Tam Kỳ, bao giờ phố xá thênh thang?

HỮU PHÚC – THÀNH CÔNG 01/08/2021 06:52

“Lên hạng” đô thị loại I thuộc tỉnh là định hướng của Tam Kỳ trong tương lai không xa. Trên lộ trình đó, thành phố sẽ mở rộng không gian phát triển, đeo đuổi mục tiêu phát triển “đô thị sinh thái - thông minh”. Tuy nhiên trước hết, thành phố phải xóa bỏ những hình ảnh xấu xí trên “chiếc áo” hạ tầng quá cũ kỹ bị lãng quên đầu tư suốt thời gian dài.

Dự án khớp nối đường Trần Đại Nghĩa và Lam Sơn vẫn dở dang, khu dân cư như một “làng trong phố”. Ảnh: TC
Dự án khớp nối đường Trần Đại Nghĩa và Lam Sơn vẫn dở dang, khu dân cư như một “làng trong phố”. Ảnh: TC

NHỮNG TUYẾN ĐƯỜNG DỞ DANG MUÔN NĂM CŨ

Hàng loạt dự án khớp nối các tuyến đường tại Tam Kỳ vẫn bỏ ngỏ sau nhiều năm, kéo theo nhiều khổ lụy cho người dân.

Mỏi mòn chờ dự án

Đối lập với cảnh phố xá thênh thang ở phía tuyến đường Tôn Đức Thắng (phường An Sơn, Tam Kỳ), nhiều ngôi nhà thuộc khối phố 3 và 4 nằm trong dự án khớp nối con đường này với đường N24 bị treo từ hàng chục năm nay, nhà cửa xuống cấp, lại thường xuyên ngập lụt vào mùa mưa khiến người dân hết sức khổ sở.

Nhiều ngôi nhà cấp 4 nằm trong diện giải tỏa phục vụ dự án này đã xuống cấp, xuất hiện nhiều vết nứt. Do nằm trong diện giải tỏa nên việc sửa chữa, xây mới nhà cửa gặp khó khăn.

Căn nhà của ông Nguyễn Hạnh (80 tuổi, trú khối phố 3, phường An Sơn) có “tuổi thọ” lên đến hơn 50 năm, xuống cấp nghiêm trọng. Vướng quy hoạch, ông không thể sửa chữa, thấp thỏm sống trong căn nhà cũ.

“Tường nứt ngang nứt dọc, xà gồ gỗ bị mối mọt ăn nhiều chỗ, cứ mỗi mùa mưa bão là phải tìm sang nhà khác trú chứ không dám ở trong nhà vì sợ sập. Chúng tôi nghe thông tin dự án đã lâu lắm rồi, mà đến nay vẫn chưa thấy động đậy gì, mong Nhà nước triển khai sớm cho dân bớt khổ” - ông Hạnh nói.

Theo ông Hạnh, dự án trên đã có từ năm 2004, nhiều lần cán bộ phường đến kiểm kê tài sản và hứa sẽ sớm giải quyết để cho người dân an tâm nhưng mãi đến nay chưa thấy rục rịch.

Tương tự, hộ bà Nguyễn Thị Xuân (56 tuổi, trú khối phố 3 phường An Sơn) cũng mong muốn sớm được giải quyết dứt điểm về việc đền bù, giải phóng mặt bằng.

“Dân ở đây đều nếm trải cảnh ngập lụt, sợ nhà sập mỗi mùa mưa, nhưng cứ dai dẳng suốt từ mười mấy năm nay. Nếu triển khai dự án thì nhanh chóng kiểm kê, đền bù thỏa đáng để người dân có điều kiện tái định cư, ổn định cuộc sống. Hoặc ngược lại, cho bà con sửa chữa lớn, làm nhà mới, hoặc được sang nhượng bình thường để giải quyết khó khăn theo nhu cầu của từng hộ gia đình. Cái khổ cứ lơ lửng treo trên đầu dân, năm này qua năm khác” - bà Xuân chia sẻ.

