Mở trục giao thông chiến lược

CÔNG TÚ 10/01/2022 13:52

Sáng nay 10.1.2022, dự án đường nối từ tỉnh lộ 609C đến quốc lộ 14B qua Đại Lộc, với điểm nhấn là cầu An Bình vượt sông Vu Gia, khởi công xây dựng. Công trình được kỳ vọng sẽ mở cơ hội thúc đẩy phát triển liên vùng tây bắc Quảng Nam.

Thi công chuẩn bị làm bãi đúc dầm cầu An Bình tại xã Đại Minh. Ảnh: CT
Thi công chuẩn bị làm bãi đúc dầm cầu An Bình tại xã Đại Minh. Ảnh: CT

Khát vọng

Rất nhiều người dân ở các xã dọc sông Vu Gia có đất nông nghiệp nằm ở bãi bồi bên kia sông, phải dùng ghe để vận chuyển vật tư phục vụ sản xuất, hoặc thu hoạch nông sản. Tuy nhiên, việc lênh đênh trên dòng sông tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.

Đường nối ĐT609C đến QL14B dài 3,93km (cầu An Bình dài 1.060,45m; cầu Km3+427,96 dài 90,5m). Nền đường cao hơn mức lũ báo động III, mặt cắt ngang rộng 9m, kết cấu mặt đường bê tông nhựa. Cầu rộng 9m, trong đó phần xe chạy rộng 8m. Xây dựng hệ thống điện chiếu sáng toàn tuyến. Tổng mức đầu tư 550 tỷ đồng (Trung ương 440 tỷ đồng, tỉnh 110 tỷ đồng). Dự án do Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh làm chủ đầu tư. Công trình này sẽ kết nối liên thông với dự án đường nối từ QL14H đến tuyến ĐT609C (sẽ được đầu tư trong thời gian tới), tạo thành trục dọc chiến lược mới thông suốt từ QL14B, vượt 2 sông Vu Gia và Thu Bồn đến QL14H thuộc địa phận Duy Xuyên, lên tới Nông Sơn.

“Nhận thấy di chuyển bằng ghe nguy hiểm quá, chúng tôi đành cho thuê lại diện tích đất màu bên kia sông Vu Gia. Đối với nhà nông mà nói, việc thiếu đất để sản xuất là rất khó khăn, nhưng không còn cách nào khác vì an toàn của chính mình” - ông Trương Văn Phương (thôn Lâm Yên, xã Đại Minh) trải lòng.

Lão nông này cho biết thêm, ông có bà con thân thuộc ở xã Đại Quang, chỉ cần đứng bên bờ gọi nhau đã nghe mồn một. Nhưng muốn qua thăm, ông phải đi tuyến đường tỉnh (ĐT) 609C vòng xuống Quảng Huế (các xã Đại An, Đại Hòa), theo ĐT609B ra thị trấn Ái Nghĩa, lên ĐT609 rồi mới tới nơi.

Ở các xã vùng B Đại Lộc, công nhân làm việc tại các nhà máy ven quốc lộ (QL) 14B thuộc các xã Đại Hiệp, Đại Nghĩa, Đại Quang, Đại Đồng hay thị trấn Ái Nghĩa phải di chuyển đường vòng, có người đi xa gần 30km.

Theo ông Phan Năm - Chủ tịch UBND xã Đại Minh, địa phương đặt ra nội dung đột phá cho nhiệm kỳ 2020 - 2025 là từng bước xây dựng khu đô thị Gia Cốc đạt tiêu chuẩn loại V.

Chính vì thế, việc mở rộng thị tứ Gia Cốc trở thành đô thị vệ tinh của huyện, nhất là kêu gọi đầu tư mở rộng hạ tầng dân cư, thương mại - dịch vụ ra hướng bắc giáp sông Vu Gia là tất yếu. Muốn vậy, một trục giao thông để kết nối giữa trung tâm vùng B với vùng C là mơ ước không chỉ riêng Đại Minh.

Còn ông Hồ Quách Triều Đổng - Chủ tịch UBND xã Đại Quang chia sẻ, ước mơ bao đời nay của người dân quê hương là có một cây cầu nối đôi bờ Vu Gia. Cây cầu ngoài tạo động lực phát triển mạnh mẽ về kinh tế, giao thương giữa Đại Quang với các xã vùng B, mà còn kết nối văn hóa, du lịch qua di tích Mỹ Sơn (Duy Xuyên).

Phác thảo cây cầu An Bình sẽ nối đôi bờ sông Vu Gia. Ảnh: CT
Phác thảo cây cầu An Bình sẽ nối đôi bờ sông Vu Gia. Ảnh: CT

Mở cơ hội phát triển

Tháng 4.2021, HĐND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư dự án đường nối từ ĐT609C đến QL14B. Qua nhiều bước chuẩn bị, ngày 10.1.2022, công trình chính thức được khởi công. Dự án có điểm đầu nối ĐT609C (địa phận xã Đại Minh), vượt sông Vu Gia bằng cầu An Bình, giao cắt với ĐT609 và kéo dài đến giáp QL14B (địa phận xã Đại Quang).

Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Đại Lộc - ông Nguyễn Hảo chia sẻ, công trình được đầu tư xây dựng nhờ sự quan tâm bố trí nguồn lực của Trung ương và tỉnh. Cầu An Bình khi hoàn thành sẽ giải quyết nhu cầu dân sinh bức xúc, rút ngắn khoảng cách đi lại giữa vùng B và vùng C, xóa bỏ các bến đò ngang nhiều nguy cơ. Công trình sẽ tạo thuận lợi kết nối phát triển kinh tế - xã hội liên vùng, đánh thức tiềm năng công nghiệp, thương mại - dịch vụ, du lịch, đô thị của địa phương.

Cũng theo ông Nguyễn Hảo, trục giao thông chiến lược này là hạng mục công trình lớn, hiện thực hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Đại Lộc lần thứ XXII (nhiệm kỳ 2020 - 2025) về đột phá xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, trọng tâm là giao thông. Từ đó, tạo cú hích thúc đẩy hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế, đô thị, nông thôn.

Ông Hồ Quách Triều Đổng - Chủ tịch UBND xã Đại Quang cho biết, công trình có ý nghĩa giữa thời điểm xã Đại Quang đang định hướng liên kết vùng du lịch sinh thái (làng cây ăn quả Phương Trung). Trục đường còn tạo thuận lợi ứng phó với thiên tai, cơ động xử lý các tình huống về an ninh - quốc phòng. Kết cấu hạ tầng được nâng cấp hiện đại, các cụm Mỹ An và Đại Quang sẽ là điểm đến của các nhà đầu tư; góp phần thiết thực vào mục tiêu xây dựng hoàn thành “Xã nông thôn mới kiểu mẫu” vào năm 2024.

Theo ông Phan Năm - Chủ tịch UBND xã Đại Minh, xã có 178 hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án, trong đó 30 hộ cần bố trí tái định cư. Qua họp dân, bà con đồng tình ủng hộ thực hiện dự án. Ban đầu, địa phương đã phối hợp với cơ quan, đơn vị chức năng kiểm kê, thu hồi đất và bàn giao được mặt bằng để thi công bãi đúc dầm và đường dẫn ra mố cầu phía nam. Thời gian tới, xã tiếp tục phối hợp giải phóng mặt bằng, đồng thời đảm bảo ổn định đời sống cho người dân bị ảnh hưởng.

CÔNG TÚ