"Lọc" dự án đầu tư vùng đông
Kế hoạch kiểm tra, rà soát các dự án tại vùng Đông đang được gấp rút xây dựng, sẽ triển khai ở nhiều địa phương. Đây là một trong nhiều nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh đặt ra trong năm nay nhằm “thiết lập kỷ cương” đầu tư, triển khai dự án tại vùng Đông. Quá trình kiểm tra, rà soát, có thể sẽ “thanh lọc” được nhiều dự án ì ạch, và cũng làm rõ những trục trặc khiến dự án triển khai chậm trễ nhằm tháo gỡ, khắc phục. Có thể kỳ vọng ở cuộc “thanh lọc” lần này bởi sự cương quyết của chính quyền tỉnh gần đây với nhiều dự án chậm tiến độ, ngay trước khi kế hoạch rà soát được triển khai đồng bộ.
SẼ LOẠI BỎ NHỮNG DỰ ÁN CHẬM TRỄ
Một “thành phố resort” nhìn ra Thái Bình Dương trên vùng Đông Quảng Nam chưa thể định hình. Hàng trăm dự án lớn nhỏ “đứng bánh” suốt nhiều năm, xin điều chỉnh, giãn tiến độ liên tục. Chính quyền đã lên kế hoạch rà soát, “thanh lọc” dự án đầu tư.
Nhiều nhà đầu tư không đủ năng lực
Rà soát toàn bộ hồ sơ pháp lý nhiều dự ánliên quan đến
UBND tỉnh đã quyết định rà soát lại toàn bộ hồ sơ pháp lý liên quan đến nhiều dự án đầu tư trọng điểm tại vùng Đông. Xác định rõ các tồn tại, vướng mắc, thiếu sót. Đưa ra các phương án xử lý từng dự án cụ thể. Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói nhiều dự án đầu tư chưa lường hết những khó khăn của các quy định về luật đầu tư, đất đai hay cơ chế, chính sách khác nên gặp khó. Chính quyền đang làm việc với nhà đầu tư để đánh giá, tính toán đến lợi ích của 3 bên (nhà nước, nhà đầu tư và nhân dân vùng dự án) để xử lý phù hợp, đúng luật.
Đại lộ Võ Chí Công như dải lụa mềm vắt mình qua những nổng cát dài. Xứ cát đã hết hàng quán xập xệ, dựng lên vội vã dọc đường, nhưng cũng vắng luôn dự án đầu tư. Không có nhiều thay đổi tại khu vực từng có thời được cho là “bùng nổ đầu tư” với hàng trăm doanh nghiệp được cấp phép, thỏa thuận địa điểm chỉ trong một thời gian ngắn. Siêu dự án 4 tỷ USD Nam Hội An mới khởi đầu đã gặp bất lợi vì đại dịch, không thể đóng góp 2.000 tỷ đồng cho ngân sách Quảng Nam mỗi năm hay thu hút cả nghìn lao động như dự kiến.
Vinpearl hoạt động cầm chừng. Hai dự án du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi này không đủ lấp đầy những cồn cát ven đường. Miệt đông giờ vẫn lác đác nhà dân, “rừng” bia mộ bên những rặng điều, dương liễu đang sũng nước, các biển quy hoạch chi tiết xây dựng dự án đầu tư bạc màu mưa nắng!
Các quyết định chủ trương, thỏa thuận nghiên cứu, chứng nhận đầu tư của 33 dự án tại hội nghị xúc tiến đầu tư Quảng Nam hồi tháng 3.2017 có tổng vốn đăng ký 15,8 tỷ USD, gấp 3 lần lượng vốn của 20 năm thu hút đầu tư cộng lại với tham vọng đánh thức, tạo diện mạo mới cho vùng Đông chưa thành. Một “thành phố resort nhìn ra Thái Bình Dương” như kỳ vọng chưa được hiện thực hóa.