“Làng trong phố”

Nằm lọt trong khu vực chưa khớp nối giữa hai tuyến đường Lam Sơn và Trần Đại Nghĩa, đường vào khu dân cư thuộc tổ 4, khối phố Mỹ Thạch Trung (Tân Thạnh) suốt nhiều năm qua vẫn chỉ là con đường bê tông nhỏ, xuống cấp nặng. Nhiều nhà dân vẫn đi đường đất vào nhà. Đây là khu vực thường xuyên bị ngập nặng vào mùa mưa lũ của phường Tân Thạnh.

Bà Đặng Thị Hiệp (53 tuổi) nói, gia đình bà đã quá ngán ngẩm với cảnh phải dọn đồ đạc mỗi mùa mưa. “Mưa chừng nửa ngày là phải lội bì bõm vào nhà. Đồ đạc thì khiêng lên, dọn xuống hoài đến kiệt sức. Mấy năm trước, trong nhà có người già bị ốm, không đi lại được, mỗi mùa mưa phải kê giường lên thật cao, khổ vô cùng tận. Nghe nói dự án triển khai làm đường nối này từ lâu rồi, mà chờ lâu quá. Dự án có từ hồi tôi chưa sinh con gái, nay con gái đã 13 tuổi rồi, vẫn không khác cái chi” - bà Hiệp nói.

Trên địa bàn Tam Kỳ vẫn còn rất nhiều dự án hạ tầng chưa được khớp nối, vừa để lại vô số đoạn đường cụt, vừa tác động xấu đến đời sống dân sinh. Người dân lâm cảnh tiến thoái lưỡng nan bởi một mặt thấp thỏm chờ di dời, tái định cư, mặt khác sinh hoạt khổ sở dưới ngôi nhà hư hại nhưng không dám bỏ kinh phí lớn để sửa chữa.

Ông Trần Tiến Cường - Chủ tịch UBND phường An Sơn nói, chỉ tính riêng trên địa bàn phường cũng có khá nhiều dự án dang dở. “Nhiều năm qua, thành phố đã rất tập trung cho công tác triển khai các dự án này, nhiều dự án khớp nối đã có chủ trương xúc tiến. Tuy nhiên, nhiều tuyến đường tồn tại khá lâu vẫn chưa thể triển khai do nhiều vướng mắc. Như khối phố 8, khối phố 3, nhiều năm liền mỗi mùa mưa bão chúng tôi phải tổ chức di dời người dân do lo ngại ngập lụt nguy hiểm.

Đồng thời sau mỗi mùa mưa, đơn thư kiến nghị của bà con cũng rất nhiều về việc xin sửa chữa nhà ở. Những dự án nhỏ thuộc thẩm quyền của phường, chúng tôi đã có phương án, giải quyết. Riêng những dự án lớn, phải chờ thành phố triển khai. Giải quyết rốt ráo được các dự án khớp nối này sẽ giúp sắp xếp dân cư, chỉnh trang lại bộ mặt đô thị, vừa đồng bộ được hạ tầng, khắc phục tình trạng “làng trong phố” nhếch nhác, xuống cấp như hiện nay” - ông Cường nói.

Để giải quyết những bức xúc của người dân vùng dự án, UBND cấp phường cũng đã đồng ý cấp phép hoặc xin ý kiến thành phố cấp phép cho một số trường hợp có đầy đủ giấy tờ hợp pháp, có nhu cầu sửa chữa nhà ở đã quá xuống cấp.

Tuy nhiên, chính quyển phải tổ chức giám sát, kiểm tra, khuyến nghị người dân tạm xây dựng với quy mô vừa phải theo chủ trương của thành phố, vừa đảm bảo quyền lợi của người dân khi triển khai dự án, vừa tránh việc phải bỏ ra kinh phí quá lớn để bồi thường giải phóng mặt bằng.

Việc sửa chữa tu bổ này cũng buộc phải làm trên nền móng cũ theo quy định của pháp luật. Thêm một áp lực khác cho địa phương, là phải tăng cường quản lý chặt hiện trạng, tránh việc xây dựng trái phép.

“Về phía UBND phường cũng mong muốn sớm được triển khai những dự án khớp nối này, giải quyết dứt điểm những tồn tại lâu nay về dân sinh, hạ tầng… của khu vực” - ông Cường cho biết thêm.

