Giải phóng mặt bằng thi công đường dây 500kV Quảng Trạch - Dốc Sỏi: Vì sao người dân chưa đồng tình?
Đường dây 500kV Quảng Trạch - Dốc Sỏi do Ban Quản lý các công trình điện trọng điểm miền Trung (Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia) làm chủ đầu tư vẫn chưa thể kéo dây do vướng một số hộ dân chưa chịu nhận bồi thường.
Đến ngày 29.11, huyện Tiên Phước có 16 hộ, huyện Nông Sơn có 3 hộ chưa nhận tiền bồi thường, huyện Núi Thành có 13 hộ chưa nhận tiền và 10 hộ yêu cầu hỗ trợ thêm.
Tại Tiên Phước, trong những ngày qua, Tổ công tác về bồi thường, giải phóng mặt bằng đường dây 500kV đến vận động các hộ dân. Đối với 3 hộ Huỳnh Tiến Dũng, Huỳnh Như Đẳng, Bùi Thanh Tịnh (xã Tiên Lãnh) có phần đất liên quan đến đất rừng phòng hộ, đang chờ phê duyệt phương án bồi thường để chi trả.
Theo đại diện tổ công tác, dự kiến trong hôm nay 30.11, sẽ có thêm 2 hộ Phạm Văn Tây (xã Tiên An) và Lê Minh Niệm (xã Tiên Ngọc) sẽ nhận bồi thường. Hộ ông Phạm Văn Tây xây dựng nhà trái phép dưới hành lang tuyến, nhưng yêu cầu bồi thường nhà, trái với quy định nên tổ công tác đã giải thích, hỗ trợ để gia đình tháo dỡ nhà.
Sau thời gian dài kiên trì vận động, ông Tây đã đồng ý nhận bồi thường, hỗ trợ, bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Như vậy, địa phương vướng mắc nhiều nhất là Tiên Phước còn 14 hộ chưa nhận tiền hỗ trợ tính đến ngày 30.11.
Theo ông Nguyễn Hùng Anh - Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước, phần lớn người dân trên địa bàn xã Tiên Lãnh, Tiên Ngọc, Tiên Hiệp, Tiên An chấp hành tốt chủ trương, nhận tiền bồi thường, tháo dỡ nhà cửa để bàn giao mặt bằng thi công dự án.
Tuy nhiên, một số hộ trên hành lang tuyến vẫn chưa nhận tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Tổ công tác các xã đã nhiều lần vận động, giải thích; Huyện ủy, UBND huyện đã thành lập các tổ công tác tổ chức đối thoại nhiều lần, tuy nhiên người dân vẫn không chấp hành và có những yêu cầu, đòi hỏi không đúng theo quy định pháp luật.
Ở xã Tiên Lãnh, các hộ Phạm Văn Vinh, Phạm Thị Phúc, Phạm Đình Tân đã thống nhất với đơn giá bồi thường, nhưng yêu cầu bố trí tái định cư, hỗ trợ thêm về sản xuất. Tuy nhiên, các hộ này xây dựng nhà trên đất nông nghiệp nên không được xét tái định cư theo quy định. Hộ ông Trần Minh Phương cho rằng đơn giá thấp, gia đình đông con nên yêu cầu bố trí 3 lô tái định cư, nhưng theo quy định hộ được bố trí 2 lô.
Tại xã Tiên Ngọc, hộ Huỳnh Tấn Hạnh được bồi thường với tổng số tiền hơn 18,4 triệu đồng, ông yêu cầu bồi thường vật kiến trúc (chuồng heo, lán trại) thì gia đình mới thống nhất nhận tiền. Tuy nhiên vật kiến trúc được hộ ông Hạnh xây dựng trong thời gian thực hiện phương án giải tỏa nên địa phương đề nghị không bồi thường tài sản vật kiến trúc theo nguồn gốc đất.
Ông Hạnh đồng ý cho thi công kéo dây với điều kiện không làm ảnh hưởng đến tài sản trên đất. Hộ Phan Văn Tư được bồi thường với tổng số tiền hơn 378,9 triệu đồng nhưng ông Tư không đồng ý nhận với lý do là giá trị bồi thường, hỗ trợ đất cây lâu năm đơn giá thấp, và yêu cầu bồi thường, hỗ trợ lên đến 700 triệu đồng. Hộ Đỗ Ngọc Tuấn được bồi thường hơn 831,5 triệu đồng, chưa đồng ý nhận tiền với lý do đơn giá bồi thường thấp, yêu cầu bồi thường 1 tỷ đồng.
Tại huyện Núi Thành, toàn bộ 13 hộ chưa chịu nhận bồi thường đều ở xã Tam Mỹ Tây. Các hộ dân đều đã được phê duyệt phương án bồi thường, mời nhận tiền bồi thường 3 lần nhưng vẫn không nhận với lý do giá cây, đất, vật kiến trúc áp theo khung quy định của Nhà nước thấp, yêu cầu được hỗ trợ thêm. Ngày 30.11, xã Tam Mỹ Tây cùng với các đơn vị mời những hộ dân này làm việc để tiếp tục giải quyết.
Ba hộ còn lại ở huyện Nông Sơn đều là người dân xã Ninh Phước. Trong đó, hộ ông Đỗ Thế Bốn được bồi thường hỗ trợ hơn 137,6 triệu đồng, ông đã nhận tiền vào ngày 10.11.2021.
Thế nhưng, khi đơn vị thi công kéo dây thì gia đình cản trở thi công, yêu cầu hỗ trợ thêm công khai hoang, ổn định đời sống sản xuất. Các địa phương sẽ tiếp tục vận động đối với những hộ dân này trước khi tính đến phương án cuối cùng là bảo vệ thi công, đảm bảo không trễ tiến độ thực hiện dự án trọng điểm quốc gia.