Sở KH&ĐT thừa nhận ngoài nguyên nhân các nhà đầu tư yếu năng lực tài chính, cơ quan chuyên môn khó kiểm chứng, đánh giá năng lực; các hội nghị xúc tiến đầu tư đại trà “đánh trống, ghi tên xí phần” thì sự chồng chéo giữa các quy định pháp luật về đất đai, đầu tư, quy hoạch, cơ chế thay đổi… đã khiến nhiều dự án bị đình trệ.
Khó có dữ liệu chính xác về số dự án đã triển khai như thế nào tại vùng Đông. Các thống kê rời rạc nằm ở từng cơ quan quản lý riêng lẻ. Theo ông Phạm Văn Trung - Trưởng phòng Hợp tác đầu tư (Sở KH&ĐT), chưa có con số thống kê cụ thể, nhưng số lượng dự án đầu tư đề nghị xin hoãn, giãn có thể lên đến hàng trăm và sẽ còn gia tăng. Không ít nhà đầu tư đủ năng lực, nhưng vướng về thủ tục đất đai, các quy định khác nhau, thậm chí bị “dịch Covid-19 tấn công” nên dẫn đến chậm trễ tiến độ. Chuyện rà soát các dự án chậm tiến độ là việc thường xuyên.
Lọc vốn đầu tư
Cuộc rà soát sơ bộ các dự án trọng điểm vùng Đông mới đây, từ những vướng mắc của Nam Hội An, Khu nông nghiệp công nghệ cao Đông Quảng Nam (Bình Dương, Thăng Bình), Dự án thành phố giáo dục quốc tế Nam Hội An, Khu phức hợp nghỉ dưỡng Bình Dương, Dự án thiên đường Cổ Cò hay nhiều dự án khu đô thị sinh thái cao cấp khác đã được xử lý theo nhiều hướng khác nhau. Có thể gỡ khó, thúc đẩy triển khai dự án đầu tư hoặc rút giấy phép.
“Thay vì xúc tiến đầu tư đại trà, Quảng Nam sẽ chủ động đưa ra các dự án cơ hội, thực chất, xác định mời gọi những nhà đầu tư lớn mạnh thông qua thẩm định của các cơ quan chuyên ngành”
(Ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở KH&ĐT)
Theo thống kê của Ban Quản lý các khu kinh tế và khu công nghiệp Quảng Nam, năm 2021 đã chấm dứt hoạt động 7 dự án đầu tư (5 dự án du lịch nghỉ dưỡng), hủy bỏ 5 đồ án quy hoạch chi tiết của các khu vui chơi giải trí, biệt thự nghỉ dưỡng, khách sạn cao cấp do doanh nghiệp lập không phù hợp với tiến trình quy hoạch và phát triển vùng Đông.
Sở KH&ĐT cũng cho biết, năm 2021 đã thu hút 39 dự án đầu tư (32 dự án nội địa và 7 dự án FDI), nhưng cũng đã kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo thanh tra tình hình thực hiện dự án, thanh tra hiện trạng sử dụng đất của 25 dự án chậm triển khai, vi phạm tiến độ, xử lý thu hồi và chấm dứt hoạt động đầu tư 18 dự án.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, tất cả dự án vùng Đông gặp khó khăn (chủ quan hay khách quan) đều sẽ được xem xét. Các dự án tái khởi động buộc phải đẩy nhanh tiến độ. Không phù hợp thực tế sẽ phải điều chỉnh. Những dự án không khả thi hoặc chưa có ý định triển khai hoặc trì hoãn thì phải dừng.
“Chính quyền lên kế hoạch rà soát, sẵn sàng loại bỏ những dự án đầu tư chậm trễ, thiếu thực chất. Dừng hay rút phép dự án là một quyết định khó khăn, nhưng vẫn là chuyện cần thiết để lọc vốn đầu tư, giữ lại những nhà đầu tư thiện chí, hợp quy hoạch, tạo cơ hội cho các nhà đầu tư khác” - ông Thanh nói.
Ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở KH&ĐT nói sẽ tham mưu UBND tỉnh ra quyết định thu hồi các dự án chậm triển khai, không đúng tiến độ cam kết hoặc thiếu hiệu quả. Những dự án bị rút phép sẽ được lựa chọn nhà đầu tư khác để thực hiện. Khi lựa chọn nhà đầu tư sẽ xem xét, bổ sung thêm tiêu chí hỗ trợ phát triển sinh kế bằng cách liên kết, hợp tác giữa chủ đầu tư dự án với dân địa phương trong việc phát triển du lịch cộng đồng, làng sản xuất, phục vụ du lịch.
Các nhà đầu tư trúng đấu giá đất sạch buộc phải thực hiện dự án trên mảnh đất đó, không thể giữ, găm đất, chờ đợi. Sẽ ưu tiên cho những dự án đầu tư còn hiệu lực, hướng đến thu hút các nhà đầu tư mới. Nhưng thay vì xúc tiến đầu tư đại trà, Quảng Nam sẽ chủ động đưa ra các dự án cơ hội, thực chất, xác định mời gọi những nhà đầu tư lớn mạnh thông qua thẩm định của các cơ quan chuyên ngành. Mời gọi, thu hút “sếu đầu đàn”, “đại bàng” hay cả “chim sẻ” cũng sẽ đều là những nhà đầu tư thực chất, có đủ tiềm lực tài chính.
KHU ĐÔ THỊ MỚI ĐIỆN NAM - ĐIỆN NGỌC: TIẾP TỤC ÁCH TẮC MẶT BẰNG SẠCH
Hàng chục dự án bất động sản tại Khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc (thị xã Điện Bàn) đang được rà soát, kiểm tra, đề xuất các sở, ngành của tỉnh có giải pháp tháo gỡ, xử lý, đặc biệt với những dự án có dấu hiệu vi phạm. Tuy nhiên, một nguyên nhân có thể “giải thích” cho tình trạng chậm trễ của nhiều dự án tại khu vực này là ách tắc mặt bằng.
Dai dẳng giải phóng mặt bằng
Được thành lập năm 2003, Khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc có 79 dự án đã và đang thực hiện các thủ tục đầu tư. Trong đó 64 dự án với tổng diện tích gần 945ha trong tình trạng triển khai chậm trễ, không ít dự án thi công dang dở, hoặc “treo” từ nhiều năm nay do vướng giải phóng mặt bằng (GPMB) hoặc năng lực, tài chính chủ đầu tư hạn chế.
Theo ông Đoàn Văn Viên - Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất thị xã Điện Bàn, nguyên nhân một phần do các văn bản pháp luật liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ GPMB thường xuyên có sự thay đổi, chính sách bố trí tái định cư còn bất cập, giá đất bồi thường chưa sát giá thị trường..., làm phát sinh khiếu kiện phức tạp, kéo dài dẫn đến công tác bồi thường, GPMB và tái định cư gặp nhiều trở ngại.
Tại một số dự án, cơ sở hạ tầng tái định cư không đáp ứng cho việc bố trí người dân vào an cư, trong khi muốn GPMB, công tác tái định cư phải đi trước một bước. “Vấn đề dự án chậm triển khai có nguyên nhân chủ quan và khách quan như dịch bệnh ảnh hưởng.
Tuy nhiên, vướng nhất vẫn là khâu bồi thường, GPMB do người dân không đồng ý giá cả bồi thường để bàn giao mặt bằng, mà không có mặt bằng thì chủ đầu tư không triển khai thi công dự án được. Bây giờ chúng tôi rà soát cũng chỉ tháo gỡ những vướng mắc về hồ sơ thủ tục, hiện trạng, nguồn gốc sử dụng đất, còn những việc liên quan về mức giá bồi thường, GPMB thì khó có giải pháp gì” - ông Viên nói.