CẦN CƠ CHẾ ĐẶC THÙ

Để hoàn tất các tiêu chí còn lại của đô thị loại 1, Tam Kỳ cần hàng nghìn tỷ đồng đầu tư cho giai đoạn trung hạn nên ngoài sự hỗ trợ vốn của Trung ương, ngân sách tỉnh thì còn phải có một cơ chế đặc thù.

Tam Kỳ cần có cơ chế đặc thù để phát triển đô thị trong những năm đến. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Tam Kỳ cần có cơ chế đặc thù để phát triển đô thị trong những năm đến. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Cần ít nhất 2.000 tỷ đồng phát triển hạ tầng từ dự án đầu tư công

Theo UBND TP.Tam Kỳ, trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025, tỉnh cần ưu tiên xây dựng các dự án hạ tầng khung, các dự án có tính chất động lực, với tổng vốn đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng. Trong số các dự án đầu tư công có công trình nâng cấp mở rộng đường Hùng Vương; hoàn thiện công viên ven sông Bàn Thạch và đường Bạch Đằng khu vực phường Tân Thạnh; công viên trước tượng Mẹ Việt Nam Anh hùng xã Tam Phú; hệ thống xử lý nước thải Khu công nghiệp Thuận Yên; kè chống sạt lở và đường, công viên cảnh quan ven sông Tam Kỳ.

Giai đoạn trước đây, ngoài chuyện “bí” về nguồn vốn đầu tư thì Tam Kỳ còn rất thụ động trong quyết định đầu tư khớp nối hạ tầng cơ bản. Bởi gần như các đồ án quy hoạch 1/500 đã được UBND tỉnh, Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai (cũ) phê duyệt trước đây đều đặt trong tình trạng “treo” hoặc đầu tư dở dang nhưng để xem xét tiếp tục đầu tư hay loại bỏ quy hoạch đều không thuộc thẩm quyền của địa phương. Do đó, chính quyền thành phố đề xuất được phân cấp, phân quyền mạnh trong lĩnh vực xây dựng theo quy định.

Vướng mắc nhất của thành phố lâu nay là quỹ đất tái định cư cạn kiệt, triển khai dự án nào cũng bị vấp do kinh phí về bồi thường, giải phóng mặt bằng khá lớn. Từ năm 2021, Tam Kỳ sẽ tập trung đầu tư xây dựng theo quy hoạch phân khu được duyệt.

Song song với chỉnh trang khớp nối là thực hiện đồng bộ các tiêu chí của đô thị loại 1. Bản thân Tam Kỳ không thể đạt chuẩn của đô thị “đẳng cấp số 1” bởi không gian hiện hữu không đảm bảo, nên nhất thiết phải mở rộng không gian và tranh thủ nguồn lực từ bên ngoài.

Có hai nguồn lực chính yếu từ khai thác quỹ đất và từ sự hỗ trợ có mục tiêu của tỉnh. Ông Bùi Ngọc Ảnh cho biết, thành phố đã đề xuất tỉnh một số cơ chế, chính sách đặc thù cho đầu tư và phát triển đô thị loại I trực thuộc tỉnh giai đoạn 2021 - 2030. Nhưng trước hết sẽ vận động người dân hiến đất, nhà nước bồi thường vật kiến trúc và đầu tư hạ tầng; nâng cấp kiệt hẻm, điện chiếu sáng, vỉa hè…

Tam Kỳ cũng xin cơ chế để lại 100% nguồn tiền giao đất có thu tiền sử dụng đất của các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố do tỉnh quản lý (kể cả các dự án trên địa bàn Khu kinh tế mở Chu Lai cũ) sau khi trừ chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư.

Chính quyền TP.Tam Kỳ kiến nghị bổ sung vốn đầu tư cho thành phố từ ngân sách tỉnh tương ứng 100% tiền thuê đất nộp một lần cho cả thời gian thuê của các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố để xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng.

Cũng liên quan đến xin cơ chế đặc thù, Tam Kỳ mong muốn giai đoạn 2021 - 2025, hàng năm ngân sách tỉnh bổ sung có mục tiêu tối thiểu 200 tỷ đồng để đầu tư đầu tư chỉnh trang, khớp nối hạ tầng đô thị.

