Quy hoạch xây dựng vùng huyện Phước Sơn

ALĂNG NGƯỚC 06/08/2021 06:19

Ngoài mở rộng không gian hành chính, đến năm 2030, Phước Sơn sẽ hình thành 2 đô thị, đáp ứng nhu cầu phát triển theo trục hành lang kinh tế trung tây Quảng Nam, tạo đầu mối giúp kết nối giao thương giữa địa phương với các huyện vùng tây lân cận và các tỉnh Tây Nguyên...

Khâm Đức sẽ trở thành đô thị trung tâm vùng huyện Phước Sơn vào năm 2030.Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Khâm Đức sẽ trở thành đô thị trung tâm vùng huyện Phước Sơn vào năm 2030.Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Đây là một trong những đánh giá của các chuyên gia khi thông qua đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện Phước Sơn, giai đoạn đến năm 2030 do Công ty CP Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quảng Nam lập quy hoạch, tư vấn.

Cơ hội phát triển

Theo quy hoạch, Phước Sơn sẽ mở rộng diện tích theo 2 hướng: sân bay Khâm Đức (đã được bàn giao) và hồ Mùa Thu. Trong đó, khu sân bay Khâm Đức sẽ được quy hoạch thành trung tâm hiện đại của huyện; khu vực hồ Mùa Thu là trung tâm dừng chân với đa dạng dịch vụ, ẩm thực, giải trí cho khách qua Phước Sơn. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, ngoài tập trung phát triển kinh tế, Phước Sơn cần đặc biệt lưu ý đến không gian riêng với lợi thế về địa hình và bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào Bh’noong. Khi các sản phẩm du lịch được khai thác từ chính giá trị văn hóa truyền thống của người bản địa sẽ tạo không gian dừng chân mới vô cùng độc đáo thu hút sự quan tâm, trải nghiệm của du khách.

Với tổng diện tích tự nhiên hơn 1.153km2, Phước Sơn được đánh giá là vùng động lực phát triển kinh tế - xã hội của hành lang trung tây Quảng Nam, có nhiều tiềm năng phát triển về khoáng sản, lâm nghiệp và thương mại dịch vụ, với đa dạng sinh học đang được bảo tồn.

Đây cũng là địa phương miền núi của tỉnh có nhiều di tích lịch sử, thắng cảnh đẹp để phát triển du lịch; đồng thời có quỹ đất nông - lâm nghiệp lớn thuận lợi cho phát triển cây ăn quả, dược liệu, trồng rừng gỗ lớn…

Đặc biệt, lợi thế nằm ở cửa ngõ giao thương, du lịch giúp Phước Sơn trở thành trung tâm kết nối giữa các địa phương lân cận với khu vực Tây Nguyên thông qua đường Hồ Chí Minh và quốc lộ 14E đi qua trung tâm đô thị Khâm Đức.

Ông Lê Quang Trung - Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cho biết, trước đây do vướng mắc nhiều công trình, đặc biệt là di tích lịch sử sân bay Khâm Đức nên việc mở rộng diện tích quy hoạch phát triển đô thị gặp rất nhiều khó khăn.

Từ nhu cầu phát triển của địa phương, qua đánh giá tiềm năng và lợi thế, những năm qua, bên cạnh đầu tư phát triển hạ tầng, Phước Sơn nỗ lực mở rộng quy mô đô thị, nhất là không gian thị trấn Khâm Đức về hướng đông bắc của huyện. Để đảm bảo các chỉ tiêu phát triển vùng, chính quyền địa phương đã tham vấn ý kiến điều chỉnh quy hoạch, từng bước “nới rộng” không gian cũ, hướng đến hình thành đô thị trung tâm theo trục đường Hồ Chí Minh.

“Chúng tôi đã xây dựng nghị quyết phấn đấu đưa Khâm Đức thành đô thị loại IV vào năm 2030. Điều đó hoàn toàn phù hợp với điều kiện thực tiễn, đáp ứng mong mỏi của người dân miền núi trong quy hoạch phát triển giai đoạn mới. Mục tiêu này cũng đã được HĐND huyện thông qua theo định hướng xây dựng Phước Sơn trở thành đô thị trung tâm, kết nối liên vùng nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh ở miền núi” - ông Trung nói.