Thực tế, việc chậm trễ triển khai các dự án tại Khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc còn liên quan đến nhiều yếu tố như kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ; thời gian lập, phê duyệt quy hoạch kéo dài; chưa đáp ứng đánh giá báo cáo tác động môi trường; chủ đầu tư không đủ năng lực…
Không ít dự án đến nay vẫn chưa được chấp thuận chủ trương đầu tư do chuyển đổi mục đích sử dụng hay quy hoạch diện tích lớn hơn được giao cho chủ đầu tư. Thậm chí, có doanh nghiệp tự ý chi tiền và lập phương án thi công trước khi lập phương án bồi thường, hỗ trợ dẫn đến mất hiện trạng, ảnh hưởng đến công tác thẩm định phương án GPMB. Tình trạng này không chỉ diễn ra tại Khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc mà còn xảy ra ở một số dự án khác trên địa bàn thị xã Điện Bàn.
Tăng cường quản lý
Ông Nguyễn Phú - Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, đến nay tất cả dự án bàn giao mặt bằng tại Khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc cơ bản đều đã tổ chức thi công, các thủ tục khác hầu hết đã xong. Với các dự án còn vướng GPMB chủ yếu do công tác đánh giá kiểm đếm, hiện trạng, bồi thường chưa thống nhất sẽ được xem xét tháo gỡ từng bước.
“Tỉnh ủy cũng đã đưa vấn đề này vào chương trình làm việc, đồng thời thành lập tổ giúp việc, chỉ đạo Điện Bàn đẩy nhanh tiến độ. Sở Xây dựng sẽ cùng các sở ngành liên quan hỗ trợ Điện Bàn đẩy nhanh công tác GPMB, sắp tới sẽ họp tổ này để nghe Điện Bàn báo cáo, vấn đề nào vượt thẩm quyền của Điện Bàn, hoặc dự án nào do để lâu quá, mất hiện trạng không thể xác nhận mà Điện Bàn ngại không dám ký sẽ có hội đồng xác nhận để báo với UBND tỉnh. Riêng với một số dự án vướng do theo luật cũ trước đây, sắp tới cũng sẽ được tiến hành rà soát, hoàn thiện các thủ tục” - ông Phú cho biết.
Các dự án chậm triển khai tại Khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc nhiều năm qua đã ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế, xã hội địa phương. Dù vậy, theo ông Trần Úc - Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn, nhiệm vụ của thị xã chỉ GPMB, những vấn đề lớn hơn như xử lý các dự án vi phạm là trách nhiệm của tỉnh. Tuy nhiên, công tác GPMB luôn gặp khó khăn vì giá bồi thường không sát thực tế, nhưng việc tháo gỡ thì không dễ dàng, chủ yếu chỉ vận động tuyên truyền nên các dự án đô thị triển khai rất chậm.
“Chúng tôi đang đôn đốc các đơn vị trực thuộc đẩy nhanh việc rà soát các dự án để báo cáo tỉnh theo đúng thời gian quy định. Những việc còn lại liên quan đến nhà đầu tư thuộc thẩm quyền của tỉnh, cấp thị xã không có trách nhiệm, kể cả tiến độ thi công thế nào cũng vượt thẩm quyền của thị xã, mà phải do Sở Xây dựng kiểm tra đánh giá” - ông Trần Úc nói.
LOAY HOAY GIẢI PHÓNG MẶT BẰNG
Sau hơn 1 tháng triển khai rà soát pháp lý và tiến độ thực hiện công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) đối với các dự án thuộc Khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc, mới đây Trung tâm Phát triển quỹ đất thị xã Điện Bàn cho biết có tổng cộng 48 dự án bất động sản nơi đây bị vướng GPMB.
