Âm ỉ sốt đất ở Điện Bàn
Tình trạng sốt đất chưa bao giờ dứt ở Điện Bàn mà vẫn âm ỉ. Từ những khu dân cư trung tâm đến các vùng quê heo hút, đâu đâu giá đất cũng chực chờ đột biến.
1. Ông T. (thôn Châu Sơn, xã Điện Tiến, Điện Bàn) chỉ tay về phía rặng tre, nơi những cọc bê tông rào cắm vẫn còn mới. “Bên đó còn 10 lô, nghe nói giá 500 - 600 triệu đồng/ lô, anh qua hỏi thử” - ông T. nói khi tôi cho hay mình đang tìm mua đất. Khu đất ông T. chỉ nguyên trước đây là mảnh vườn, rộng khoảng 800m2 .
Năm ngoái khu đất được bán cho một một nhà đầu tư giá hơn 1 tỷ đồng, chỉ qua vài tháng nhà đầu tư này phân thành 10 lô ngang dọc đấu lưng vào nhau, mỗi lô diện tích 70 - 90m2 và rao bán.
Những ngày này về thôn Châu Sơn chỉ cần hỏi chỗ bán đất hầu như người dân nào cũng biết. Sát nhà ông T., có mảnh đất vừa được phân thành 5 lô. “Cái gò này trước đây của gia đình tôi, sau khi bán cho chủ mới họ đã san ủi và chia lô. Ngày nào cũng có người tới xem, tối mịt vẫn còn” - ông T. kể.
Khu đất nằm sát đường bê tông nhỏ, sau lưng là ngọn đồi trồng cây bạc hà, phía trước nhìn ra cánh đồng. Buổi trưa đứng từ bờ kênh nhìn vào chỉ thấy đá sỏi cằn cỗi, vài ngôi nhà lẻ loi, heo hút. Ông T. quả quyết: “Đất đây có giá lắm, toàn người Đà Nẵng vào mua”. Trong buổi sáng dạo quanh thôn tôi gặp rất nhiều người đi xe biển số Đà Nẵng tìm mua đất.
Vợ chồng ông H. cùng người bạn từ xã Hòa Tiến (Hòa Vang, TP.Đà Nẵng) cũng vào Châu Sơn tìm mua đất. Ông H. đã đến vài nơi nhưng chưa vừa ý. “So với nhiều chỗ, đất ở đây còn rẻ lại gần Đà Nẵng nên cũng định mua vài lô để dành” - ông H. giải thích lý do vào nơi hẻo lánh này tìm mua đất.
Điều khiến vợ chồng ông phân vân chưa quyết mua lô nào vì đa số đất nằm ở vị trí đường bê tông hẹp, diện tích nhỏ, đặc biệt là thấp lụt. Nhưng với mức giá vài trăm triệu đồng có thể mang đến cơ hội cho ông H. và những nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Từ cuối năm ngoái, Điện Tiến bỗng trở nên nhộn nhịp vì đất, chỉ riêng thôn Châu Sơn hiện có khoảng 50 lô đất đang được chào bán với giá 500 - 700 triệu đồng/lô. Một số thôn khác trong xã như Châu Bí, Thái Sơn, Xuân Diệm… cũng rộn ràng chuyện mua bán đất. Đa số chủ đất từ Đà Nẵng vào mua lại những khu đất vườn hoặc nhà ở của dân, sau đó phân lô ra sổ và bán lại.
Dạo trên các trang mạng như “batdongsan.com.vn”, “nha. chotot.com”… dễ dàng bắt gặp thông tin chào mời bán nhà, đất tại Điện Tiến với đủ loại giá. Có những nơi dù nằm xa khu dân cư vẫn được rào chắn, phân lô rao bán.
Bà Nguyễn Thị Năm (ở tổ 4, thôn Châu Sơn) nói, bà sống ở quê hơn 40 năm rồi và nay không lý giải được vì sao đất bỗng nhiên lên giá. “Mấy năm trước có cho cũng không ai ở đây, nhưng không hiểu sao bữa ni người ta tới tìm mua đất nhiều rứa” - bà Năm thắc mắc. Có lẽ xã Điện Tiến rất gần Đà Nẵng, chỉ cách ngọn đồi Bồ Bồ.
