, thủy thủ có đầy đủ bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn theo quy định.
Nguyên nhân của vụ tai nạn giao thông (TNGT) đặc biệt nghiêm trọng này đang được cơ quan chức năng điều tra làm rõ. Nhưng thêm một lần nữa, hồi chuông cảnh báo về hậu quả nặng nề nếu để xảy ra sự cố trên sông nước lại gióng lên. Bởi trước đó, vào năm 2020 đã xảy ra 2 vụ lật ghe trên sông Vu Gia và sông Thu Bồn khiến 11 người tử vong.
Ông Văn Anh Tuấn cho biết, để đảm bảo an toàn giao thông ĐTNĐ và phục vụ an toàn Năm du lịch quốc gia - Quảng Nam 2022, Sở GTVT đã kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương, nhất là TP.Hội An rà soát các loại phương tiện thủy có trên địa bàn và yêu cầu làm thủ tục đăng ký, kiểm định; quản lý phương tiện thô sơ theo quy định. Ban ATGT tỉnh thành lập Tổ công tác liên ngành để tăng cường tuần tra, kiểm soát, nhất là các tuyến sông tại TP.Hội An, tập trung từ 10 giờ đến 21 giờ hàng ngày, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nhằm không để xảy ra tai nạn đáng tiếc.
Giám đốc Sở GTVT Văn Anh Tuấn - Phó Trưởng ban ATGT tỉnh cho biết, các bến vận chuyển khách du lịch sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần đã trở lại phục vụ và có hướng gia tăng do lượng người du xuân, tham gia lễ hội đông dần. Tuy nhiên, sự gia tăng này lại tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến TNGT, nhất là trên ĐTNĐ tại TP.Hội An.
Trừ tuyến bờ ra đảo Hội An - Cù Lao Chàm, TP.Hội An có khoảng 80 tàu vỏ gỗ (động cơ công suất máy chính từ dưới 5CV đến 150CV) và gần 300 phương tiện thủy nội địa thô sơ vận chuyển hành khách.
Theo quy định, phương tiện có động cơ với tổng công suất máy chính từ 5CV đến 150CV phải được đăng ký, đăng kiểm. Qua kiểm tra, hầu hết đã được đăng ký, đăng kiểm; song do dịch bệnh Covid-19, phương tiện tạm dừng hoạt động nên chưa kiểm định lại.
Một số phương tiện có động cơ dưới 5CV theo quy định miễn đăng kiểm nhưng phải được đăng ký. Nhưng qua kiểm tra, nhiều trường hợp chưa gắn số đăng ký; tại thời điểm kiểm tra, các phương tiện đang được neo đậu, không hoạt động.
Phương tiện thủy nội địa thô sơ có trọng tải toàn phần dưới 1 tấn hoặc có sức chở dưới 5 người được miễn đăng ký, miễn đăng kiểm thì đã xác định sức chở, sơn vạch dấu mớn nước và kê khai điều kiện an toàn với UBND cấp xã để quản lý. Được biết, phần lớn phương tiện loại này hoạt động trong Nghiệp đoàn ghe bơi Hội An. Tuy nhiên, chủ ghe phản ánh đã kê khai với địa phương mà chưa được kiểm tra và cấp số quản lý.
Cần siết chặt
Sau dịp tết, Thanh tra Sở GTVT đã tăng cường kiểm tra, nhất là bến khách ngang sông có lưu lượng hành khách lớn như Phú Thuận (Đại Lộc), Tam Hải (Núi Thành); bến khách du lịch như Cửa Đại, Bạch Đằng cũng như tuyến thường xuyên có khách du lịch tham quan trên địa bàn TP.Hội An.
Đội trưởng Đội Thanh tra giao thông số 1 (Thanh tra Sở GTVT) - ông Thái Minh Hoàng chia sẻ, tại TP.Hội An, thanh tra viên đã làm việc với chủ phương tiện, người điều khiển để tuyên truyền quy định của pháp luật về giao thông ĐTNĐ, đình chỉ hoạt động nếu đã hết hạn đăng kiểm.
Tổ chức cho chủ phương tiện, người điều khiển ký cam kết không vi phạm pháp luật khi tham gia giao thông trên ĐTNĐ; yêu cầu chủ ghe thô sơ làm thủ tục đăng ký với chính quyền địa phương. Qua tuyên truyền vận động, từ ngày 16.2 đến nay, chủ phương tiện đã liên hệ và được Chi cục Đăng kiểm số 4 vào làm thủ tục đăng kiểm với phương tiện hết hạn kiểm định.
Theo ông Hoàng Quốc Tân (phường Minh An, TP.Hội An), thuyền du lịch Hoàng Tân do ông làm chủ hoạt động chở khách tại bến Nguyễn Hoàng lên làng gốm Thanh Hà, xuống bến Bạch Đằng. Sau thời gian nghỉ do dịch bệnh, ông đã liên hệ và ngày 27.2 Chi cục Đăng kiểm 4 vào kiểm tra để kiểm định lại thuyền.
Thanh tra Sở GTVT cũng đã tuyên truyền, yêu cầu ông ký cam kết tuân thủ pháp luật ĐTNĐ. Còn Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ du lịch vận tải Dũng Hiếu - ông Trần Văn Dũng cho hay, doanh nghiệp có 4 ca nô cao tốc vận chuyển khách du lịch Cửa Đại - Cù Lao Chàm.
Mọi thủ tục về đăng ký, đăng kiểm, bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn thuyền trưởng, máy trưởng, thủy thủ đều đảm bảo theo quy định, sẵn sàng phục vụ Năm du lịch quốc gia. Tất nhiên, các lực lượng chức năng như Biên phòng, Đội Quản lý bến thủy nội địa (Thanh tra Sở GTVT), Ban Quản lý bến thủy nội địa Cù Lao Chàm sẽ kiểm tra kỹ càng, nếu đảm bảo an toàn mới cho xuất bến.