Cẩn trọng sử dụng xe đạp điện
Bạn của Sáu Còi kể, vợ chồng người em của bạn vừa bỏ ra gần chục triệu đồng sắm chiếc xe đạp điện để chuẩn bị cho con gái bước vào lớp 6 năm học 2021 - 2022 có phương tiện đi lại học tập.
Nguyên do là hai vợ chồng đi làm cả ngày, không có điều kiện đưa đón con thường xuyên, trong lúc trường THCS trên địa bàn không tổ chức ở lại bán trú như cấp tiểu học. Với giá cả phải chăng cùng tiện ích mà xe đạp điện mang lại, nhiều gia đình trang bị phương tiện này để lưu thông hàng ngày, trong đó đối tượng là học sinh cấp 2, cấp 3 chiếm phần lớn.
Tuy nhiên, việc nắm bắt các quy định của pháp luật để vận hành xe tham gia giao thông cho đúng luật, đảm bảo an toàn cho chính mình và cộng đồng từ học sinh, kể cả phụ huynh lại chưa được quan tâm đúng mức. Cho nên, họ không nắm bắt được những nguy cơ mà con em mình phải đối diện trên đường, nếu sử dụng không đúng cách loại xe thuộc nhóm phương tiện thô sơ này.
Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định, xe đạp điện là xe 2 bánh có lắp động cơ, vận tốc thiết kế lớn nhất không lớn hơn 25km/h và khi tắt máy thì đạp xe đi được. Theo nhà chuyên môn, phương tiện này đi êm không phát ra tiếng động, chạy với vận tốc 25km/h dễ bị mất thăng bằng do xe nhẹ, đường kính bánh xe nhỏ dẫn tới độ ma sát giảm dần, độ văng lớn rất khó kiểm soát dẫn đến va phải xe khác, hoặc tự té ngã.
Cạnh đó, lứa tuổi học sinh “ăn chưa no, lo chưa tới” còn kém về kỹ năng điều khiển xe trong điều kiện thực tế trên đường, lại thường đi không đúng phần đường quy định; đang ngon trớn thì dừng xe đột ngột; chuyển hướng không báo hiệu trước; không chấp hành hiệu lệnh hoặc chỉ dẫn của biển báo hiệu, vạch kẻ đường; lái xe dàn hàng ngang…
Do vậy, pháp luật quy định các quy tắc cần tuân thủ để đảm bảo an toàn, dễ thực hiện nhất là đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. Bởi lẽ, nếu không đội mũ bảo hiểm, phương tiện khi xảy ra sự cố thì người ngồi trên đạp điện có nguy cơ bị chấn thương sọ não rất cao.
Nhằm đảo bảo an toàn, người điều khiển, người ngồi trên xe đạp diện phải đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn, cài quai đúng quy cách khi tham gia giao thông. Nếu không tuân thủ, người điều khiển bị phạt tiền từ 200 - 300 nghìn đồng/trường hợp.
Mức xử phạt trên cũng áp dụng đối với người điều khiển xe đạp điện lạng lách, đánh võng; đuổi nhau trên đường; đi ngược chiều đường của đường một chiều, đường có biển “Cấm đi ngược chiều”; trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở… Không đi bên phải theo chiều đi của mình, đi không đúng phần đường quy định; dừng xe đột ngột; chuyển hướng không báo hiệu trước; sử dụng ô (dù)… thì bị phạt tiền từ 80 nghìn đồng đến 100 nghìn đồng/hành vi.