Trắc trở trục ngang quốc lộ

CÔNG TÚ 05/09/2021 05:32

Những trục ngang quốc lộ (QL) đi về các huyện miền núi vẫn còn trắc trở, khi nhiều điểm yếu cố hữu về tiêu chuẩn kỹ thuật, bề ngang mặt đường, độ dốc lớn... vẫn chưa được khắc phục, gây mất an toàn giao thông (ATGT). 

Nền, mặt đường QL14G tiêu chuẩn kỹ thuật thấp nên nhanh chóng xuống cấp, hư hỏng. Ảnh: C.T
Nền, mặt đường QL14E tiêu chuẩn kỹ thuật thấp, chật chội và mất ATGT. Ảnh: C.T

Trắc trở đường miền núi

Năm 2020, dự án xây dựng 4 cây cầu trên QL14G đoạn qua địa phận huyện Đông Giang, gồm Km32+480, Sông Vàng, Sông Kôn và Dốc Rùa 2 của Tổng Cục đường bộ Việt Nam hoàn thành, đưa vào sử dụng.

Người dân lưu thông và lãnh đạo địa phương khấp khởi mừng vì các cây cầu này sẽ thay thế 4 ngầm tràn trên tuyến - nơi từng xảy ra nhiều vụ tai nạn do bị nước lũ đột ngột đổ về, băng qua cuốn trôi người và phương tiện.

Tuy nhiên, nhiều người bày tỏ chưa hài lòng khi lưu thông trên tuyến QL huyết mạch này rằng cầu xây mới nhưng bề ngang còn nhỏ, chỉ rộng 7,5m thì cũng sẽ sớm quá tải thôi. Đặc biệt, toàn bộ mặt cắt đường dài mấy chục cây số đều chưa được nâng cấp, mở rộng.

Đề xuất bố trí kinh phí để nâng cấp nhiều tuyến đường

Theo Sở GTVT, ngành sẽ tiếp tục báo cáo, tham mưu UBND tỉnh đề xuất cấp thẩm quyền bố trí kinh phí để thực hiện nâng cấp, mở rộng mặt đường đối với các tuyến có lưu lượng phương tiện giao thông lớn, quá tải. Cải tạo các tuyến có mặt đường đã quá tuổi thọ, bị hư hỏng nặng.

Bố trí hệ thống tường hộ lan, đường tránh nạn tại những vị trí nguy hiểm. Giải tỏa các vị trí khuất tầm nhìn, bố trí gương cầu lồi, biển cảnh báo để đảm bảo tầm nhìn hoặc thông tin cho lái xe biết nhằm giảm tốc độ, cẩn thận khi đi qua khu vực này; rà soát thiết kế tổ chức giao thông hợp lý. Đồng thời cải tạo các tuyến đường có yếu tố kỹ thuật bị hạn chế, cải tạo các điểm nguy cơ mất ATGT.

Xuất phát từ ven biển Bình Minh, QL14E là trục ngang chiến lược qua địa phận Thăng Bình, lên Hiệp Đức và kết nối với đường Hồ Chí Minh tại Phước Sơn. Đã từ lâu, cung đường này “nổi tiếng” về độ hẹp, mất ATGT, mau sụt lún hư hỏng mặc dù vừa bảo trì, sửa chữa.

Hiện nay, chỉ có đầu tuyến được nâng cấp, đồng thời mở rộng đoạn ngã 3 Cây Cốc (giáp QL1) thuộc thị trấn Hà Lam lên tới chợ Bình Quý (xã Bình Quý). Phần lớn mặt đường còn lại qua Thăng Bình, Hiệp Đức, Phước Sơn chật chội, một ô tô chạy phía sau một ô tô khác không thể vượt lên. Nếu có thể vượt lên phía bên trái, ô tô dễ phải đối đầu với phương tiện đi ngược chiều.     

