Lại bất cập chuyện thu hồi đất

NGUYỄN TRẦN 14/12/2021 07:46

Năm 2021, các địa phương trong tỉnh tái diễn tình trạng đăng ký danh mục thu hồi đất với diện tích lớn, nhưng thực hiện theo tỷ lệ nghịch.

Nhiều năm nay tái diễn tình trạng các địa phương đăng ký thu hồi đất lúa rất nhiều nhưng thực tế thực hiện rất thấp. Ảnh: H.P
Nhiều năm nay tái diễn tình trạng các địa phương đăng ký thu hồi đất lúa rất nhiều nhưng thực tế thực hiện rất thấp. Ảnh: H.P

Luật Đất đai năm 2013 quy định, các dự án do HĐND cấp tỉnh chấp thuận bắt buộc phải đăng ký danh mục thu hồi đất mỗi năm. Những năm gần đây, không ít địa phương dễ dãi đăng ký thu hồi với diện tích lớn mặc dù rất mơ hồ về nhu cầu sử dụng đất cũng như tính khả thi của các dự án.

Năm 2021, HĐND tỉnh thông qua nghị quyết cho phép các địa phương trong tỉnh thu hồi gần 1.313ha đất lúa, đất rừng phòng hộ và rừng đặc dụng. Tuy nhiên, thời điểm này, kết quả thực hiện chỉ gần 73ha (chiếm hơn 5,5% so với diện tích được duyệt).

Năm 2022, đề xuất chuyển tiếp 73,2% danh mục thu hồi đất của năm 2021

Theo UBND tỉnh, năm 2021, trong số 1.998 danh mục công trình đăng ký được HĐND tỉnh phê duyệt, thì chỉ có 205 danh mục được phê duyệt (chiếm 10,8%); thu hồi 645,5ha trong tổng số 8.908,5ha đã duyệt (đạt 7,2%). Còn năm 2022, có 1.274 danh mục các dự án thu hồi đất thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh. Trong số này có 933 danh mục (tỷ lệ 73,2%) chuyển tiếp từ các danh mục thu hồi đất của năm 2021 đã được HĐND tỉnh thông qua.

Trong số này, đất rừng phòng hộ đăng ký gần 19ha, nhưng năm nay toàn bộ diện tích trên không thu hồi do không có dự án; thu hồi đất trồng lúa nước chỉ chiếm hơn 5,5%.

Báo cáo của UBND tỉnh cho thấy, diện tích thực hiện thu hồi đất đạt kết quả thấp so với đăng ký. Điển hình, Tam Kỳ thu hồi đất chỉ đạt 14,6%, Hội An 10,7%, Điện Bàn hơn 6,5%, Hiệp Đức 15,2%, Bắc Trà My 12,2%, Quế Sơn 10,4%, Tiên Phước 11,7%, Thăng Bình 5,4%, Núi Thành hơn 6,8%...

Theo UBND tỉnh, phần lớn địa phương đồng bằng đăng ký nhiều dự án nhưng không thực hiện được là do chưa có nguồn vốn đầu tư, hoặc chưa đảm bảo đầy đủ thủ tục đầu tư.

Thêm vào đó, nhiều dự án của các ngành đã phân bổ vốn trong năm nhưng không có kế hoạch sử dụng đất hoặc danh mục thu hồi đất được HĐND tỉnh thông qua, phải xin ý kiến bổ sung nhiều lần trong năm.

Trong khi đó, theo các địa phương, vướng mắc phổ biến nhất là chậm trễ trong quá trình thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư, quy trình thu hồi đất, giao đất…

Theo tìm hiểu, tại Điện Bàn, Hội An do các dự án khu đô thị, khu dân cư tồn tại trước đây phải rà soát lại hồ sơ, thủ tục pháp lý để đảm bảo đúng quy định nên chậm triển khai.

Ngoài ra, thực hiện thủ tục đầu tư các dự án khu dân cư, khu đô thị từ nguồn vốn xã hội hóa theo hình thức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo Nghị định số 25, ngày 28.2.2020 của Chính phủ (quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư) còn kéo dài thời gian, dẫn đến chậm tiến độ thực hiện dự án.

NGUYỄN TRẦN