Trong số 48 dự án vướng GPMB, Công ty Bách Đạt An có 7 dự án (trong tổng số 14 dự án tại Khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc), đây cũng là đơn vị gây nhiều “lùm xùm” suốt thời gian qua vì người dân nhiều lần kéo nhau đi đòi “sổ đỏ”. Thậm chí công ty này bị UBND tỉnh ban hành quyết định thu hồi 4 dự án hồi cuối tháng 11.2021.
Ông Đoàn Văn Viên - Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất thị xã Điện Bàn cho rằng, có nhiều nguyên nhân nhưng không thể phủ nhận Bách Đạt An nợ “sổ đỏ” vì vướng GPMB. “Chính vì vướng GPMB nên không thi công được, dẫn tới không ra sổ” - ông Viên phân tích.
Ông Viên cũng cho rằng, sau khi kiểm tra, rà soát, đơn vị chỉ có thể đề xuất, báo cáo những vấn đề về hiện trạng hồ sơ thủ tục trước đây, chứ không có giải pháp gì, vì cơ chế bồi thường của Nhà nước quy định vậy, nên có thể khẳng định dự án nào không thể GPMB được là do người dân không đồng ý giá cả bồi thường, phương án bố trí tái định.
“Nhiều chủ đầu tư cũng cố gắng nhưng dân mình không chịu, còn nói cưỡng chế thì đâu có dễ, dự án công còn khó huống gì dự án doanh nghiệp làm, muốn cưỡng chế thì hồ sơ thủ tục từ đầu đến cuối đều chặt chẽ, mà một số hồ sơ trước đây, các thủ tục không chặt chẽ, chắc chắn nên cưỡng chế là trật liền. Đụng tới thì người dân nói Nhà nước bảo vệ doanh nghiệp làm khó người dân nên rất nhạy cảm” - ông Viên nói. (KHÁNH LINH)
SIẾT CHẶT QUẢN LÝ HIỆN TRẠNG ĐẤT ĐAI
Huyện Thăng Bình đang có nhiều dự án triển khai đầu tư, vì vậy công tác quản lý hiện trạng đất đai, quá trình triển khai dự án luôn được xem là nhiệm vụ trọng tâm.
Dự án Khu phức hợp dịch vụ nghỉ dưỡng Bình Dương quy mô gần 184ha cùng với 2 dự án đầu tư khu du lịch nghỉ dưỡng khác của Tập đoàn BRG tại xã Bình Hải và Công ty CP Quốc tế Nam Hội An ở xã Bình Minh vừa bị UBND tỉnh thu hồi sau 3 năm “bất động”.
Đến các khu vực này, chỉ thấy đất trống, cỏ dại, hoang tàn như... sa mạc. Trên địa bàn xã Bình Dương còn có nhiều dự án chưa thành hình như khu tái định cư ven biển, khu tái định cư cài ghép, khu nghỉ dưỡng Nam Hội An. Các dự án này đã được huyện Thăng Bình phối hợp với ngành chức năng của tỉnh đo đạc, cắm mốc, kiểm kê, áp giá bồi thường nhưng chưa giải tỏa mặt bằng.
Ông Phan Công Vỹ - Bí thư Huyện ủy Thăng Bình nói, chưa thể thay da đổi thịt cho vùng đông nam được, nhiều bài học về thu hút đầu tư đã được rút ra. Còn ông Võ Văn Hùng - Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình thì chia sẻ, “chính quyền huyện, xã đau đầu vì quản lý đất đai, hiện trạng khi trên địa bàn có nhiều dự án đầu tư. Trong khi đó, nhiều nhà đầu tư để đất im ỉm, nhiều dự án không động tĩnh gì”.
Vùng đông nam huyện Thăng Bình vào thời điểm này được quản lý bởi Ban Quản lý các khu kinh tế & khu công nghiệp tỉnh (quốc lộ 14E trở về phía nam) và UBND huyện Thăng Bình (từ quốc lộ 14E trở ra phía bắc giáp huyện Duy Xuyên). Ở khu vực vừa thu hồi dự án, các cơ quan chuyên môn đang lập các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án mới.
