An toàn cho học sinh tới trường
Bên cạnh nỗi lo ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, phụ huynh và giáo viên các trường học còn canh cánh không yên trước rủi ro mất an toàn giao thông (ATGT) mà học sinh phải đối mặt trên đường đến trường.
Thấp thỏm hạ tầng
Ngày tựu trường đã điểm và cũng chính là lúc báo hiệu mùa mưa bão sắp tới gần. Và mỗi mùa mưa bão, điểm yếu về hạ tầng giao thông càng bộc lộ rõ hơn, nhất là đường huyện (ĐH), đường xã (ĐX), sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự ATGT.
Thực trạng này rơi đúng vào “mùa học tập” của học kỳ I, tác động đáng kể đến việc đi lại an toàn của học sinh, nguy cơ mất an toàn trên đường đến trường vẫn luôn hiện hữu.
Học sinh có rất nhiều lựa chọn như đi bộ, đi xe đạp, xe đạp điện, xe máy điện hoặc xe máy có dung tích xi-lanh dưới 50 phân khối. Tuy nhiên, phụ huynh và các em cần nắm bắt một số quy định cơ bản để tham gia giao thông đúng luật, ATGT. Đơn cử, học sinh chưa đủ 16 tuổi không được lái xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50 cm3. Người điều khiển mô tô, xe gắn máy, người điều khiển xe đạp máy, xe đạp điện, người được chở trên xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện, xe đạp điện và các loại xe tương tự đều bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn, cài quai đúng quy cách. Trẻ từ 6 tuổi trở lên bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm...
Chẳng hạn, chỉ cần nước lũ lên nhanh trên báo động 2, không ít trục giao thông huyết mạch như quốc lộ 14H qua Duy Xuyên, Nông Sơn, ĐT611 qua Nông Sơn, quốc lộ 40B qua Bắc Trà My, hay ĐT609 qua Đại Lộc liền bị ngập sâu, học sinh chưa suy nghĩ thấu đáo nên liều lĩnh băng qua sẽ có nguy cơ bị cuốn trôi. Tại trung tâm huyện lỵ Đại Lộc, đường Huỳnh Ngọc Huệ với điểm cầu Ngoại Thương là vị trí thường xảy ra ngập bởi lũ trên sông Vu Gia.
Ông Trương Đình A - Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự thị trấn Ái Nghĩa, Đại Lộc chia sẻ, tính riêng tháng 11.2020, nước băng qua cầu Ngoại Thương không dưới 20 lần, khiến lưu thông bị ngưng trệ, học sinh đến trường đành phải đường vòng dù nước sông mới báo động 2.
Ở các huyện miền núi, học sinh không những di chuyển khó khăn mà còn đối mặt với nguy cơ bị đẩy xuống vực sâu bởi đất, đá từ taluy dương bị nước ngấm lâu có thể sạt trượt bất kể lúc nào. Trong khi đó, việc thi công những tuyến đường bị phá tan hoang vào mùa mưa bão năm 2020 chưa xong đâu vào đâu.
Tại huyện Phước Sơn, trục giao thông huyết mạch kết nối từ đường Hồ Chí Minh qua địa bàn các xã Phước Đức, Phước Chánh, Phước Kim và Phước Thành dài khoảng 41km năm vừa qua có 41 vị trí bị sạt lở rất nặng; nền và mặt đường, cầu bản, cống bị xói trôi; đất, đá và cây cối sạt lở xuống lấp mất mặt đường làm tê liệt lưu thông nhiều ngày. Với mức độ hư hại như thế, quá trình thi công khắc phục kiên cố cần có nhiều thời gian, vậy nhưng mưa lũ lại không thể chờ.
Nguy cơ từ thiếu ý thức ATGT
Nỗi lo mất ATGT cho trẻ đến trường chưa bao giờ thôi day dứt, khi tai nạn trên đường bộ chiếm tỷ lệ hầu hết trong tổng số vụ tai nạn giao thông xảy ra hằng năm trên địa bàn tỉnh.
Học sinh lưu thông bằng đường bộ để tới và rời trường mỗi ngày phải đối mặt bao hiểm họa rình rập trước dòng xe cộ qua lại, bởi trong số người tham gia giao thông ấy có không ít trường hợp thiếu tuân thủ các quy tắc an toàn, dẫn đến va chạm.
Mất ATGT còn xuất phát từ chính học sinh và phụ huynh. Trên đường bộ vẫn thường thấy hình ảnh học sinh đạp xe dàn hàng 3, hàng 4 và vô tư cười đùa, không chú ý quan sát.
Thực trạng này dễ dẫn đến tự gây tai nạn với nhau, hoặc tay lái loạng choạng sẽ khiến người lưu thông từ sau chạy tới bị bất ngờ đâm phải. Một số em còn được phụ huynh “tiếp tay” giao xe máy tự điều khiển tới trường, đi học thêm và cũng không bắt buộc con mình đội mũ bảo hiểm.
Theo ông Lê Ngọc Sơn - Phó Chánh Thanh tra phụ trách ATGT (Thanh tra Sở GTVT), những năm qua, các ban ngành chức năng và nhà trường rất quan tâm đến giáo dục văn hóa giao thông nhằm góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật về trật tự ATGT, xây dựng ý thức tham gia giao thông an toàn cho học sinh.
Nhưng nhìn từ thực tế, hiệu quả chưa đạt được như mong muốn, bởi lẽ ngay chính một bộ phận phụ huynh còn thiếu ý thức tuân thủ các quy tắc khi tham gia giao thông.
Vậy mới có chuyện, trước cổng trường luôn luôn xuất hiện nhiều bậc phụ huynh đến đón con mà bản thân “nói không” với mũ bảo hiểm, bảo sao làm tấm gương cho trẻ noi theo. Trong khi đó, phụ huynh lại đóng vai trò quyết định trong giáo dục ý thức chấp hành pháp luật về ATGT của con em mình.