Kích cầu dự án an cư
Trước nhu cầu bức xúc về “nơi ăn chốn ở”, đầu tháng 6.2021 Quảng Nam đã phê duyệt danh mục 100 dự án nhà ở thương mại và dự án nhà ở cho người thu nhập thấp. Động thái này tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương trong quá trình đô thị hóa, giải bài toán tái định cư (TĐC), mặt khác tạo ra nguồn thu ngân sách dồi dào.
“Giải tỏa” tâm lý
Năm 2020, do hoàn cảnh gia đình, chủ yếu lo ngại cha già hơn 80 tuổi một mình sống trong ngôi nhà xuống cấp nằm trong diện quy hoạch dự án khu nghỉ dưỡng Nam Hội An, ông Dương Văn Năm quyết định đón cha mình vào TP.Hồ Chí Minh chung sống. Tuy ở thành phố đầy đủ tiện nghi, nhưng cụ Dương Xi (cha ông Năm, trú ở xã Duy Hải, Duy Xuyên) vẫn mong muốn “bám trụ” tại quê nhà trong quãng đời còn lại.
Ông Năm bộc bạch: “Quy hoạch kéo dài năm này qua năm nọ, trong khi dân mòn mỏi chờ giải tỏa. Đi không nỡ, ở không đành là tâm lý chung của dân vùng dự án. Ở tuổi gần đất xa trời, cha tôi chỉ ước nguyện về quê an dưỡng”.
Không riêng trường hợp của ông Dương Xi thiết tha về chỗ ở ổn định mà hàng chục hộ dân xã Duy Hải và Duy Nghĩa, Duy Xuyên (vùng bị ảnh hưởng dự án khu nghỉ dưỡng Nam Hội An) đã gửi đơn thư kiến nghị các cấp chính quyền và chủ đầu tư giải quyết thu hồi đất, bố trí TĐC nhưng chưa được xem xét.
Công ty CP Đầu tư – phát triển Kỳ Hà Chu Lai là đơn vị được UBND tỉnh cho phép thay mặt cho Công ty TNHH Phát triển Nam Hội An thực hiện đầu tư các khu TĐC Nồi Rang, Duy Hải 2, Duy Hải 3, Sơn Viên, riêng khu TĐC An Lương – Thuận An giao nhưng chưa triển khai trên địa bàn huyện Duy Xuyên và khu TĐC ven biển Bình Dương trên địa bàn huyện Thăng Bình.
Theo công ty này, từ năm 2015 đến nay, doanh nghiệp triển khai đầu tư 5 khu TĐC với diện tích 239ha, với tổng 4.778 lô đất TĐC theo quy hoạch. Trong đó, có 1.356 lô đất TĐC hoàn thành hạ tầng, bố trí 823 lô cho hộ TĐC dự án khu nghỉ dưỡng Nam Hội An, các dự án khác tại vùng đông Duy Xuyên và phục vụ TĐC tại chỗ.
Ông Huỳnh Bửu – Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư – phát triển Kỳ Hà Chu Lai cho biết, tại vùng đông Duy Xuyên và Thăng Bình, nhu cầu TĐC của các trường hợp cặp vợ chồng kết hôn sau thời điểm thu hồi rất nhiều, địa phương không có quỹ đất TĐC sẵn để giải quyết. Tại xã Duy Hải không đủ đất để bố trí TĐC cho các trường hợp có yêu cầu được giải tỏa trắng. Các hộ trên địa bàn Duy Hải thì không muốn đến TĐC ở xã Bình Dương (Thăng Bình) do gặp bất lợi về thói quen sinh hoạt, sản xuất.
Tại vùng đông Tam Kỳ, Núi Thành, người dân chịu nhiều thiệt thòi khi không thể xây dựng mới, cơi nới, sửa chữa nhà ở bởi Chỉ thị 06 của UBND tỉnh trước đây. Ông Võ Xuân Ca – Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho rằng, khi thu hồi đất, cơ quan chức năng chỉ lo phần bồi thường giải tỏa về đất, nhà ở, tài sản vật kiến trúc trên đất, còn việc giải tỏa tâm lý của người bị mất đất, bắt buộc phải di chuyển đến chỗ ở mới thì hầu như bỏ ngỏ.
Ở vùng dự án trọng điểm như Duy Xuyên, Thăng Bình, do chậm giải phóng mặt bằng nên nhiều dự án TĐC dở dang, trong khi chính sách pháp luật liên quan đến thủ tục đầu tư, đất đai, nguồn vốn điều chỉnh thay đổi liên tục, đã “treo” lơ lửng quyền lợi người dân. Vì vậy, mới đây, chính quyền tỉnh giao Sở Xây dựng rà soát lại hồ sơ quy hoạch và cơ sở pháp lý của việc giao nhiệm vụ chủ đầu tư xây dựng 3 khu TĐC gồm Duy Hải giai đoạn 2, Duy Hải giai đoạn 3 và Sơn Viên theo quy định của Luật Nhà ở và các nghị định liên quan.
