Nâng chất lượng đào tạo lái xe
Thực hiện nhiệm vụ đột phá về nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp đổi giấy phép lái xe cơ giới đường bộ, Sở GTVT đang tập trung chấn chỉnh những hạn chế đã được nhận diện để đưa lĩnh vực này đi vào nền nếp, khoa học.
Chấn chỉnh từ cơ sở đào tạo
Dạy, sát hạch lái xe (SHLX) cơ giới đường bộ là lĩnh vực được dư luận xã hội quan tâm vì trực tiếp đào tạo ra người điều khiển phương tiện. Nếu chất lượng đầu ra thấp, người cầm lái thiếu ý thức tuân thủ các quy tắc khi tham gia giao thông sẽ gây nguy cơ mất an toàn.
Giám đốc Sở GTVT Văn Anh Tuấn chia sẻ: “Sở GTVT xác định cần chấn chỉnh ngay hạn chế của các cơ sở đào tạo, trung tâm SHLX đã nhận diện và xem đây là nhiệm vụ đột phá cần thực hiện ngay. Đơn vị nào không nghiêm túc chấp hành sẽ bị cắt giảm lưu lượng đào tạo, thậm chí rút giấy phép kinh doanh. Phải rõ ràng, minh bạch như thế để cho ra sản phẩm chất lượng”.
Thời gian qua, Sở GTVT đã chỉ đạo các cơ sở đào tạo lắp đặt thử nghiệm thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học thực hành lái xe trên đường, ca bin tập lái xe để đánh giá kết quả, hoàn thiện công tác quản lý và triển khai đúng theo lộ trình của Bộ GTVT.
Trước mắt, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp Minh Sơn (Thăng Bình) và Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp lái xe Phú Ninh được lựa chọn để lắp đặt thử nghiệm, hoàn thành trước ngày 1.8.2021.
Sát hạch viên Trương Khuê nhìn nhận: “Chất lượng học viên hiện còn thấp, có khóa thi hỏng tới hơn 40%. Chất lượng đào tạo được đánh giá bằng kỹ năng lái xe thực tế trên đường của học viên, song kỹ năng không thể đạt chỉ ngày một ngày hai. Cho nên, vai trò người thầy rất quan trọng trong đào tạo học viên lái xe an toàn”.
Vì lẽ đó, Sở GTVT yêu cầu cơ sở đào tạo nghiêm túc kiểm tra, xác minh các văn bằng, chứng chỉ về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm của giáo viên; trường hợp nào không đảm bảo thì báo cáo để ngành chức năng xử lý.
Theo ông Văn Anh Tuấn, cơ sở đào tạo phải phân bố thời gian, nội dung, chương trình đào tạo phù hợp, không chồng chéo. Lưu lượng đào tạo lái xe ô tô bố trí không được vượt quá khả năng đáp ứng của sân tập lái, phòng học, xe tập lái, giáo viên. Đáng chú ý, giáo viên tuân thủ soạn giáo án, ghi chép đầy đủ nội dung, đúng thực tế giảng dạy trong các tài liệu phục vụ đào tạo, đặc biệt là sổ theo dõi thực hành lái xe. Đội ngũ này tuyệt đối không được giảng dạy các bài thực hành trong hình trên các tuyến giao thông công cộng.
Nhiều quy định mới
Sở GTVT cho biết, địa bàn Quảng Nam hiện có 8 cơ sở đào tạo lái xe (7 cơ sở đào tạo lái xe ô tô); 4 trung tâm SHLX. Kể từ ngày 31.12.2021, các cơ sở đào tạo sẽ phải sử dụng phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông để đào tạo lái xe ô tô; trang bị và sử dụng thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học lái xe trên đường của học viên từ ngày 1.1.2022, sử dụng ca bin học lái xe ô tô từ ngày 1.7.2022.
Sau đào tạo, học viên trải qua các phần thi tại trung tâm SHLX. Ông Lê Văn Trí - Trưởng phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái (Sở GTVT) khẳng định, các trung tâm bắt buộc thực hiện giám sát bằng hệ thống camera đối với phòng sát hạch lý thuyết, sân SHLX trong hình tại các khu vực có bài sát hạch. Hệ thống này sử dụng camera IP, có độ phân giải HD trở lên, có giao diện tương tác, kết nối đáp ứng tối thiểu theo tiêu chuẩn mở ONVIF, được đồng bộ về thời gian với máy chủ sát hạch lý thuyết, máy tính điều hành thiết bị chấm điểm thực hành lái xe trong hình.
Đồng thời đảm bảo kết nối trực tuyến, truyền dữ liệu hình ảnh (dạng video) theo giao thức chuẩn mở sử dụng cho trao đổi dữ liệu hai chiều thời gian thực giữa máy chủ và máy trạm về Tổng Cục đường bộ Việt Nam để quản lý, giám sát, lưu trữ cũng như chia sẻ dữ liệu với các Sở GTVT và cơ quan có thẩm quyền để thực hiện chức năng quản lý nhà nước.
“Dữ liệu hình ảnh giám sát phòng sát hạch lý thuyết, sân SHLX trong hình phải công khai trực tiếp trên màn hình lắp đặt tại phòng chờ sát hạch và lưu trữ ở trung tâm sát hạch. Hệ thống các thiết bị nói trên phải đảm bảo tính bảo mật cao” - ông Lê Văn Trí cho biết.
Kể từ ngày 1.6.2022, các trung tâm SHLX sử dụng phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông để SHLX. Trong khi đó, hội đồng sát hạch, tổ sát hạch do Sở GTVT thành lập trước mỗi kỳ sát hạch sẽ rà soát, kiểm tra phòng sát hạch lý thuyết, điều kiện của học viên dự thi.
Đặc biệt, yêu cầu thí sinh tự khai đầy đủ thông tin, ký và ghi rõ họ, tên trong các biên bản sát hạch nhằm phát hiện trường hợp không biết chữ tham gia SHLX. Hội đồng sát hạch cũng sẽ theo dõi, kiểm tra dữ liệu giám sát phòng sát hạch lý thuyết, dữ liệu SHLX trên đường nhằm phát hiện, xử lý sát hạch viên làm không tròn chức trách.
Để đào tạo, SHLX đi vào nền nếp, khoa học, ông Văn Anh Tuấn cho biết ngành đã ban hành các quy định hết sức cụ thể, áp dụng cho từng bộ phận, kể cả đội ngũ sát hạch viên, hội đồng sát hạch, phòng ban liên quan.
Thời gian đến, Sở GTVT sẽ thường xuyên kiểm tra định kỳ, đột xuất việc chấp hành của các cơ sở đào tạo và trung tâm SHLX nhằm phát hiện các thiếu sót mà kịp thời chấn chỉnh; xử lý nghiêm vi phạm bằng việc đình chỉ tuyển sinh hoặc thu hồi giấy phép đào tạo, giấy chứng nhận trung tâm sát hạch đủ điều kiện hoạt động.