Đồng thời bổ sung thêm nguồn kiến thiết thị chính hằng năm cho thành phố với mức tối thiểu là 120 tỷ đồng/năm và tăng dần hàng năm theo tỷ lệ là 10% để thành phố thực hiện các nhiệm vụ kiến thiết thị chính. Giao Tam Kỳ quản lý các công trình, trụ sở của các sở, ban ngành thuộc tỉnh trên địa bàn thành phố không còn nhu cầu sử dụng, nhằm tạo quỹ đất, bố trí phát triển thương mại - dịch vụ.

CHỈNH TRANG CHO PHỐ

Việc khớp nối đồng bộ hạ tầng xây dựng, không để tồn tại các dự án, quy hoạch treo là mối quan tâm hàng đầu của chính quyền thành phố trong giai đoạn hiện nay.

Các dự án khớp nối giao thông được kỳ vọng sẽ giải quyết dứt điểm những tồn tại, tạo không gian đồng bộ, thoáng đãng cho đô thị. Ảnh: TC
Các dự án khớp nối giao thông được kỳ vọng sẽ giải quyết dứt điểm những tồn tại, tạo không gian đồng bộ, thoáng đãng cho đô thị. Ảnh: TC

Vương víu với những con phố

Thiếu vốn đầu tư là lực cản chính làm cho Tam Kỳ suốt thời gian dài chậm khớp nối các tuyến đường đô thị, khu dân cư dở dang. Thông thường, các khu dân cư kết hợp đầu tư cùng lúc hệ thống thoát nước, nên khi hạ tầng cơ sở kỹ thuật khu dân cư, đô thị (điện, đường, trường, trạm, cây xanh…) đầu tư nửa vời do vướng mặt bằng thi công thì kéo theo hệ thống xử lý nước thải cũng bỏ không. Hệ lụy là tình trạng ngập úng kéo dài dai dẳng vào mùa mưa.

“Bộ mặt” đô thị trở nên sáng sủa hơn từ ngày các tuyến đường “xương sống” của thành phố được khớp nối. Đó là đường  Điện Biên Phủ (nối quốc lộ 40B đến biển Tam Thanh) dài hơn 10km; trục cảnh quan đường Điện Biên Phủ mở rộng mặt đường và cảnh quan dải phân cách (đoạn từ Hùng Vương đến Phan Châu Trinh); chuẩn bị thi công nút giao đường Lê Thánh Tông và nút giao đường Võ Chí Công.

Hoàn thiện tuyến đê sông Bàn Thạch với chiều dài gần 10km; cải tạo hoàn thiện đường ĐX3 Tam Kỳ nối từ phường An Phú - Tam Phú - Tam Thăng, với chiều dài 5,5km. Hiện tại, đường trục chính vào khu công nghiệp Tam Thăng (từ quốc lộ 1 đến đường Võ Chí Công dài gần 6km) đang thi công.

Ngoài ra, các dự án sử dụng nguồn vốn của thành phố đã và đang hoàn thiện các tuyến đường đô thị như khớp nối nút giao thông Thái Phiên - Phan Châu Trinh; duy tu, cải tạo đường Lê Tấn Trung; nâng cấp đường Xuân Hòa - Ấp Bắc; hạ tầng du lịch sinh thái Hương Trà; khu dân cư tái định cư dọc hai bên đường Điện Biên Phủ; công trình đường gom tại nút giao thông giữa đường Lý Thường Kiệt và đường Nguyễn Hoàng...

Với đô thị Tam Kỳ, Nghị quyết của Tỉnh ủy nêu rõ: “Phát triển thành phố theo hướng đô thị đặc thù, với nền tảng xanh, văn hoá lịch sử - thông minh”. Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ Bùi Ngọc Ảnh cho rằng, trong số các nhiệm vụ cốt lõi, thành phố sẽ lo hoàn thiện và điều chỉnh các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết đảm bảo định hướng phát triển. Trước mắt, đầu tư khớp nối hạ tầng khu vực nội thị (các tuyến đường, khu dân cư, hạ tầng thoát nước, vỉa hè, điện chiếu sáng, công viên, tiểu hoa viên, nâng cấp kiệt hẻm nội thị…).

