Làm đường vào vùng sản xuất
Việc đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông vào các khu sản xuất trên địa bàn Đông Giang không chỉ giải bài toán tăng cường khả năng lưu thông, mà còn tạo thuận lợi phát triển nông - lâm nghiệp, sắp xếp dân cư, xóa đói giảm nghèo bền vững.
Vừa tốt nghiệp chuyên ngành tiểu học - mầm non tại Trường Đại học Quảng Nam, Arâl Thị Hiền trở về quê nhà thôn A Dinh (thị trấn Prao) để phụ giúp gia đình thu hoạch củ sắn, quả dứa... Nhưng để đưa được sản phẩm sau thu hoạch trở về nhà, cha mẹ và Hiền phải mang gùi lội bộ trên lối mòn xa nhiều cây số.
Với khuôn mặt khắc khổ, mẹ của Hiền cho biết, bà con ở đây trồng nhiều loại cây như keo, quế, sắn, dứa cùng một số dược liệu khác và đây là nguồn thu nhập chính. Nhưng do chưa có đường kiên cố vào khu vực canh tác, khi thu hoạch phải gùi, kéo hoặc vác sản phẩm về nhà rất cực nhọc. Vào vụ thu hoạch keo, người dân chỉ có cách dùng sức người vác cây, bởi vậy không khó để giải thích vì sao giá bán ra lại bèo bọt đến thế.
Những ngày gần đây, tuyến đường vào khu sản xuất thôn A Dinh dài 3km đang được triển khai thi công sau khi HĐND tỉnh thông qua chủ trương hỗ trợ nguồn vốn thực hiện.
Trưởng phòng Kinh tế & hạ tầng huyện Đông Giang - ông Nguyễn Đức Huy cho biết, đến thời điểm này nhà thầu đã hoàn thiện đạt hơn 70% khối lượng thi công nền đường. Ghi nhận trên thực tế, xe tải đã có thể vào sâu bên trong chở keo, người dân địa phương chạy bằng xe máy để vận chuyển nông sản.
“Mới chỉ chừng đó thôi, bộ mặt khu vực qua trung tâm thôn đã sáng lên. Nhà nước làm như vậy bà con mình ưng bụng lắm!” - một người dân địa phương bày tỏ.
Làm đường vào khu sản xuất thôn A Dinh sẽ khai mở nhiều vấn đề. Trước hết, gần 150 hộ dân đi vào khu vực sản xuất, thu hoạch sẽ rất thuận lợi vì ven tuyến hiện hữu 250ha rừng keo, 35ha quế, 15ha chè dây, 7ha ba kích tím, 8ha đinh lăng và nhiều loại cây khác. Đường mở ra là điều kiện hiện thực hóa mục tiêu sắp xếp dân cư; phát triển 71ha cây dược liệu, trồng 170ha rừng gỗ lớn theo quy hoạch tại A Dinh.
Về lâu dài, đường này sẽ được đầu tư kết nối liên thông với tuyến giao thông liên vùng Đông Giang và Tây Giang, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ. Đặc biệt sẽ tháo “điểm nghẽn” phát huy hiệu quả sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, cải thiện thu nhập, từng bước xóa đói giảm nghèo.
Ông Nguyễn Đức Huy cho biết, người dân nơi đây rất ủng hộ khi mở đường. Việc họ đồng thuận hiến đất có giá trị hàng tỷ đồng là minh chứng sống động. Để phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư, Đông Giang kiến nghị tỉnh sớm tiếp tục bố trí nguồn vốn hỗ trợ để thi công bề mặt đường. Từ hiệu quả đầu tư đường vào thôn A Dinh, việc nghiên cứu và ban hành đề án phát triển hạ tầng giao thông gắn với vùng nguyên liệu trên phạm vi toàn tỉnh cần tính đến. Vì hiện nay, hạ tầng giao thông vào các khu sản xuất tại Đông Giang nói riêng còn khó khăn, rất cần tiếp tục được quan tâm hỗ trợ nguồn lực.