Thu hẹp hay tạm dừng các dự án thuê đất trả tiền một lần: Khó phân định
Nhiều đại biểu tranh biện về chuyện thu hẹp hay tạm dừng các dự án thuê đất trả tiền một lần tại phiên họp do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân chủ trì vào sáng qua 15.11. Khu vực, dự án nào được lựa chọn trả tiền một lần hay hàng năm đang chờ quyền quyết định từ Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Đề xuất phương án
Theo Luật Đất đai 2013 (khoản 1, Điều 56), doanh nghiệp được quyền lựa chọn việc thuê đất trả tiền hằng năm hoặc trả tiền một lần cho cả thời gian thuê. Tuy nhiên, trong Nghị quyết số 82, ngày 14.6.2019, Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ “Nghiên cứu thu hẹp các trường hợp cho thuê đất thu tiền một lần cho cả thời gian thuê, chuyển sang hình thức thuê đất hằng năm để đảm bảo nguồn thu ổn định từ đất đai”.
Ông Lương Thiện Phước – Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai Quảng Nam cho biết, thực thi các kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và công văn của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh, Sở TN&MT đã khảo sát thực tế, khu vực đầu tư sản xuất, kinh doanh có tính ổn định, ít chịu ảnh hưởng của quá trình phát triển kinh tế - xã hội địa phương và đề xuất các trường hợp được thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê hoặc tạm dừng cho đến khi Luật Đất đai sửa đổi.
Cụ thể, các dự án đầu tư thuê đất tại khu công nghiệp, cụm công nghiệp (CCN) và khu kinh tế được trả tiền một lần. Các dự án đầu tư khu vực đô thị (đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp, thương mại, dịch vụ) và khu vực nông thôn (thương mại, dịch vụ) sẽ bị tạm dừng.
Nhiều địa phương “đồng ý” với chuyện thu hẹp diện dự án trả tiền thuê đất một lần. Ông Nguyễn Minh Lý – Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An nói rất khó để định giá cho chu kỳ 50 năm. Nếu định giá thu một lần thấp, khi giá đất cao ngân sách sẽ bị ảnh hưởng.
Ông Lý cho rằng, CCN Thanh Hà chủ yếu dành di dời các cơ sở sản xuất. Quỹ đất dự án mới còn lại rất ít. Nếu cấp quyền sử dụng đất từ thu tiền thuê một lần sẽ rất khó khăn khi xử lý các dự án không thể tiến hành sản xuất.
Đồng quan điểm, ông Hồ Ngọc Mẫn – Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc cho biết có một số dự án thiếu hiệu quả, ảnh hưởng môi trường ở các CCN tại địa phương. Một khi thu tiền thuê đất một lần sẽ rất khó điều chỉnh hoặc thu hồi các dự án đầu tư yếu vì doanh nghiệp có thể chuyển nhượng dự án qua doanh nghiệp khác. Thu hẹp là điều cần tính đến.
Ông Phạm Văn Trung – Trưởng phòng Hợp tác đầu tư (Sở KH&ĐT) nói Nghị quyết của Quốc hội là một chủ trương cần thực hiện. Thực tế có nhiều doanh nghiệp thuê đất trả tiền một lần nghĩ là họ đã được toàn quyền, dẫn đến không đầu tư công trình, chậm tiến độ, và sau đó chuyển nhượng đất đai, nhưng Nhà nước rất khó để thu hồi dự án. Có thể tạm dừng hay thu hẹp diện trả tiền một lần, chờ luật điều chỉnh và nhà đầu tư sẽ lại được quyền lựa chọn hình thức nào có lợi cho họ.
Hãy để doanh nghiệp tự quyết định
Lịch sử đầu tư cho thấy những nhà đầu tư thực sự, năng lực tài chính mạnh đã lựa chọn hình thức nộp tiền thuê đất một lần. Xu hướng này ngày càng gia tăng. Theo các cơ quan quản lý, các nhà đầu tư đều muốn trả tiền thuê đất một lần để ổn định pháp lý, tài chính, kế hoạch sản xuất hay có thể liên doanh, liên kết, chuyển nhượng, thế chấp vay vốn... Khi Luật Đất đai chưa thay đổi mà thu hẹp quyền của doanh nghiệp là đi ngược với quan điểm thay đổi thể chế và đơn giản hóa thu hút đầu tư.
Theo ông Bùi Ngọc Ảnh – Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ, cần có thêm cơ chế về thu tiền đất một lần cho các dự án đấu giá đất sạch. Các nhà đầu tư, nhất là các dự án FDI đều muốn trả tiền thuê một lần vì họ rất sợ sự thay đổi, điều chỉnh liên tục của giá đất.
Ông Ảnh cho rằng khi luật điều chỉnh không cho phép thì sẽ áp dụng việc dừng hay thu hẹp. Thực hiện trả tiền thuê đất một lần để cho doanh nghiệp có được sự ổn định dài lâu, tự tin đầu tư, bởi thang giá đất, cứ điều chỉnh (5 năm/lần) gây khó cho nhà đầu tư. Buổi giao thời này hãy để toàn quyền cho doanh nghiệp lựa chọn.
Còn ông Phan Xuân Cảnh - Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên cho rằng luật đã quy định hai sự lựa chọn. 10 năm trước khuyến khích trả tiền đất một lần thì doanh nghiệp không chịu, nhưng sau này khi thấy luật liên tục sửa đổi (chỉ ổn định trong 5 năm) nên muốn nộp một lần. Các địa phương cũng có ngay nguồn thu.
Quan điểm của ông Hoàng Châu Sơn – Phó Trưởng ban Quản lý các khu kinh tế, khu công nghiệp Quảng Nam có chút khác biệt. Ông Sơn cho hay Luật Đất đai vẫn là cao nhất. Không cần thu hẹp hay mở rộng. Thu tiền một lần hay thu hằng năm đều có những mặt tích cực của nó.
Theo thực tiễn, doanh nghiệp chọn hình thức nộp thế nào đều tùy theo phương án sản xuất, kinh doanh. Cái quan trọng là hiệu quả đầu tư của doanh nghiệp mới mang lại lợi ích cho ngân sách dài lâu, bền vững chứ không phải giá đất.
Địa phương có nhiều cách để quản lý chuyện cho thuê đất trả tiền một lần hay hàng năm để đảm bảo ổn định nguồn thu từ đất đai mà không xử lý, giải quyết hậu quả một khi các dự án không thể thực hiện.
Tranh biện về dự án, khu vực nào sẽ bị thu hẹp, tạm dừng hay để doanh nghiệp tự quyền chọn lựa theo Luật Đất đai chưa đi đến kết quả cuối cùng. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân cho hay mọi ý kiến sẽ được tổng hợp. Quyền quyết định cuối cùng về sự vụ này sẽ thuộc về Ban Thường vụ Tỉnh ủy.