Song song với thực hiện các tiêu chí còn lại của đô thị loại I, Tam Kỳ sẽ lập danh mục ưu tiên khớp nối hạ tầng giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, trước hết ưu tiên xây dựng khớp nối các tuyến đường chưa thông như đường Bạch Đằng, các tuyến giao thông kết nối về Bạch Đằng; các trục xương sống, nhánh chiến lược (N24, N10); đường bao Nguyễn Hoàng, nối Lam Sơn - Trần Đại Nghĩa; khu dân cư số 6…

Tiếp đó, Tam Kỳ sẽ xử lý dứt điểm các điểm nghẽn về thoát nước trong lòng đô thị như tổ 10 (phường An Mỹ), khối phố Mỹ Thạch Trung (phường Tân Thạnh), khối 8 (phường An Sơn). Cuối cùng, tính đến các công viên ven sông, công viên trung tâm ở đường Điện Biên Phủ…

Các con phố, tuyến đường vốn bị lãng quên kéo dài mấy chục năm, giờ đây Tam Kỳ phải bắt tay vào xử lý vướng víu với món nợ của quá khứ.

Đô thị mai sau

Tam Kỳ được kiến tạo bởi thiên nhiên phong phú, có biển, sông, hồ, đầm, đồi núi. Con sông Bàn Thạch lấp lánh trong ánh hoàng hôn, lượn qua cánh đồng Nhong yên ả. Nơi này gần đây nổi lên như một địa chỉ hấp dẫn thu hút giới trẻ đến “check in”. Trong quy hoạch 12 phân khu của Tam Kỳ, chính quyền thành phố hiện nay chỉ chừa lại chưa phê duyệt quy hoạch phân khu số 6 - phạm vi ranh giới thuộc cánh đồng Nhong để tìm kiếm những ý tưởng thiết kế mới lạ cho đô thị tương lai. Khu vực cánh đồng Nhong có diện tích 174ha, nơi mới phát lộ ý tưởng quy hoạch cảnh quan ven sông.

Theo ông Bùi Ngọc Ảnh, Tam Kỳ đã được phê duyệt quy hoạch đến năm 2030 định hướng đến 2050. Đô thị có 12 phân khu, trong đó phê duyệt 11 phân khu, còn lại phân khu 6 đang tổ chức thi ý tưởng quy hoạch. Theo định hướng, thì cánh đồng Nhong quy hoạch công viên chuyên đề của thành phố, phát triển dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng sinh thái; xây dựng ở mật độ thấp gắn liền với bảo tồn không gian làng xóm và cảnh quan ven sông.

“Hiện nay, thành phố tập trung rà soát lại toàn bộ quy hoạch đã được phê duyệt, phát triển tuân thủ theo quy hoạch. Thực tiễn cho thấy, nếu không có quy hoạch chất lượng sẽ dẫn đến đô thị phát triển tự phát và manh mún. Quy hoạch đô thị không chỉ vì hôm nay mà còn cho ngày mai. Do đó, rất cần một quy hoạch tổng thể chất lượng về các hạ tầng giao thông, kinh tế, đô thị, hạ tầng công nghiệp và hạ tầng xã hội” - ông Ảnh nói.

Những quy hoạch phân khu được xác định phạm vi ranh giới quản lý, nhờ đó mà chính quyền có cơ sở để quản lý chặt hiện trạng. Từ năm 2021, thành phố rà soát lại toàn bộ quy hoạch chi tiết 1/500 để xem xét dự án, khu vực nào có thể hủy bỏ hoặc điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp.

Chính quyền thành phố khẳng định sẽ kêu gọi xúc tiến các nhà đầu tư chiến lược vào các khu đô thị, khu nghỉ dưỡng - thương mại dịch vụ, du lịch ở vùng Đông. Muốn vậy, cần mặt bằng sạch đủ lớn, để phát triển dự án đô thị quy mô, hiện đại. Về xây dựng đô thị sinh thái, sẽ đầu tư hệ thống cây xanh trên các đồi núi, công viên; khớp nối hệ thống thoát nước vào hệ thống xử lý nước thải chung của thành phố.

HỮU PHÚC – THÀNH CÔNG