Giao quyền quyết định đầu tư để đẩy tiến độ

TRỊNH DŨNG 28/07/2021 05:51

HĐND tỉnh đã giao UBND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư các dự án đầu tư công nhóm C. Còn khá sớm để biết cách làm này có thể giúp đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án hay giải ngân vốn đầu tư hay không, nhưng hy vọng hướng đi này đem lại hiệu quả.

Kể từ ngày 22.7 cho đến hết năm 2026, UBND tỉnh sẽ chịu trách nhiệm ra quyết định chủ trương đầu tư các dự án đầu tư công nhóm C theo sự giao quyền của HĐND tỉnh Quảng Nam. Ảnh: T.D
Kể từ ngày 22.7 cho đến hết năm 2026, UBND tỉnh sẽ chịu trách nhiệm ra quyết định chủ trương đầu tư các dự án đầu tư công nhóm C theo sự giao quyền của HĐND tỉnh Quảng Nam. Ảnh: T.D

Giao UBND tỉnh quyết định

Lịch sử giải ngân vốn đầu tư công cho thấy không năm nào có thể hoàn tất giải ngân 100% kế hoạch vốn. Cao nhất khoảng 85% là đã lạc quan. Thậm chí tỷ lệ này ngày càng suy giảm. Một trong những lý do “hạn chế tiến trình giải ngân” được nhắc đến do chờ đợi các kỳ họp HĐND thông qua danh mục và phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư.

Không như các năm trước, năm 2021 chính thức buộc giải ngân vốn chỉ trong một năm, nếu không thì phải hoàn trả vốn. Tuy nhiên, kết quả giải ngân 6 tháng đầu năm đạt quá thấp (21,2% kế hoạch vốn năm 2021 và 23% kế hoạch vốn đã phân bổ). Nguy cơ không xài hết vốn đầu tư đã lộ diện. Chính quyền sốt ruột, trình HĐND giao UBND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư các dự án đầu tư công nhóm C!

Theo UBND tỉnh, dự án đầu tư công nhóm C chiếm số lượng nhiều so với dự án đầu tư công nhóm B trong kế hoạch đầu tư công từ nguồn vốn ngân sách tỉnh hàng năm (Nghị quyết 19 ngày 15.7.2020 của HĐND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư 46 dự án thì đã có đến 37 dự án nhóm C, chỉ có 9 dự án nhóm B).

Các dự án đầu tư công nhóm C có tổng mức đầu tư thấp (khoảng 120 tỷ đồng trở xuống). Thời gian thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư ngắn, cần được triển khai kịp thời phục vụ nhu cầu dân sinh, xã hội…

Kể từ ngày 22.7 cho đến hết năm 2026, UBND tỉnh sẽ chịu trách nhiệm ra quyết định chủ trương đầu tư các dự án đầu tư công nhóm C theo sự giao quyền của HĐND tỉnh Quảng Nam.
Kể từ ngày 22.7 cho đến hết năm 2026, UBND tỉnh sẽ chịu trách nhiệm ra quyết định chủ trương đầu tư các dự án đầu tư công nhóm C theo sự giao quyền của HĐND tỉnh Quảng Nam.

Quy định của Luật Đầu tư, HĐND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư dự án tại các kỳ họp HĐND tỉnh. Hồ sơ báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư được các cơ quan chuyên môn thẩm định tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh để quyết định chủ trương đầu tư dự án, sau đó mới triển khai các bước tiếp theo. Quy định ngặt nghèo này đã khiến tiến độ thực hiện dự án chậm trễ, ảnh hưởng đến việc giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công được giao cho dự án!

Trong báo cáo thẩm tra, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh cho biết, giao quyết định chủ trương đầu tư các dự án đầu tư công nhóm C cho UBND tỉnh nhằm rút ngắn thời gian trong việc trình phê duyệt chủ trương đầu tư là đúng luật.

Song, mối quan tâm của ban này khi thời gian qua, việc triển khai một số dự án đầu tư công vẫn xảy ra tình trạng sai phạm về quy trình, thủ tục đầu tư, một số dự án làm tăng tổng mức đầu tư khá lớn so với chủ trương được phê duyệt.