Quay trở lại QL14G, chính đơn vị được Tổng Cục đường bộ Việt Nam giao nhiệm vụ làm đại diện chủ đầu tư triển khai dự án 4 cây cầu thay thế 4 ngầm tràn từng ca thán: “Vật liệu như cát, đá, thép phải tập kết từ TP.Đà Nẵng lên công trường gặp nhiều khó khăn do tuyến đường hiện hữu chưa được nâng cấp nên nhỏ hẹp, đường nhiều khúc cua, quanh co và có độ dốc lớn”.

Hiệp Đức là địa phương miền núi đạt nhiều kết quả trong kêu gọi, thu hút đầu tư thời gian qua. Tuy nhiên, ông Nguyễn Như Công - Chánh Văn phòng UBND tỉnh, nguyên Chủ tịch UBND huyện Hiệp Đức cho rằng, trục giao thông chính QL14E đang là “điểm nghẽn”, hạ tầng không đáp ứng kịp với tốc độ gia tăng của phương tiện, nhất là ô tô tải chuyên chở nguyên vật liệu, hàng hóa vào ra các nhà máy đóng trên địa bàn. Chưa kể mùa mưa bão, giao thông nhiều khi bị ách tắc do sạt lở taluy, gây tai nạn cho người đi đường và ách tắc giao thông.  

Cần sớm cải tạo

Giám đốc Sở GTVT Văn Anh Tuấn - Phó Trưởng ban Thường trực Ban ATGT tỉnh cho biết, địa bàn tỉnh đang hiện hữu nhiều tuyến đường có kết cấu mặt đường nhựa đã hết tuổi thọ, kết hợp với nhiều xe tải nặng lưu thông nên mặc dù có sửa chữa, bảo trì nhưng thường xuyên bị hư hỏng, xuất hiện ổ gà, nhất là vào mùa mưa, gây nguy hiểm cho phương tiện lưu thông.

Có những đoạn tuyến chạy bên cạnh vực sâu nhưng chưa có tường hộ lan phòng hộ, hoặc có độ dốc dọc lớn liên tục. Bán kính đường cong nằm nhỏ, độ dốc siêu cao không phù hợp, độ dốc dọc đường lớn và đổ dốc liên tục, đường cong nằm và đường cong đứng thiết kế không phối hợp hài hòa, tầm nhìn hạn chế.

Không chỉ mất ATGT, những hạn chế, bất cập mà ông Văn Anh Tuấn nêu đã ảnh hưởng lớn đến lưu thông hàng hóa, khó đáp ứng nhu cầu phát triển của các địa phương mà tuyến đường đi qua. Đáng chú ý, hầu hết trục ngang QL đi về các huyện miền núi đều có chung thực trạng này, đó là các tuyến 40B (Tam Kỳ - Nam Trà My), 14D (Nam Giang), 14H (Hội An - Nông Sơn), 14B (Đại Lộc - Nam Giang), 14E và 14G.

Điển hình như QL40B, trừ đoạn đang có dự án đầu tư từ đầu tuyến lên đến thị trấn Tiên Kỳ (Tiên Phước), lý trình tại trung tâm Tiên Phước lên giáp Kon Tum chỉ liên hoàn, chứ không thông suốt và an toàn. Trong khi đó, xuất phát điểm về mọi mặt của địa phương miền núi vốn rất thấp, chủ yếu nhận trợ cấp từ ngân sách nhà nước, nhưng ngược lại “mạch máu của nền kinh tế” yếu kém đang kìm hãm sự phát triển.  

Theo ông Hồ Quang Minh - Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang, địa phương thời gian qua tích cực kêu gọi doanh nghiệp về đầu tư, khai phá tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Vậy nhưng, phần lớn trong số đó “một đi không trở lại”, bởi do trục QL14G từ Đà Nẵng lên, giáp với đường Hồ Chí Minh tại thị trấn Prao (trung tâm huyện Đông Giang) có tiêu chuẩn kỹ thuật thấp.

Không ít người dân còn ví von, QL mà còn thua đường huyện. Do đó, việc nâng cấp, mở rộng QL14G nói riêng đạt tiêu chuẩn đường cấp IV miền núi, cũng như cải tạo căn cơ các trục ngang QL qua địa bàn Quảng Nam nói chung cần được Bộ GTVT xem xét đầu tư.

CÔNG TÚ