Kiểm soát xe chở quá tải trọng: Cần duy trì tuần tra khép kín
Xe tải vi phạm cơi nới thành, thùng, chở hàng hóa quá tải trọng đang tái diễn phức tạp. Để lập lại trật tự an toàn giao thông, cần có sự kiểm soát toàn diện của cơ quan chức năng.
Tái diễn phức tạp
Những ngày qua, Đội Thanh tra giao thông số 1, Thanh tra Sở Giao thông vận tải (GTVT) tăng cường thời gian tuần tra, kiểm soát (TTKS) hành vi chở hàng hóa quá tải trọng, quá kích thước thành, thùng xe. Qua các tuyến quốc lộ (QL) và tỉnh lộ (ĐT) trọng điểm ở phía bắc Quảng Nam, lực lượng chức năng “tuýt còi” nhiều xe tải đang vận chuyển hàng hóa có dấu hiệu quá tải trọng trên QL14H (Hội An - Duy Xuyên - Nông Sơn), ĐT609 (Điện Bàn - Đại Lộc - Đông Giang), QL14B (Đại Lộc - Nam Giang).
Bị yêu cầu dừng xe trên QL14B qua Đại Lộc, một tài xế xe tải cung cấp đầy đủ giấy phép lái xe, giấy chứng nhận đăng kiểm phương tiện, song người này không chấp hành hiệu lệnh kiểm soát tải trọng xe (không cho xe chạy lên cân xách tay để cân tải trọng).
Thanh tra viên đã kiên quyết lập biên bản xử lý vi phạm hành chính, gồm lỗi không chấp hành hiệu lệnh kiểm soát tải trọng xe và lỗi chở quá chiều cao xếp hàng. Tiếp tục tuần tra, đội công tác không còn thấy xe tải chở vật liệu lưu thông trên đường; trong khi đó, tại nhiều cây xăng dầu, khá đông xe chở đầy hàng đang... “nằm” chờ.
Đội trưởng Đội Thanh tra giao thông số 1 - ông Thái Minh Hoàng khẳng định, người của chủ xe đã phát hiện tổ công tác và báo động cho các phương tiện tạm dừng chạy. Hoặc nếu đội đang tuần tra trên đường này, họ sẽ điện thoại cho tài xế chạy đường khác né tránh.
Phó Chánh Thanh tra phụ trách Thanh tra Sở GTVT - ông Trương Văn Sơn cho biết, một số doanh nghiệp vận tải, chủ xe tìm cách để chở quá tải nhằm đạt lợi nhuận cao hơn. Muốn vậy, họ đối phó với lực lượng chức năng bằng cách bố trí, thay phiên người theo dõi, sử dụng điện thoại, zalo để thông tin về hoạt động của tổ liên ngành, tổ kiểm tra cho chủ xe và tài xế biết trốn tránh; khi bị kiểm tra thì chỉ đạo tài xế đóng cửa bỏ đi, thậm chí lôi kéo nhiều người cản trở, kể cả chống đối người thi hành công vụ.
Cần kiểm soát khép kín
Đại tá Nguyễn Giới - Trưởng Công an huyện, Phó Trưởng ban An toàn giao thông (ATGT) huyện Đại Lộc cho biết, Đại Lộc có nhiều tuyến giao thông quan trọng, trật tự ATGT luôn diễn biến phức tạp. Hiện nay, địa bàn huyện có nhiều mỏ cát, đất vì thế ô tô tải tham gia vận chuyển rất nhiều.
Nhằm tăng cường hiệu quả bảo đảm ATGT, Công an huyện đã chủ động TTKS, xử lý vi phạm theo chuyên đề và các đợt cao điểm. Tuy nhiên, việc phát hiện, xử lý triệt để các hành vi vi phạm này đang gặp nhiều khó khăn. Chẳng hạn, một số mỏ cát nằm ven tuyến ĐT609, nhưng chỉ cách QL14B vài trăm mét.
Khi thấy bị động, các phương tiện nhanh chóng lưu thông vào QL14B, lúc ấy đã nằm ngoài thẩm quyền xử lý của cảnh sát giao thông Công an huyện Đại Lộc (QL14B thuộc thẩm quyền TTKS của Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt Công an tỉnh).
Ông Trương Văn Sơn cho biết, lực lượng của Thanh tra Sở GTVT trực tiếp làm nhiệm vụ trên đường khá mỏng với chỉ 7 thanh tra viên. Ngoài kiểm soát tải trọng, họ còn phải thực hiện các nhiệm vụ khác. Ngược lại, địa bàn tỉnh có hệ thống đường bộ rộng, vì vậy không đủ con người để làm toàn diện, kịp thời.
Để siết chặt quản lý tải trọng xe, nhiều nhà chuyên môn cho rằng cần có sự vào cuộc đầy trách nhiệm, đồng bộ, khép kín của tất cả lực lượng từ tỉnh xuống cơ sở. Như muốn kiểm soát trên địa bàn Đại Lộc, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt Công an tỉnh bố trí quân số túc trực trên QL14B, Thanh tra Sở GTVT kiểm soát trên ĐT609C, ĐT609B và ĐT609, Công an huyện Đại Lộc chỉ đạo cảnh sát giao thông cũng như công an cấp xã phối hợp án ngữ điểm giao nhau giữa các tuyến ĐT, QL với đường huyện và giao thông nông thôn. Nếu duy trì khép kín suốt một tuần hoặc nửa tháng, tình trạng vi phạm tải trọng xe sẽ lắng xuống ngay.
Về lâu dài, ứng dụng công nghệ thông tin trong thu thập, xác lập chứng cứ vi phạm hành chính qua hình ảnh nhằm xử lý “nguội” cần đẩy mạnh. Thượng tá Nguyễn Thành Nhân, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt Công an tỉnh cho rằng, các mỏ khai thác cát, sỏi đều được lắp đặt cân tải trọng và camera giám sát đối với phương tiện vận chuyển từ mỏ ra ngoài.
Tuy nhiên, doanh nghiệp thực hiện chưa nghiêm, bằng nhiều cách xe vận chuyển được cát với khối lượng lớn, có dấu hiệu quá tải trọng lưu thông. Do đó, các sở, ngành có liên quan cần tăng cường quản lý về khai thác cát, sỏi; kiểm soát nghiêm khối lượng, tải trọng xe vận chuyển trong mỏ ra ngoài, trích xuất dữ liệu từ camera giám sát để xử lý vi phạm. Việc kiểm soát, xử lý tải trọng ngay từ nơi bốc xếp hàng hóa sẽ nâng cao được hiệu quả đối với công tác này.