Theo đồ án Quy hoạch xây dựng vùng huyện Phước Sơn, đến năm 2030, địa phương phấn đấu đạt quy mô dân số khoảng gần 32 nghìn người; tỷ lệ đô thị hóa đạt 62,6%. Đồng thời phân vùng phát triển theo 3 khu vực: vùng cao, vùng trung và vùng thấp đảm bảo với các dự án sắp xếp lại dân cư, trung tâm hành chính, điểm dân cư nông thôn...

Trong đó, đẩy mạnh xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng kinh tế; bảo tồn phát triển các loại cây bản địa, cây dược liệu có giá trị kinh tế cao như quế, sâm Ngọc Linh, đảng sâm, ba kích gắn với kinh tế trang trại, chăn nuôi tập trung. Ngoài định hướng phát triển chủ yếu công nghiệp - thương mại dịch vụ và lâm nghiệp, khu vực vùng thấp sẽ chú trọng đầu tư các cụm công nghiệp, hình thành các tổ hợp cơ khí vừa và nhỏ; ưu tiên các công trình cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tại thị trấn Khâm Đức.

Sắp xếp bài bản, toàn diện

Theo ông Nguyễn Văn Phong - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quảng Nam (đơn vị tư vấn lập quy hoạch đồ án), đến năm 2030, Phước Sơn sẽ hình thành 2 đô thị cơ bản, gồm Khâm Đức (loại IV) và Phước Hiệp (loại V). Trong đó, Khâm Đức là trung tâm hành chính chính trị, văn hóa - xã hội; đầu mối giao thông quan trọng giao lưu kinh tế của vùng tây Quảng Nam với các tỉnh Tây Nguyên và phía bắc.

Song song với phát triển đô thị trung tâm, Phước Sơn sẽ hình thành các trung tâm cụm xã Phước Năng, Phước Chánh với diện mạo hạ tầng nông thôn mới gắn đầu tư sắp xếp, bố trí dân cư miền núi theo chủ trương của tỉnh. Trong đó, chú trọng xây dựng các công trình phòng chống thiên tai, hoàn thiện nhà ở kiên cố tại các điểm dân cư nông thôn kiểu mẫu.

Ngoài ra, các hệ thống y tế - giáo dục, văn hóa - thể thao cũng sẽ được đầu tư, nâng cấp toàn diện, đảm bảo nâng cao chất lượng giáo dục, chăm sóc sức khỏe cho người dân. Trên cơ sở định hướng phát triển vùng, địa phương đặc biệt lưu ý đến các yếu tố phát huy di sản văn hóa, giá trị cảnh quan, môi trường sinh thái, cũng như chú trọng phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái, cộng đồng…

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng, với lợi thế, tiềm năng và vị trí hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của miền núi, Phước Sơn hoàn toàn có đủ điều kiện cần thiết để xây dựng một không gian đô thị trung tâm tại Khâm Đức. Đồng thời xem đó như “trục xương sống” kết nối với các địa phương lân cận và các tỉnh Tây Nguyên theo trục đường Hồ Chí Minh và quốc lộ 14E.

Để đồ án quy hoạch sớm đi vào thực tiễn, cùng với chỉnh trang các hệ thống hạ tầng hiện trạng và tiếp tục mở rộng hình thành trung tâm phát triển mới theo quy hoạch xây dựng đã được thông qua, địa phương cần chú trọng đầu tư các công trình công cộng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, gắn với quốc phòng - an ninh. Việc tiến hành xây dựng hạ tầng, nhất là dự án tái định cư cho người dân phải đảm bảo các yếu tố phòng chống thiên tai, hệ thống cấp nước, nước thải sinh hoạt, nghĩa trang… nhằm bảo vệ môi trường sống.

ALĂNG NGƯỚC