Mở đường vào vùng nguyên liệu

CÔNG TÚ 06/02/2022 06:05

(Xuân Nhâm Dần) - Đường vào vùng sản xuất ở miền núi vốn gập ghềnh, trắc trở. Thế nên, việc thí điểm đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông gắn với phát triển vùng nguyên liệu được kỳ vọng khơi thông “điểm nghẽn”, mở ra cơ hội phát triển kinh tế miền núi.    

Để phát huy hiệu quả đầu tư, việc bố trí tiếp nguồn vốn kiên cố hóa mặt đường vào thôn A Dinh là cần thiết. Ảnh: CT
Để phát huy hiệu quả đầu tư, việc bố trí tiếp nguồn vốn kiên cố hóa mặt đường vào thôn A Dinh là cần thiết. Ảnh: CT

Đường sá trắc trở

Con đường dân sinh qua thôn 3 của xã Trà Giáp (huyện Bắc Trà My) bao năm qua vẫn trong cảnh “nắng bụi, mưa lầy”. Thu nhập của gần 200 hộ dân nơi đây chủ yếu từ cây quế, keo và một số gia súc, gia cầm. Vậy nhưng, theo ông Nguyễn Văn Phụng - Chủ tịch UBND xã Trà Giáp, do giao thông trắc trở nên sản phẩm khó tiêu thụ, giá lại thấp.

Ông Nguyễn Hữu Sự - Trưởng phòng Kinh tế & hạ tầng huyện Bắc Trà My chia sẻ, huyện đang triển khai đề tài khoa học công nghệ về ứng dụng mô hình trồng sâm ba kích ở thôn 3, xã Trà Giáp.

Nếu con đường đất ở đây được kiên cố hóa, việc triển khai mô hình sẽ rất thuận lợi. Hơn thế nữa, giao thông được đầu tư sẽ mở ra cơ hội cho người dân thôn 3 phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, địa phương không kham nổi kinh phí để đầu tư trục đường vào vùng sản xuất dài gần 10km này.

Ở thị trấn Prao (huyện Đông Giang), đường vào vùng sản xuất của thôn A Dinh vẫn là đường đất. Bà Arâl Thị Hiền (trú thôn A Dinh) chia sẻ, ven tuyến đường quanh co, trơn trợt này, người dân canh tác cây keo, quế, sắn, dứa và một số loại dược liệu. Đến vụ thu hoạch, người dân phải vào gùi, kéo hoặc vác nông sản về nhà vì xe không thể đến nơi.

Trưởng phòng Kinh tế & hạ tầng huyện Đông Giang - ông Nguyễn Đức Huy cho rằng, trục giao thông vào thôn A Dinh nếu kiên cố hóa sẽ giải quyết nhiều vấn đề. Cụ thể, gần 150 hộ dân đi vào khu sản xuất với khoảng 250ha keo, 35ha quế, 15ha chè dây, 7ha ba kích tím, 8ha đinh lăng sẽ thuận lợi, giá trị nông sản sẽ tăng lên.      

Mở cơ hội thoát nghèo

Xây dựng hạ tầng giao thông vào các khu sản xuất ở khu vực miền núi ngoài việc giải bài toán tăng cường khả năng lưu thông, còn tạo thuận lợi cho khai phóng tiềm năng nông - lâm nghiệp, sắp xếp dân cư, xóa đói giảm nghèo bền vững, giữ vững an ninh - quốc phòng.

Ông Lê Hoàng Linh - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang dẫn chứng, năm 2018, huyện huy động nguồn lực đầu tư kiên cố tuyến đường qua trung tâm thôn Tr’Lêê của xã A Tiêng. Từ đây, người dân vào trồng cây cao su, cây ăn quả hay chăn nuôi đã quyết định cất nhà, đưa cả gia đình vào an cư.

Ông Nguyễn Hữu Sự cho biết, năm 2021 tỉnh hỗ trợ nguồn lực để làm trước 5/10km đường vào khu dược liệu của xã Trà Giáp. Tuy nhiên, kinh phí chỉ đủ thi công nền và công trình thoát nước, chưa kiên cố mặt đường.

Bắc Trà My kiến nghị cấp trên tiếp tục bố trí nguồn lực thi công mặt đường, xây dựng tiếp gần 5km còn lại. Với huyện Đông Giang, sau khi tỉnh hỗ trợ nguồn vốn, tuyến đường vào khu sản xuất thôn A Dinh được triển khai thi công.

Nhưng giống như Bắc Trà My, kinh phí chỉ đủ làm nền móng và công trình thoát nước. Địa phương mong mỏi cấp trên tiếp tục bố trí nguồn lực thi công mặt đường để đảm bảo điều kiện sắp xếp dân cư, trồng 71ha cây dược liệu và 170ha rừng gỗ lớn theo quy hoạch.

Nằm ở xã biên giới Ch’Ơm (huyện Tây Giang), đường từ thôn H’júh đi Atu 1 về thôn Cha’nốc cũng đang được UBND tỉnh bố trí kinh phí làm thí điểm, song chưa thực hiện toàn tuyến. Tây Giang đã quy hoạch vùng sản xuất xã Ch’Ơm khoảng 1.000ha để trồng đảng sâm, táo mèo, cam, sâm bảy lá, rừng gỗ lớn. Đường sá rộng mở sẽ thu hút doanh nghiệp đầu tư trồng cây dược liệu, giúp người dân tăng thu nhập...

Trưởng phòng Quản lý kết cấu hạ tầng Sở GTVT - ông Võ Công Phúc cho biết, năm 2020, HĐND tỉnh đã ban hành nghị quyết quyết định chủ trương đầu tư nhóm dự án đường vào vùng nguyên liệu, gồm 9 công trình thí điểm tại 9 huyện miền núi.

Việc thí điểm là cần thiết, bởi nếu làm đại trà mà không nghiên cứu kỹ, thiếu tính khả thi thì nguy cơ lãng phí nguồn vốn là không thể tránh khỏi, khi ấy hạ tầng đã làm xong nhưng vùng nguyên liệu không thể hình thành, đường không được khai thác, sử dụng.

Sau khi thí điểm, ngành chức năng sẽ tiếp tục nghiên cứu, phối hợp tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét, thông qua đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông gắn với phát triển vùng nguyên liệu.

CÔNG TÚ