Ông Nguyễn Đức - Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh đề nghị UBND chỉ đạo các chủ đầu tư và cơ quan chuyên môn tăng cường vai trò, trách nhiệm trong việc lập và thẩm định chủ trương đầu tư. Trong quá trình quyết định, điều chỉnh chủ trương đầu tư phải gửi về Thường trực HĐND tỉnh để theo dõi, giám sát việc thực hiện. Định kỳ hàng năm báo cáo HĐND tỉnh về kết quả thực hiện…

Chặt chẽ trong “hậu kiểm”

Nghị quyết đã ban hành. UBND tỉnh có quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư công nhóm C cho đến hết năm 2026. Có thể nói việc giao quyền để giảm bớt quy trình, thủ tục thời gian, tăng tính trách nhiệm, chủ động của chính quyền là điều cần thiết. Nhưng liệu sự thay đổi này có đem lại điều mới mẻ gì cho tiến độ giải ngân hay không thì còn quá sớm để đánh giá!

Thực tế cho thấy, quy định mỗi năm có 2 kỳ họp HĐND đã thay đổi. Năm 2020 có 6 kỳ họp hay như 6 tháng đầu năm 2021 đã có đến 4 kỳ họp. Các kỳ họp này đã giải quyết rốt ráo về danh mục đầu tư, chủ trương đầu tư và phân bổ vốn, nhưng tỷ lệ giải ngân vẫn ì ạch là bởi lý do nào? Việc tồn đọng hồ sơ chủ yếu từ chỗ thẩm định dự toán, thẩm định thiết kế, không phải ở chỗ quyết định chủ trương đầu tư.

Ông Đặng Tấn Phương - Phó Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh nói, ngày 8.12.2020 đã thông qua nhưng đến 12.7.2021 vẫn còn 58/74 dự án mới chưa được thẩm định, chưa trình hồ sơ thẩm định dự án, thẩm định thiết kế kỹ thuật dự toán. Ngay cả vốn dự phòng bổ sung cho UBND tỉnh nhưng giải ngân vẫn thấp. Chuyện chậm giải ngân, ách tắc từ đâu cần mổ xẻ, chứ đâu phải tại HĐND?

Ông Trần Xuân Vinh - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh nói, chậm giải ngân không thể đổ lỗi cho HĐND. Vấn đề là tìm ra nguyên nhân để tháo gỡ. Bây giờ giao quyền, có đảm bảo giai đoạn đến tiến độ giải ngân đạt hay không? Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường cho hay giao quyền nhưng sẽ hậu kiểm. Kiểm soát, đánh giá tác động hiệu quả của dự án đầu tư với đời sống nhân dân. Ai không có khả năng giải ngân vốn đầu tư sẽ bị phê bình!

Không bàn đến chuyện ai sẽ là người ra quyết định chủ trương đầu tư. Thông qua những cuộc họp bàn để tìm kiếm lối thoát cho dòng vốn đầu tư đổ vào nền kinh tế hiệu quả là điều đáng để lưu tâm.

Cứ cho là những quy định ngặt nghèo hay chồng chéo của cơ chế, chính sách chưa được thay đổi đã tác động đến tiến độ giải ngân thì câu chuyện đáng bàn là tại sao chuyện không xài hết vốn đầu tư năm nào cũng xảy ra và dường như không có thuốc để đặc trị? Nếu tác động của dịch bệnh, thiên tai khó có thể kiểm soát được thì quyền quyết định giải ngân vẫn nằm trong tay chủ đầu tư, địa phương, nhưng tại sao vẫn không thể thực hiện được. Tại cơ chế hay năng lực chủ đầu tư, nhà thầu?

Không ít công văn công bố sẽ xem xét, quyết định hình thức xử lý trách nhiệm đối với chủ đầu tư bị cắt giảm vốn. Thế nhưng hình như không một ai bị xử lý từ vấn đề này! Nếu không quy được trách nhiệm cá nhân, không tạo sức ép cho trách nhiệm giải trình (từ trách nhiệm đầu tư đến giải phóng mặt bằng…), không công khai, minh bạch để toàn dân, cơ quan dân cử giám sát thì sẽ khó giải quyết được gốc rễ…

Hơn nữa, Luật Đầu tư công đã thay đổi, nhưng không sửa đổi các bộ luật liên quan khác thì sự vận dụng pháp luật nói chung vào trình tự đầu tư xây dựng cơ bản đầu tư công sẽ vẫn là điểm nghẽn trong hiện tại. Tiến độ giải ngân sẽ vẫn cứ đứng bánh. Chuyện xài không hết vốn đầu tư vẫn tiếp diễn không hồi kết… là điều đã được báo trước!

TRỊNH DŨNG