Lành mạnh thị trường đất đai
Phê duyệt danh mục 100 dự án phát triển nhà ở năm 2021
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu vừa ký quyết định phê duyệt danh mục 100 dự án phát triển nhà ở năm 2021. Theo đó, 2 dự án nhà ở cho người có thu nhập thấp và 98 dự án nhà ở thương mại có diện tích đất ở để phát triển dự án nhà ở khoảng 787ha. Trong số này có nhiều dự án lớn như dự án phát triển nhà ở trong khu nghỉ dưỡng Nam Hội An tại huyện Duy Xuyên với quy mô 237ha; dự án phát triển nhà ở trong khu nghỉ dưỡng Nam Hội An tại huyện Thăng Bình với diện tích 87,5ha; dự án phát triển nhà ở trong khu đô thị và cảnh quan hai bên đường Điện Biên Phủ, đoạn từ sông Kỳ Phú đến Quảng trường biển Tam Thanh (Tam Kỳ) có quy mô 746ha; dự án phát triển nhà ở trong khu đô thị sinh thái ven sông Tam Kỳ với diện tích 280ha; dự án khu đô thị phía bắc tuyến đường Cây Cốc - Bình Minh (xã Bình Minh, Thăng Bình) với diện tích 99ha.
“Bóng ma” làm lũng đoạn thị trường bất động sản, nhà ở thương mại, kể cả nhà ở xã hội chính là do các dự án buôn bán, chuyển nhượng ngầm. Thời gian qua, lợi dụng sự buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương và ngành chức năng, không ít dự án “bán lúa non” trong khi chưa hoàn tất đầy đủ thủ tục pháp lý có liên quan.
Các dự án rao bán đất nền của Công ty CP Bách Đạt An nằm trong Đô thị mới Điện Nam – Điện Ngọc trong khi chưa đủ điều kiện giao dịch trên thị trường khiến người dân khiếu nại vượt cấp là ví dụ điển hình. Và gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện rao bán sản phẩm bất động sản các dự án khu dân cư đông bắc TP.Hội An giai đoạn 2, khu phố chợ Chiên Đàn, khu dân cư phố chợ Trường Xuân khi nơi đây còn nham nhở hạ tầng.
Ông Nguyễn Phú - Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, ngành chức năng đã yêu cầu chủ đầu tư các dự án bất động sản, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản chỉ được đưa vào kinh doanh khi đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định, chịu trách nhiệm trước pháp luật khi để xảy ra sai phạm trong việc đầu tư dự án.
Sở Xây dựng yêu cầu doanh nghiệp không được ủy quyền hoặc giao cho bên tham gia hợp tác đầu tư, liên doanh, liên kết, hợp tác kinh doanh, góp vốn hoặc tổ chức, cá nhân khác thực hiện ký hợp đồng cho thuê, thuê mua, mua bán nhà ở, hợp đồng đặt cọc các giao dịch về nhà ở hoặc kinh doanh quyền sử dụng đất trong dự án; khuyến khích người dân tìm hiểu kỹ càng trước khi giao dịch thị trường bất động sản, nhà ở dự án…
Về danh mục dự án nhà ở, theo kế hoạch của tỉnh, năm 2021 tổ chức lựa chọn nhà đầu tư khi đã có chủ trương đầu tư 40 dự án, tổng diện tích đất 558ha. Theo đó, tại huyện Đại Lộc có 6 dự án sẽ được triển khai tại thị trấn Ái Nghĩa. Huyện Thăng Bình có 7 dự án thực hiện tại các xã Bình Dương, Bình Minh, Bình Đào và thị trấn Hà Lam. Huyện Duy Xuyên có 5 dự án sẽ thực hiện tại các xã Duy Nghĩa, Duy Phước, thị trấn Nam Phước.
Tại TP.Tam Kỳ sẽ có dự án nhà ở An Hòa 1 cho người thu nhập thấp; Hội An có 2 dự án tại xã Cẩm Hà; Quế Sơn sẽ có 3 dự án tại xã Quế Phú và thị trấn Hương An. Riêng thị xã Điện Bàn sẽ có 13 dự án, tổng diện tích là 108ha... Trong khi đó, các dự án được thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương nghiên cứu đầu tư tổ chức lựa chọn nhà đầu tư gồm 60 dự án, với tổng diện tích 2.067ha.
Đầu tháng 6.2021, chính quyền tỉnh phê duyệt danh mục các dự án triển khai thực hiện kế hoạch phát triển nhà ở năm 2021 với tổng diện tích đất hơn 2.625ha. Để lành mạnh thị trường đất đai, nhà ở, cuối tháng 3.2021, Quảng Nam yêu cầu các sở ngành liên quan và các địa phương không để xảy ra tình trạng sốt giá và bong bóng bất động sản trên địa bàn tỉnh. Công khai thông tin về quy hoạch, tiến độ triển khai các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, các dự án bất động sản, ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu cơ nhằm đẩy giá để trục lợi bất hợp pháp.