2. Tôi bấm điện thoại hỏi H. (một tay môi giới và đầu tư đất lâu năm ở Điện Bàn), anh cười nói: “Họ lướt sóng thôi, chủ yếu bán qua bán lại kiếm lời chứ trên đó ai ở, đất ở trung tâm thị xã như Vĩnh Điện, Điện Nam, Điện Thắng mà còn bán không chạy đây”. Đơn cử, khu phố 5 Vĩnh Điện, nơi được đánh giá là thuận tiện để kinh doanh, sinh sống nhưng giao dịch vẫn èo uột. H. “ôm” 2 lô nhưng 3 năm nay vẫn chưa bán được.
Tại một số dự án như khu dân cư số 1 Điện Thắng, Điện Thắng Central, An Phú… giao dịch khá thấp. Chỉ riêng dự án Điện Thắng Central, trong số khoảng 600 lô đất được chào bán, tỷ lệ giao dịch chỉ khoảng 30%. Một số khu khác như DHTC, An Phú, khu phố chợ Điện Nam Trung…, tỷ lệ giao dịch cũng không khá hơn.
Ngoài nguyên nhân chậm ra sổ, yếu tố chính khiến giao dịch thấp là giá đất cao, vị trí xa trung tâm... Khảo sát một số khu dân cư mới mở tại Điện Bàn, hầu hết mức giá chào bán nằm trong ngưỡng 14,5 - 18 triệu đồng/m2 (tùy vị trí). Nhiều ý kiến cho rằng, trong tình hình dịch bệnh, kinh tế khó khăn như hiện nay, mức giá trên là khá cao.
Quay lại câu chuyện đất ở Điện Tiến, ông Lê Văn Sỹ - Chủ tịch UBND xã Điện Tiến xác nhận, từ đầu năm đến nay việc mua bán đất rộ lên, hầu như thôn nào cũng có nhiều trường hợp phân lô bán nền, chủ yếu đất vườn, đất ở, địa phương cũng chỉ khuyến cáo người dân cẩn thận trong mua bán, giao dịch và chuyển đổi mục đích sử dụng. “Đất của dân họ có quyền chuyển nhượng, miễn không bán đất ruộng lúa hay đất thuộc quy hoạch là được” - ông Sỹ nói.
Chuyện sốt đất không phải mới mẻ, nhiều người đã phải ôm nợ khi lao vào cuộc chơi này. Khoan bàn đến lý do giá đất khắp nơi tăng đột biến, nhưng có thể nhận thấy một điều rằng, nhờ có đất mà không ít hộ dân quê đã đổi đời. Những mảnh vườn cằn cỗi bỗng một ngày có giá tiền tỷ. Ở góc độ dân sinh, có thể đó là sự may mắn và niềm vui dành cho nhiều hộ nghèo, bởi suy cho cùng đây cũng chỉ là giao dịch hàng hóa thông thường, thuận mua vừa bán.
Năm 2018 khi thị trường bất động sản “bùng nổ”, nhiều khu vực bờ sông, biền bãi ở Điện An cũng được “nhà đầu tư” tìm đến mua với giá 500 - 700 triệu đồng/lô, hậu quả đến tận bây giờ cỏ mọc hoang tàn vẫn không thể rút vốn ra được khi “bong bóng bất động sản” xì hơi. Chưa kể, tại một số dự án, tình trạng thiếu thông tin đã khiến nhiều người bỏ tiền đầu tư nhưng chưa biết đến bao giờ mới được nhận đất, thậm chí chưa biết đến bao giờ mới có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Ông Trần Úc - Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn khẳng định, theo Luật Đất đai, nơi nào chưa có quyết định thu hồi đất thì người dân được phép chuyển nhượng, thế chấp và phải tuân thủ những quy định về thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Theo ông Trần Úc, trên địa bàn thị xã hiện có khoảng 40 dự án khu dân cư, hầu hết dự án tập trung chủ yếu vùng đông và phía bắc Điện Bàn. Tuy nhiên, theo Quyết định 147 của UBND tỉnh, đến nay tỉnh mới chuyển giao cho Điện Bàn khoảng 20 dự án, riêng 20 dự án Điện Bàn đăng ký theo Quyết định 147 mới được tỉnh chấp thuận tên gọi, việc đấu thầu chọn nhà đầu tư vẫn chưa triển khai. Xem ra, đất dự án dân cư ở Điện Bàn vẫn còn khá nhiều, chí ít trong một vài năm nữa.