Mất an toàn giao thông: Nguy cơ từ hạ tầng đường bộ

CÔNG TÚ 20/07/2021 07:16

Hạ tầng giao thông đường bộ trong tỉnh đã được quan tâm đầu tư song vẫn còn nhiều yếu kém, đây là một trong những nguyên nhân chính gây mất an toàn giao thông (ATGT).

Vị trí đoạn tuyến QL14H từng xảy ra 2 vụ TNGT đầu tháng 7 làm chết 2 người. Ảnh: C.T
Vị trí đoạn tuyến QL14H từng xảy ra 2 vụ TNGT đầu tháng 7 làm chết 2 người. Ảnh: C.T

Đường xuống cấp

Đầu tháng 7.2021, người dân xã Duy Trinh (Duy Xuyên) bàng hoàng khi chỉ trong vài ngày đã xảy ra 2 vụ tai nạn giao thông (TNGT) khiến 2 người đi xe máy bị tử vong tại chỗ. Tai nạn xảy ra tại đoạn cong trên quốc lộ (QL) 14H, trước nghĩa trang liệt sĩ xã Duy Trinh, giữa đường sắt Bắc - Nam với cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

Người dân địa phương kể lại, xe tải chạy qua khúc cong bất ngờ va chạm với xe máy, nạn nhân của cả 2 vụ tai nạn đều là người điều khiển xe máy. “QL14H đoạn phía tây đường sắt hướng lên địa phận xã Duy Châu từng xảy ra nhiều vụ tai nạn, không ít trường hợp bị tử vong” - một người dân địa phương phản ánh.

“Điểm đen” mất ATGT vừa đề cập đang làm cho người tham gia giao thông mỗi lần qua đây cảm thấy bất an. Ghi nhận thực tế vị trí xảy ra tai nạn, có thể thấy mặt đường QL14H qua đoạn này vừa hẹp, lại cong cua khuất tầm nhìn, bên phải tuyến là vực sông, nếu lái xe không cẩn thận, chạy tốc độ cao dễ dẫn tới lấn làn tông vào người đi ngược chiều.

Trên tuyến lại đông đúc phương tiện lưu thông, nhất là giờ công nhân tan ca. Nguy cơ xảy ra TNGT cao khi xe tải chở nguyên vật liệu lưu thông qua khu vực này rất đông, đến nỗi người dân đặt cho QL14H là “cung đường xe tải”.

Theo ông Trần Ngọc Thanh - Phó Giám đốc Sở GTVT, nhiều tuyến đường trên địa bàn tỉnh có kết cấu mặt đường nhựa đã hết tuổi thọ, kết hợp với nhiều xe tải nặng lưu thông nên mặc dù có sửa chữa, bảo trì nhưng mặt đường thường xuyên bị hư hỏng, xuất hiện “ổ gà” vào mùa mưa, gây nguy hiểm cho phương tiện lưu thông. QL14E từ Thăng Bình đi về các huyện Hiệp Đức, Phước Sơn là minh chứng điển hình.

Hầu như năm nào, việc bố trí kinh phí sửa chữa cũng được thực hiện, nhưng chưa bao lâu đã thấy nền sụt lún, sinh ra “ổ gà” bẫy người đi đường. Bởi lẽ, cung đường này chưa từng được cải tạo nền yếu, mở rộng bề mặt một cách bài bản. Chưa kể, mặt cắt tuyến QL14 quá chật chội, nhiều chỗ 2 xe tải lớn đi ngược chiều “chen” nhau lưu thông.

 Vừa đưa vào khai tác sau khi hoàn thành nâng cấp, mở rộng, QL1 đoạn từ Duy Xuyên vào Phú Ninh ngay lập tức lạc hậu khi chỉ có 2 làn xe ô tô cùng chiều mà không có làn dành riêng cho xe thô sơ và người đi bộ. Do vậy, xe thô sơ buộc phải đi chung làn với ô tô, nguy cơ mất ATGT rất cao.

Cũng trên QL1, đoạn tuyến tránh qua địa phận Điện Bàn và Duy Xuyên (thường gọi đường tránh Vĩnh Điện) chỉ có 2 làn xe ngược chiều nhau, thiếu dải phân cách giữa được xem là nguyên nhân của các vụ TNGT đối đầu, nhiều vụ TNGT nghiêm trọng đã xảy ra trên đoạn tuyến này.

Tiếp tục cải thiện

Giám đốc Sở GTVT Văn Anh Tuấn - Phó Trưởng ban Thường trực Ban ATGT tỉnh chia sẻ, mạng lưới hạ tầng giao thông đường bộ hiện nay được bố trí đều khắp trên toàn tỉnh với tổng chiều dài hơn 5.300km. Thời gian qua, các cấp, ngành huy động nguồn lực khá lớn, thực hiện xây dựng mới, nâng cấp, mở rộng đường bộ cũng như cầu, cống, tạo thuận lợi cho việc đi lại, vận chuyển của nhân dân và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, sự đầu tư đó chưa đáp ứng nhu cầu phát triển vận tải và tình hình ATGT phức tạp, còn nhiều tuyến đường trọng yếu thuộc “chế độ chờ” cải tạo. Hạ tầng yếu kém, cộng thêm việc không tuân thủ pháp luật của người dân như vi phạm trật tự ATGT, lấn chiếm hành lang an toàn khiến số vụ TNGT đường bộ luôn cao. Sáu tháng đầu năm 2021, toàn tỉnh xảy ra 90 vụ TNGT làm chết 64 người và bị thương 59 người; riêng đường bộ chiếm 89 vụ, 63 người chết, 59 người bị thương.

Nhằm từng bước cải thiện hạn chế vừa nêu, ông Văn Anh Tuấn cho biết đã thống kê, báo cáo đề xuất cấp thẩm quyền bố trí kinh phí để nâng cấp, mở rộng mặt đường đối với các tuyến có lưu lượng phương tiện lớn, quá tải; cải tạo các tuyến mà mặt đường đã “già cỗi”.

Về hệ thống ATGT, việc bố trí tường hộ lan đoạn chạy bên vực sâu, làm đường tránh nạn các đoạn có độ dốc dọc lớn liên tục phải được triển khai. Đồng thời cải tạo tuyến đường có yếu tố kỹ thuật bị hạn chế, xóa “điểm đen”, điểm nguy cơ mất ATGT. Những vị trí nào bị khuất tầm nhìn sẽ phải giải tỏa, bố trí gương cầu lồi và biển cảnh báo để đảm bảo tầm nhìn hoặc thông tin cho lái xe biết nhằm giảm tốc độ, cẩn thận khi đi qua.

Các đơn vị quản lý đường bộ sẽ phối hợp cùng với địa phương rà soát hệ thống báo hiệu để dán lại phản quang, bổ sung, phát quang giúp người lái xe quan sát được rõ ràng ở khoảng cách hợp lý. Đặc biệt, các địa phương phải đồng hành với cơ quan chuyên ngành, lực lượng chức năng tăng cường quản lý hành lang an toàn đường bộ và tuyên truyền người dân nhận thức được tầm quan trọng, ý nghĩa của việc bảo vệ hành lang an toàn đường bộ.

CÔNG TÚ