Theo ông Võ Văn Hùng - Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình, địa phương đang tập trung quản lý xây dựng ở vùng Đông Nam theo quy hoạch được duyệt. Cụ thể, đang kêu gọi đầu tư các dự án phát triển về nông nghiệp, du lịch, dịch vụ, nhà ở, bệnh viện, phát triển đô thị… Thăng Bình đã được UBND tỉnh chấp thuận dự án phát triển nhà ở thương mại ở khu dân cư Trà Đóa 1, Bình Đào và một số dự án được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương nghiên cứu đầu tư như khu đô thị phía bắc tuyến đường từ Cây Cốc - Bình Minh, khu đô thị mới tây Bình Minh, tây bắc Bình Minh, đông Bình Minh, bệnh viện phòng chống đột quỵ SIS....
Để triển khai thuận lợi các dự án trọng điểm ở vùng đông Thăng Bình trong thời gian đến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội ở huyện Thăng Bình đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận trong tổ chức thực hiện. Trong đó, đặc biệt coi trọng công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư, tạo quỹ đất sạch để triển khai các dự án đầu tư và xây dựng kết cấu hạ tầng.
“Thăng Bình cần nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu, tăng cường quản lý chặt chẽ hiện trạng sử dụng đất ở các xã có dự án. Thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện, phối hợp xử lý kịp thời, nghiêm minh các trường hợp xây dựng, cơi nới, chuyển mục đích sử dụng đất, trồng cây trái phép ở khu vực có dự án” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân nói.
LỰA CHỌN NHÀ ĐẦU TƯ CÓ NĂNG LỰC THỰC CHẤT
Quảng Nam đang lập các đồ án quy hoạch chiến lược, xác định các nhóm dự án để thu hút nhà đầu tư có năng lực thực chất. Chia sẻ với Báo Quảng Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng, với hệ thống hạ tầng đồng bộ, đặc biệt mạng lưới giao thông đa dạng, vùng Đông Nam hội đủ các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để phát triển.
* Tại vùng Đông, ngoài các dự án dịch vụ du lịch, bất động sản đang đầu tư và hoạt động hiệu quả thì cũng có không ít dự án triển khai ì ạch, gặp vướng mắc mặt bằng. Từ thực tế này, Quảng Nam sẽ làm gì để nâng cao chất lượng dự án đầu tư, thưa ông?
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh: Thời gian qua, UBND tỉnh đã rà soát tiến độ triển khai các dự án tại vùng Đông và đã thu hồi một số dự án chậm tiến độ. Chính quyền tỉnh chỉ đạo đánh giá các dự án tại Khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc và phân nhóm để giải quyết, có dự án phải thu hồi, có dự án phải điều chỉnh giảm quy mô, có dự án cho gia hạn tiến độ đầu tư…
Đối với các dự án vùng Đông Nam, UBND tỉnh tập trung hoàn chỉnh các quy hoạch cần thiết để thu hút nhà đầu tư có năng lực, thương hiệu, thực hiện các dự án quy mô lớn, không chia nhỏ, không gây ô nhiễm môi trường.
* Năng lực của nhà đầu tư và công tác giải phóng mặt bằng được xem là những điểm mấu chốt để nâng cao chất lượng dự án vùng Đông. Làm sao có thể đánh giá chính xác năng lực của nhà đầu tư; và giải pháp đột phá nào để nâng cao hiệu quả công tác giải phóng mặt bằng, thưa ông?
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh: Để lựa chọn được nhà đầu tư có năng lực, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 2131 ngày 30.7.2021 về hướng dẫn trình tự, thủ tục lựa chọn nhà đầu tư; Quyết định 2299 ngày 11.8.2021 về hướng dẫn thực hiện dự án nhà ở… Các quy định này đã khá đồng bộ và chặt chẽ để làm căn cứ quản lý dự án, lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các loại hình dự án trên địa bàn tỉnh.
Lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án thông qua các hình thức đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai; đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật về đấu thầu; lựa chọn nhà đầu tư theo tiêu chí; chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư.
Để làm tốt công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), Tỉnh ủy đã thành lập Ban Chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh. Theo đó, ban chỉ đạo yêu cầu các ngành, địa phương liên quan ký cam kết đảm bảo tiến độ GPMB. Ngoài ra, UBND tỉnh cũng thành lập Ban Chỉ đạo công tác GPMB nói chung.
Các quy định mới về GPMB cũng đã kịp thời được ban hành như Quyết định 42 ngày 21.12.2021; Quyết định 3924, Quyết định 3925 ngày 31.12.2021, chỉ đạo củng cố sắp xếp lại các đơn vị phát triển quỹ đất, tăng cường lực lượng cho Văn phòng Đăng ký đất đai cấp huyện, tăng biên chế cho các địa phương trọng điểm về đất đai.
Để giảm áp lực GPMB và hạn chế xáo trộn đời sống nhân dân, UBND tỉnh chỉ đạo ưu tiên sắp xếp, chỉnh trang những khu vực dân cư tập trung mật độ cao, chỉ GPMB những khu vực thực sự cần thiết trong quá trình triển khai các dự án.
* Trong quá trình rà soát, với các dự án không đạt yêu cầu, hướng xử lý của chính quyền tỉnh như thế nào?
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh: Các vướng mắc, phát sinh của từng dự án sẽ được chính quyền yêu cầu các ngành chức năng phối hợp với địa phương vào cuộc giải quyết kịp thời.
Dự án nào tiếp tục khởi động thì đôn đốc đẩy nhanh tiến độ, dự án nào không phù hợp thực tế thì điều chỉnh giảm quy mô diện tích, dự án nào chậm tiến độ đầu tư vì nguyên nhân khách quan thì cho gia hạn tiến độ đầu tư. Dự án nào không triển khai được thì phải dừng, thu hồi giấy phép, tạo quỹ đất thu hút các dự án đầu tư mới có nhu cầu thực sự.
* Thưa ông, Quảng Nam định hướng thu hút đầu tư chủ yếu vào vùng Đông như thế nào?
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh: Quảng Nam tập trung phát triển 4 nhóm ngành trong thời gian đến, bao gồm công nghiệp; du lịch - dịch vụ; nông nghiệp và đô thị. Đối với các dự án khu đô thị, khu dân cư sẽ căn cứ vào tốc độ tăng trưởng dân số tự nhiên, cơ học của từng địa phương, từng khu vực và nhu cầu của thị trường để triển khai các dự án sao cho phù hợp nhất.
Trong đó sẽ ưu tiên phát triển các khu đô thị lớn, sinh thái, ứng dụng công nghệ tiên tiến theo từng lĩnh vực đặc thù như đô thị hành chính, đô thị di sản, đô thị công nghiệp, đô thị du lịch, đô thị sân bay, đô thị cảng biển và đô thị giáo dục.
Đối với trung tâm các huyện, thị xã, thành phố hiện hữu sẽ phát triển ở quy mô vừa phải, đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị tại chỗ và phục vụ chủ yếu cho người dân địa phương.
Đối với các dự án du lịch, ngoài việc tiếp tục các loại hình du lịch truyền thống, Quảng Nam đã ban hành Bộ tiêu chí du lịch xanh làm cơ sở định hướng cho sản phẩm du lịch sinh thái, thân thiện với môi trường văn hóa, tự nhiên, du lịch có trách nhiệm với xã hội.
Ngoài ra, tỉnh sẽ chú trọng phát triển thêm loại hình du lịch sông nước, rừng núi, du lịch thể thao, chăm sóc sức khỏe, du lịch nông thôn, du lịch trải nghiệm với cộng đồng bản địa… để tăng thêm hấp dẫn và đáp ứng thị hiếu của du khách.
Xin cảm ơn ông!