Giải phóng mặt bằng Dự án khu phố mới Phước An: Đối thoại với dân để tạo đồng thuận
Dự án khu phố mới Phước An (thị trấn Tiên Kỳ, Tiên Phước) được phê duyệt từ năm 2014, nhưng đến nay vẫn chưa xong giải phóng mặt bằng. UBND huyện Tiên Phước đã đối thoại với các hộ dân để tạo sự đồng thuận.
Đối thoại cởi mở
Dự án khu phố mới Phước An kéo dài nhiều năm chưa thi công, khiến nhiều hộ dân được bố trí tái định cư ở đây than phiền vì phải sống trong cảnh ngập úng mỗi mùa mưa đến. Nhu cầu của người dân là bức thiết, nhưng mặt bằng vẫn còn vướng. Mới đây, UBND huyện Tiên Phước đã đối thoại với 2 hộ dân là Nguyễn Thị Hạnh (ông Lê Thông đại diện) và Đinh Văn Hường (ông Đinh Văn Huấn đại diện).
Tại buổi đối thoại, Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước Nguyễn Hùng Anh cho biết dự án này kéo dài quá lâu, nhiều hộ dân được bố trí tái định cư ở đây chưa thể làm nhà lại, gây bức xúc trong nhân dân. Huyện đã thực hiện bồi thường theo quy định, thậm chí vận dụng cơ chế có lợi cho người dân trong quy định cho phép.
Ông Nguyễn Hùng Anh nói: "Nếu hộ dân nào còn vướng mắc, nguyện vọng gì nữa thì trong buổi đối thoại này hãy thẳng thắn nêu lên. Nếu thực hiện được thì Nhà nước không tiếc gì với người dân cả. Vì đã quá lâu rồi, nên huyện cũng đã thành lập ban cưỡng chế thu hồi đất. Tôi mong qua buổi đối thoại này, hộ dân nhận ra được và mất, tất cả vì lợi ích chung".
Ông Đinh Văn Huấn nói: "Trong đơn giá bồi thường cây cối trên đất của gia đình tôi chỉ có 126 triệu đồng, chênh lệch giá gần 30 triệu đồng so với giá tôi tính toán. Giá bồi thường 9 vị mả đất của gia đình tôi không đủ để gia đình cải táng lại mồ mả ông bà.
Trong khu đất này còn có các vị mả tộc Lê mà tôi không biết đã kiểm kê, bồi thường cho ai, cần thông báo rõ để sau này không tranh chấp. Gia đình tôi cũng kiến nghị ngoài 200m2 tái định cư có nộp thêm tiền sử dụng đất thì gia đình có thể được mua thêm 1 lô đất giá sàn".
Còn ông Lê Thông thì nói: "Thật sự hoàn cảnh gia đình tôi quá khó khăn, nếu mất đám ruộng sẽ không còn sinh kế. Nhà nước có thể xem xét bố trí cho gia đình tôi 1 lô đất tái định cư được không. Hay cho mua với giá thấp nhất chứ gia đình không có điều kiện để đóng tiền mua đất".
Tạo đồng thuận
Trả lời các hộ dân, ông Đoàn Văn Công - Trưởng phòng TN-MT huyện Tiên Phước cho biết, trường hợp của gia đình ông Huấn, huyện đã kiểm kê lại và áp giá tổng cộng là 153 triệu đồng chứ không phải 126 triệu đồng.
Với 3 vị mả tộc Lê thì chúng tôi sẽ có văn bản và chịu trách nhiệm về việc đã kiểm kê, bồi thường cho ai để gia đình ông Huấn không chịu trách nhiệm. Riêng 9 vị mả đất của gia đình sẽ bố trí đất nghĩa địa ở Tiên Châu để gia đình cải táng mộ, và sẽ hỗ trợ cho gia đình như đã hỗ trợ cho các hộ dân khác là thêm 1 lần giá bồi thường. Yêu cầu được mua thêm 1 lô đất giá sàn của gia đình là không thể được vì quy định không cho phép. Gia đình ông chỉ được bố trí 200m2 theo giá đất tái định cư.
Với trường hợp của ông Thông, ông Nguyễn Hùng Anh yêu cầu chủ đầu tư là Công ty CP Đầu tư phát triển hạ tầng Quảng Nam xem xét vận dụng chính sách hỗ trợ.
Ông Nguyễn Đức Hạnh - Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư phát triển hạ tầng Quảng Nam nói: "Xét thấy hoàn cảnh gia đình ông Thông khó khăn, nên công ty thống nhất sẽ tạo điều kiện để gia đình có được lô đất tái định cư, làm sinh kế sau này.
Với số tiền bồi thường 114 triệu đồng, ông Thông để lại cọc, phần chênh lệch là 147 triệu đồng so với giá quy định của UBND tỉnh hiện nay là 291 triệu đồng/lô, công ty sẽ để ông Thông trả góp không lãi suất trong vòng 5 năm.
Nếu UBND tỉnh phê duyệt giá sàn của lô đất cao hơn 291 triệu đồng, công ty sẽ chịu phần chênh lệch, ông không phải trả thêm khoản phí nào. Công ty sẽ hỗ trợ thêm cho ông Thông 10 triệu đồng để trang trải cuộc sống".
Hai hộ gia đình đã đồng thuận với phương án trên của UBND huyện và chủ đầu tư dự án. Dự án này vẫn còn 6 hộ dân chưa đồng ý bàn giao mặt bằng, UBND huyện Tiên Phước sẽ tiếp tục đối thoại, vận động trong tháng 12.2021.